Vì sao gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng 'thất thu' cả về lượng và chất?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 14:32, 02/11/2016
Trong tháng 10, khối lượng gạo xuất khẩu ước tínhđạt 368.000 tấn với kim ngạchđạt 164 triệu USD. Như vậy, tính chung khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng của Việt Nam ước tính đạt 4,2 triệu tấn với kim ngạchđạt 1,9 tỉ USD, giảm 21,2% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Trước tình hình xuất khẩu gạo ngày càng sa sút, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, nếu không có đột phá về thị trường, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2016 sẽ từ kế hoạch 6,5 triệu tấn giảm mạnh còn khoảng 5,7 triệu tấn theo đường chính ngạch.
Đây được xem là mối lo ngại lớn đối với một quốc gia vốn đãphụthuộc lớn vào nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo như Việt Nam.
Chỉ ranguyên nhân khiến gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạocho rằng là do phía Trung Quốc siết chặt quản lý xuất nhập khẩu gạo qua biên giới đất liền phía Bắc, chống buôn lậu gạo khiến việc xuất khẩu gạo theo đường tiểu ngạch không thuận lợi.
Bên cạnh đó, về gạo chính ngạch, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc xuất khẩu gạo và cám gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc vẫn chưa thể thực hiện được do chưa có một công ty khử trùng, giám định nào của Việt Nam được Trung Quốc công nhận để khử trùng gạo trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc theo nghị định thư này.
Không chỉ Trung Quốc, nhiều thị trường cũng giảm mạnh nhập khẩu gạo Việt Nam như: Philippines, Malaysia, Singapore, Hoa Kỳ, Bờ Biển Ngà…
Tuy nhiên, theo đánh giácủa các chuyên gia kinh tế thì nguyên nhân sâu xa khiến tiêu thụ gạo của Việt Nam ngày càng giảmtrên thị trường thế giới chính là chất lượng. Cụ thể, theo GS. Võ Tòng Xuân,hiệnchất lượng gạo củaViệt Nam chưa có gì cải tiến trong khi dư lượng thuốc trừ sâu đã lên mức báo động. Nhà nước cần phải thắt chặt quản lý tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và không thể để nông dân thoải mái sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như hiện nay.
"Các quốc gia trên thế giới rất chú trọng đến chất lượng sản phẩm gạo nên gạo xuất sang các quốc gia này đều phải là gạo sạch, hóa chất vượt ngưỡng sẽ lập tức bị trả về.Nếu chúng ta chỉ chú trọng vào sản lượng mà không chú ý chất lượng thì gạo Việt không thể cạnh tranh nổi” - GS. Võ Tòng Xuân cho hay.
Theo đó, vị chuyên gia này đề xuất cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp trong nước cần phải xây dựng cho gạo Việt một thương hiệu riêng, có chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng để cạnh tranh với thế giới, thiết lập quyền sở hữu trí tuệ để không nước nào có thể bắt bẻ được.
"Khi có một thương hiệu riêng, mình phải phổ biến giống của mình. Phải làm theo chuỗi giá trị, liên kết 4 nhà gồm: nhà nước-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp-nhà nông để cùng sản xuất. Nông dân hợp tác với nông dân, theo mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Muốn có hợp tác xã kiểu mới thì chúng ta phải có những nông dân đổi mới, có tư duy mới trong sản xuất lúa gạo. Xóa bỏ tình trạng nông dân tự làm theo ý mình, rồi mỗi người làm một kiểu không đồng nhất, gây khó quản lý và hiệu quả thấp hơn. Từ đó hướng người nông dân theo quy trình VietGAP vừa ít tốn kém, vừa ít sâu bệnh, chất lượng cao, vệ sinh an toàn thực phẩm", GS Xuân cho biết.
Để đẩy mạnh xuất khẩu gạo thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũngvừa chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, bám sát tình hình sản xuất tiêu thụ lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; trường hợp giá lúa gạo trên thị trường giảm sâu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ biện pháp điều tiết cụ thể theo đúng quy định tại Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4.11.2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo, nhằm ổn định thị trường, bảo đảm thu nhập cho người nông dân trồng lúa.
Bộ Công Thương chỉ đạo các đầu mối xuất khẩu đã được cấp phép phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam tích cực thu mua lúa của nông dân, đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Đồng thời tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đặc biệt là chú trọng các thị trường tiềm năng, thị trường tập trung truyền thông.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc giãn nợ khoanh nợ và cho vay đối với người nông dân trồng lúa, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tuyết Nhung