Tái cơ cấu kinh tế trước hết là tăng hiệu quả chi ngân sách

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:34, 02/11/2016

Như sự thừa nhận của cả hai vị Bộ trưởng, cả ngân sách lẫn nợ công của Việt Nam đều đang phải chịu những sức ép rất lớn đến từ cả hai phía là nhu cầu vốn đầu tư phát triển và áp lực trả nợ. Trong đó, nguyên nhân hàng đầu là do sự bất hợp lý trong việc phân bổ nguồn lực và đặc biệt là việc sử dụng ngân sách kém hiệu quả nghiêm trọng.

Hội trường Quốc hội trong phiên thảo luận ngày 1.11 trở nên nóng hơn bao giờ hết, khi chủ đề trọng tâm nhận được rất nhiều sự quan tâm chú ý là kinh tế-tài chính, đặc biệt là vớibảntrình bày của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Tài chính về những vấn đề nóng nhất ở thời điểm hiện tại là ngân sách và nợ công.

Như sự thừa nhận của cả hai vị Bộ trưởng, cả chiếc bánh ngân sách lẫn nợ công của Việt Nam đều đang phải chịu những sức ép rất lớn đến từ cả hai phía là nhu cầu phát triển và áp lực trả nợ. Tất cả những vấn đề này đang gây ra những tác động không nhỏ đối với kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế đang được Nhà nước và Chính phủ triển khai trong giai đoạn sắp tới, khi cả cơ cấungân sách lẫn vay nợ của Việt Nam đều đang có những lỗ hổng lớn.

Trong bài phát biểu của mình trước Quốc hội hôm 1.11, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi lý giải về vấn đề thu chi ngân sách đã thừa nhận rằng đang có một sự mâu thuẫn lớn trong chi ngân sách hiện nay:

“Từ trước tới nay chúng ta vẫn đang tồn tại hai quan điểm mâu thuẫn nhau. Đó là cần tập trung đầu tư ưu tiên cho một số ngành, lĩnh vực và địa phương có tính động lực, có tính đầu tàu, có tính lan tỏa để thúc đẩy phát triển nhanh hơn và có đóng góp cho nguồn thu của ngân sách nhanh hơn. Mặt khác, các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn cũng cần được quan tâm đầu tư để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương trong cả nước. Đó là nhu cầu rất lớn nhưng khả năng chúng ta rất hạn hẹp”.

Lời giãi bày của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư có lẽ là để lý giải cho những sức ép từ cả hai phía đối với ngân sách nhà nước ở thời điểm hiện tại, khi các địa phương trên cả nước đang chia làm 2 phe: một phe bao gồm các tỉnh thành muốn giữ nguyên hoặc tăng tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại để đầu tư phát triển, và phe còn lại gồm các địa phương muốn tăng mức trợ cấp từ ngân sách hàng năm.

Tuy nhiên, trên thực tế thì điều được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gọi là mâu thuẫn kể trên xuất hiện hầu như ở mọi nền kinh tế trên thế giới. Bất cứ quốc gia nào cũng đều phải cân đối giữa việc phân bổ nguồn lực cho đầu tư phát triển tại một số ngành và địa phương giữ vai trò đầu tàu tăng trưởng với nguồn lực cho các địa phương còn lại có điều kiện khó khăn hơn.

Tỉlệ phân bổ này ra sao tùy thuộc vào tình hình của mỗi nước và mỗi nền kinh tế. Không bao giờ có một quốc gia nào giàu có đến mức thừa thãi tiền để chi thoải mái cho cả hai nhu cầu chủ yếu trên mà không phải tiến hành cân đối việc phân bổ, kể cả những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản. Nói cách khác, sở dĩ điều này ở Việt Nam bị coi là mâu thuẫn như lời Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, là vì chúng ta đang bất lực trong việc đưa ra một tỷ lệ phân bổ hợp lý mà thôi.

Nếu cứ đặt vấn đề dựa trên yếu tố độ lớn của nhu cầu như hiện nay, thì sẽ không đi đến đâu, nhất là với một nền kinh tế có nguồn lực khiêm tốn và rất hữu hạn như Việt Nam. Vấn đề thực sự của ngân sách cũng như nợ công của Việt Nam hiện nay, nằm ở một khía cạnh khác: hiệu quả sử dụng nguồn vốn chi ngân sách quá thấp.

Theo lý giải của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội vào cùng ngày, thì một trong hai lý do chính khiến nợ công của Việt Nam phình to dẫn đến áp lực trả nợ rất lớn là do sự bất cân xứng giữa chi thường xuyên và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, nói cách khác là hiệu quả sử dụng nguồn vốn chi ngân sách thấp.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thì “nguyên nhân chính là tăng trưởng kinh tế không đạt dự kiến, trong khi về chi thì lại giữ mức chi theo tốc độ tăng trưởng kinh tế Chính phủ trình Quốc hội”.

Cụ thể, giai đoạn 2011-2015 Đại hội Đảng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 7-7,5% sau đó Chính phủ điều chỉnh còn 6,5-7%, và thực tế chỉ đạt mức 5,91% trung bình trong 5 năm qua. Thế nhưng, trong khi tăng trưởng kinh tế không đạt như dự kiến, thì các khoản chi lại giữ nguyên, dẫn đến chi thường xuyên tăng nhanh lên tới 67,8% tổng chi năm 2015 (theo The Saigon Times).

Nói cách khác, trong những năm qua, để đạt được mức tăng trưởng 6% thì Việt Nam phải chi một số vốn về lý thuyết đủ để đạt được mức tăng trưởng 7%. Hiệu quả sử dụng nguồn vốn kém là một trong hai lý do chính dẫn đến bội chi và nợ công tăng nhanh chóng mặt trong vài năm trở lại đây.

Hiệu quả sử dụng nguồn vốn chi ngân sách vì thế cũng sẽ là giải pháp cho vấn đề mà Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gọi là mâu thuẫn kể trên. Vì chúng ta không đặt hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách lên hàng đầu nên mới có chuyện các bộ, ngành bất lực trong việc phân bổ nguồn lực giữa chi cho đầu tư phát triển với chi cho các vấn đề xã hội.

Việc loay hoay trong vấn đề phân bổ nguồn lực đã dẫn đến một hệ quả nhãn tiền là chi cho đầu tư phát triển trong giai đoạn 2011-2015 đã giảm mạnh, chỉ còn chiếm khoảng 18,2% tổng chi ngân sách nhà nước, thấp hơn đáng kể so với mức bình quân 24,4% giai đoạn 2006-2010. Không một nền kinh tế nào có thể phát triển nếuxao nhãngvấn đề nuôi dưỡng nguồn thu của chính mình.

Tựu trung, sau hai bài phát biểu của hai vị Bộ trưởng về các vấn đề ngân sách và nợ công trong phiên thảo luận ngày 1.11, thì vấn đề cốt yếu hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là cần cải thiện ngay lập tức hiệu quả sử dụng nguồn vốnngân sách.

Không thể tiếp tục duy trì tình trạng sử dụng nguồn vốn lãng phí và thiếu hiệu quả như những năm vừa qua mà hệ quả nhãn tiền là cả ngân sách nhà nước lẫn nợ công quốc gia đều bị đe dọa nghiêm trọng. Tái cơ cấu nền kinh tế vì thế trước hết là tăng hiệu quả chi ngân sách, vì nếu không thì mọi kế hoạch cải cách khác đều sẽ trở thành vô nghĩa.

Nhàn Đàm

Nhàn Đàm