EVN đề xuất bổ sung Dự án điện mặt trời vào Quy hoạch điện VII
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:49, 04/11/2016
Chỉ ra lý do cần bổ sung dự án này vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, EVN cho biết, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất năng lượng tái tạo đưa vào vận hành các giai đoạn 2016-2030 là 25.083MW. Trong đó, công suất nguồn điện mặt trời khoảng 850MW vào năm 2020, khoảng 4.000MW vào năm 2025 và khoảng 12.000MW vào năm 2030.
Theo EVN, công suất điện mặt trời được đưa vào vận hành các giai đoạn này đã được xác lập trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Tuy nhiên, Dự án điện mặt trời Phước Thái hiện chưa có tên trong danh mục các dự án nguồn điện vận hành giai đoạn 2016-2020.
Vì vậy, để có cơ sở triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án thì cần thiết phê duyệt bổ sung Dự án điện mặt trời Phước Thái vào danh mục các nguồn điện vận hành giai đoạn 2016-2020 trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
"Việc triển khai công tác đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo nói chung và Dự án điện mặt trời Phước Thái nói riêng trong giai đoạn hiện nay là cần thiết để đáp ứng yêu cầu theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh", EVN nhận định
Bên cạnh đó, EVN cũng cho rằng việc đầu tư Dự án điện mặt trời Phước Thái là phù hợp xu thế phát triển hiện nay, cung cấp nguồn điện và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng phụ tải khu vực miền Trung Nam Bộ và Nam Bộ, tăng nguồn năng lượng xanh, giảm thiểu phát thải nhà kính, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Dự án điện mặt trời Phước Thái đã được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận tại văn bản số 4001/UBND-KT ngày 29.9.2016.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong giai đoạn 2016 - 2030, mục tiêu quan trọng hàng đầulà cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng được mức tăng trưởng bình quân GDP khoảng 7%/năm. Theo đó, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu đến năm 2020 khoảng 265 - 278 tỉ kWh; năm 2025 khoảng 400 - 431 tỉ kWh và năm 2030 khoảng 572 - 632 tỉ kWh.
Để hoàn thành mục tiêu này, đến năm 2020, tổng công suất các nguồn điện phải đạt khoảng 60.000MW. Đến năm 2025, tổng nguồn điện phải đạt 96.500MW và năm 2030 là 129.500MW. Như vậy, từ nay đến năm 2020, Việt Nam phải hoàn thành và đưa vào vận hành khoảng 21.200MW công suất nguồn điện các loại.
Đối với hệ thống lưới điện truyền tải, từ nay đến năm 2030, tổng chiều dài đường dây 500kV dự kiến xây dựng thêm là 10.052km; đường dây 220kV là 14.999km; tổng dung lượng các trạm 500kV phải bổ sung là 76.650MVA và 101.604MVA đối với các TBA 220kV.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện (không tính các nguồn điện đầu tư theo hình thức BOT) giai đoạn 2016 - 2030 khoảng 148 tỉ USD. Chỉ tính riêng từ nay đến 2020, mỗi năm ngành Điện cần khoảng 7,9 tỉ USD (tương đương với khoảng hơn 160.000 tỉ đồng) để xây dựng nguồn và lưới điện.
Tuyết Nhung