Bí mật về cuộc sống phóng đãng của Hoàng hậu cuối cùng nước Pháp

Văn hóa - Ngày đăng : 23:18, 04/11/2016

2.11 là tròn 261 năm ngày sinh Marie Antoinette, Hoàng hậu cuối cùng của nước Pháp. Tên tuổi của bà gắn với cuộc sống xa hoa, phóng đãng, mối tình "ngoài luồng"với nhà quý tộc Thụy Điển đẹp trai Axel von Fersen. Song ở bà có nhiều điều đáng được quan tâm hơn thế.
Sáng ngày 16.10.1793, Henri Sanson bước vào phòng giam Marie Antoinette, cựu Hoàng hậu Pháp 37 tuổi, chỉ vài giờ trước khi bà bị kết tội phản quốc và kết án tử hình. Tên đao phủ đầu đội khăn đỏ đã chặt đứt ổ khóa và xiềng xích trên người bà.
Sau đó, hắn cắt tóc rồi chặt đầu Hoàng hậu trước tiếng hò la của đám đông. Hơn 220 năm Antoinette bị hành hình và nhân sinh nhật lần thứ 261 của bà, có nhiềuđiều kinh ngạc về Marie Antoinette được khám phá.
1. Marie Antoinette là nữ đại công tước Áo. Sinh năm 1755 ở Vienna (Áo), công chúa Marie Antoinette là con thứ 15 và là con út Hoàng đế Francis I của Đế quốc La Mã Thần thánh và Hoàng hậu Maria Theresa của Áo.
Marie Antoinette, Hoàng hậu cuối cùng của nước Pháp
2. Antoinette kết hôn với Vua Pháp Louis XVI khi mới 14 tuổi. Nhằm gắn kết mối quan hệ sau một thời gian thù địch, Hoàng đế Áo đã gả con gái út cho người thừa kế ngai vàng nước Pháp, Hoàng thái tử Louis-Auguste. Ngày 7/5/1770, cô dâu hoàng gia 14 tuổi đã được giao cho người Pháp trên một hòn đảo ở giữa sông Rhine và sau đó là một đám rước lớn đưa công chúa tới cung điện Versailles. Ngày sau đó, Antoinette gặp vị vua tương lai của nước Pháp 15 tuổi. Hai người đã có một đám cưới xa xỉ trong cung điện Versailles.
3. Sau 7 năm, vua và hoàng hậu tương lai mới qua đêm tân hôn. Tuy nhiên, sau đám cưới, Antoinette và Louis-Auguste chỉ nằm cùng nhau trên giường như những người bạn xa lạ. Chỉ vài giờ sau khi gặp nhau lần đầu tiên, cặp đôi tuổi vị thành niên này đã bị Vua Louis XV đẩy vào phòng cô dâu. Sau khi Vua chúc phúc và hôn cả hai rời khỏi phòng để cặp tân lang tân nương sống đời vợ chồng, nhưng đêm đó không hề có chuyện gì xảy ra giữa hai người còn khá xa lạ nhau và 7 năm sau đó cũng vẫn vậy.
Hoàng thái tử mắc một chứng bệnh khiến ông bị bất lực và tin tức này nhanh chóng lan truyền khắp châu Âu. Cuối cùng, vào năm 1777, Maria Theresa đã cử một trong các con trai của mình, Hoàng đế Joseph II, tới điện Versailles để can thiệp và rắc rối này đã được giải quyết và sau đó Louis XVI đã tiến hành phẫu thuật hoặc theo lời của Hoàng đế Joseph II, hai người chưa có quan hệ chăn gối vì "quá ngớ ngẩn, khờ dại". Trong vòng 1 năm sau đó, Antoinette đã sinh ra đứa con đầu tiên trong số 4 người con của họ.
4. Marie Antoinette là một biểu tượng tuổi teen. Không giống với những năm là Hoàng hậu của nước Pháp, Antoinette đã thu hút công chúng ngay từ những năm đầu tiên đặt chân tới nước này. Khi Antoinette tuổi vị thành niên lần đầu tiên xuất hiện ở thủ đô Paris, 50.000 người đã chào đón cô và họ mất kiểm soát đến mức có ít nhất 30 người đã bị giẫm đạp đến chết.
5. Kiểu tóc phồng cao ngất của Antoinette từng xuất hiện trên một chiến hạm. Theo những gì viết trong cuốn sách mới Marie Antoinette’s Head, tác giả Will Bashor kể rằng thợ làm tóc hoàng gia Leonard Autie đã trở thành một trong những người bạn thân tín nhất của Hoàng hậu khi ông đã tạo cho Hoàng hậu kiểu tóc cao chót vót ấy. Autie đã trang trí thêm cho bộ tóc của Hoàng hậu với nhiều lông vũ, đồ nữ trang và kiểu tóc ấy từng được lấy làm mô hình cho tàu chiến Pháp La Belle Poule.
6. Xây dựng ngôi làng như trong chuyện cổ tích ngay trong cung điện Versailles. Nhiều ngôi làng ở Pháp người dân phải sống trong cảnh đói nghèo, nhưng Antoinette vốn có phong cách sống hoang tàng đã lệnh xây dựng Petit Hameau, ngôi làng nhỏ có hồ, vườn, nhà tranh, trang trại trong khuôn viên cung điện Versailles.
Trong khung cảnh điền viên ấy, Hoàng hậu và các thị tỳ của bà ăn mặc như những người nông dân, giả làm người vắt sữa bò và chăn cừu. Những khoản chi lớn của Antoinette vào những thứ yêu thích như ngôi làng Petit Hameau đã chọc giận các nhà hoạt động cách mạng và bà đã bị đặt biệt danh là “Quý bà thâm hụt”.
7. Các cáo buộc chống lại Marie Antoinette gồm cả loạn luân. 9 tháng sau khi hành hình Vua Louis XVI, tòa án Cách mạng đã cố gắng cáo buộc cựu Hoàng hậu với những tội danh chống lại nước Cộng hòa Pháp, trong đó có tội phản quốc, tình dục bừa bãi và quan hệ loạn luân với con trai là Louis-Charles, người đã bị buộc phải xác nhận rằng Hoàng hậu đã lạm dụng tình dục mình. Sau vụ xét xử kéo dài 2 ngày, cả ban bồi thẩm đều cho rằng Hoàng hậu phạm tội và nhất trí kết án tử hình.
8. Antoinette bị chôn trong ngôi mộ không có dấu tích và bị đào lên ngay sau đó. Sau khi Antoinette bị hành hình, thi hài bà được đặt vào một quan tài và bị ném vào một ngôi mộ tập thể đằng sau Nhà thờ Madeline.
Năm 1815, khi Vua Louis XVIII trở lại ngai vàng sau khi bị Napoleon đày ải, ông ra lệnh khai quật mộ và di hài của anh trai Louis XVI cùng Marie Antoinette phải được chôn cất cạnh các thành viên hoàng gia khác trong Nhà thờ Saint-Denis.
9. Một thành phố Mỹ mang tên Marie Antoinette. Khi một nhóm cựu binh cách mạng Mỹ tạo dựng khu định cư đầu tiên tại hợp lưu các sông Muskingum và Ohio hồi năm 1788, họ muốn tôn vinh nước Pháp khi đất nước này đã tích cực hỗ trợ những người yêu nước chiến đấu chống lại quân Anh. Họ đặt tên cho cộng đồng mới là Marietta, tên Hoàng hậu Pháp và thậm chí còn gửi thư tỏ ý muốn tặng bà một "quảng trường công cộng" trong thành phố.
Theo Việt Lâm / TT & VH

Tiểu Vũ