Nếu Donald Trump trở thành tổng thống: Cơn ác mộng cho các ngân hàng châu Âu?

Quốc tế - Ngày đăng : 08:36, 05/11/2016

Trong khi các nhà kinh tế Mỹ dự báo rằng nền kinh tế số một thế giới sẽ bị xáo trộn nghiêm trọng nếu ông Trump trở thành tổng thống, thì giới ngân hàng châu Âu lại lo ngại rằng hệ thống tài chính và các ngân hàng Mỹ sẽ trở nên áp đảo so với họ, nếu những lời hứa của vị tỉ phú bất động sản khi tranh cử trở thành sự thực.

Có lẽ hiếm khi nàocuộc bầu cử tổng thống Mỹ lại trở thành vấn đề được quan tâm đặc biệt bởi các chuyên gia kinh tế cũng như giới tài chính - ngân hàng trên khắp thế giới như cuộc bầu cử hiện tại (sẽ diễn ra vào ngày 8.11 tới). Sau 2 lá thư ngỏ của khoảng gần 400 nhà kinh tế (trong đó có gần 30 người đã từng đoạt giải Nobel) yêu cầu cử tri Mỹ không bỏ phiếu cho ông Donald Trump được công bố trong tuần qua, thì lại có thêm một đối tượng mới gia nhập danh sách những đối tượng không muốn ứng cử viên của đảng Cộng Hòa thắng cử: các ngân hàng châu Âu. Trong khi các nhà kinh tế Mỹ dự báo rằng nền kinh tế số một thế giới sẽ bị xáo trộn nghiêm trọng nếu ông Trump trở thành tổng thống, thì giới ngân hàng châu Âu lại lo ngại rằng hệ thống tài chính và các ngân hàng Mỹ sẽ trở nên áp đảo so với họ, nếu những lời hứa của vị tỉphú bất động sản khi tranh cử trở thành sự thực.

Đang có một sự bất đồng về quan điểm giữa các nhà kinh tế Mỹ với các ngân hàng châu Âu về các tác động có thể xảy ra nếu Donald Trump trở thành vị tổng thống kế tiếp của nước Mỹ. Việc gần 400 nhà kinh tế hàng đầu nước Mỹ đồng loạt ký tên vào 2 lá thư ngỏ yêu cầu cử tri không bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng Cộng Hòa, cho thấy một thực tế: nền kinh tế Mỹ có thể phải đối mặt với những xáo trộn lớn nếu ông Trump trở thành tổng thống, do hầu hết các chính sách kinh tế của vị tỉphú này đều có xu hướng đi ngược lại với những gì mà chính quyền tổng thống Obama theo đuổi trong 8 năm qua.

Tuy nhiên, các ngân hàng châu Âu vốn đang ở vị trí những đối thủ cạnh tranh với các ngân hàng và hệ thống tài chính Mỹ, lại không lạc quan được như vậy. Một nguy cơ về sự trỗi dậy và lớn mạnh của các ngân hàng Mỹ đang ngày càng gần hơn, khi một trong những lời cam kết của ông Trump khi trở thành tổng thống sẽ là hủy bỏ gần hết các nội dung của đạo luật Dodd-Frank vốn bị phố Wall coi là chiếc thòng lọng mà Tổng thống Obama đã tròng vào cổ hệ thống tài chính Mỹ. Đạo luật Dodd-Frank, hay Đạo luật Cải tổ phố Wall và Bảo vệ người tiêu dùng Dodd-Frank, được Tổng thống Barack Obama ký thông qua vào cuối tháng 7.2010 như một biện pháp ổn định hệ thống tài chính Mỹ sau cuộc khủng hoảng 2007-2008. Trong đó, phố Wall sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn, đồng thời trao nhiều quyền lực hơn cho chính phủ Mỹ đối với hoạt động của các công ty tài chính tư nhân, hạn chế một số phạm vi của nguyên tắc kinh doanh tự do.

Sự ra đời của đạo luật Dodd-Frank được xem như giải pháp để tránh một sự cố tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính 2007 lặp lại lần nữa - mà hầu hết giới chuyên môn và người dân Mỹ cho rằng nguyên nhân chính là do sự tham lam của phố Wall được hỗ trợ bởi cơ chế thị trường tự do thiếu sự giám sát của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, theo đánh giá thì đạo luật Dodd-Frank sẽ khiến cho thị trường tài chính Mỹ phát triển chậm hơn, do việc xét duyệt cho vay trở nên khắt khe và kỹ lưỡng hơn, các tổ chức tài chính phải dành nhiều nguồn lực hơn để tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn.

Vì thế, bất chấp những rủi ro về dài hạn, thì việc đạo luật Dodd-Frank có thể bị hủy bỏ nếu Donald Trump trở thành tổng thống chắc chắn sẽ khiến thị trường tài chính Mỹ phát triển vượt bậc, đặc biệt là các ngân hàng. Và đây có thể sẽ là cơn ác mộng đối với các ngân hàng châu Âu – đối thủ chính và cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng Mỹ trong việc kiểm soát dòng chảy tài chính giữa hai bờ Đại Tây Dương. Các ngân hàng Mỹ đã tỏ ra có khả năng thích nghi nhanh hơn trong giai đoạn hậu khủng hoảng, khi theo bảng đánh giá của Liên minh châu Âu thì 5 vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng ngân hàng đầu tư tốt nhất đều thuộc về các ngân hàng Mỹ. Khoảng cách sẽ ngày càng gia tăng khi xu hướng điều chỉnh luật tài chính - ngân hàng ở Mỹ đang ngày càng nới lỏng và tạo điều kiện thuận lợi hơn, thì ở châu Âu lại đang có dấu hiệu ngày càng siết chặt hơn do các rắc rối mà các ngân hàng EU gặp phải trong thời gian qua như nợ xấu hay suy giảm lợi nhuận.

Vấn đề trở nên đặc biệt nghiêm trọng hơn khi thị trường tài chính EU đang đứng trước thời điểm chia tách do tác động từ vụ Brexit. Việc nước Anh rời khỏi EU đang tạo ra một cuộc chia tách thị trường tài chính lớn nhất trong lịch sử châu Âu với tổng giá trị luân chuyển lên tới 570 tỉ USD/ngày, trong đó khá nhiều các thành phố lớn ở lục địa đang tìm cách thay thế vai trò của London để trở thành trung tâm tài chính của Liên minh, điển hình là Paris, Frankfurt, Dublin và Vienna. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại khi các ngân hàng lớn nhất EU đang suy yếu (điển hình là Deutsche Bank) thì các ngân hàng Mỹ lại đang nổi lên như một ứng cử viên tiềm năng nhất. Trung tâm tài chính mới của EU sắp tới hoàn toàn có thể là New York, và Manhattan có thể trở thành trái tim cho các giao dịch tài chính giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Nhàn Đàm