Bài 1: Bất ngờ lâm cảnh tù tội vì oan án từ trên trời rơi xuống

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 12:34, 10/11/2016

Suốt 26 năm, ông Ngừng kiên trì mang đơn đi tìm công lý, cuối cùng cũng được xin lỗi và bồi thường oan sai. Nhưng, số tiền chấp nhận bồi thường oan sai của các cơ quan hữu trách ở Bến Tre chẳng thấm vào đâu so với con số hơn 150 tỉ đồng mà ông Ngừng yêu cầu được giải quyết.

Ngày 4.11, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre đã tổ chức xin lỗi oan sai đối với ông Châu Ngọc Ngừng (SN 1957), cựu Bí thư Đảng ủy phường 6, thị xã Bến Tre (nay là TP.Bến Tre). Từ vị thế "đại gia", cán bộ lãnh đạo phường, phút chốc ông Ngừng lâm vào cảnh tù tội, trắng tay bởinhững tội danh từ... trên trời rơi xuống.

Kết thúc buổi xin lỗi oan sai được Viện KSND tỉnh Bến Tre tổ chức tại trụ sở UBND phường 6, TP.Bến Tre, ông Châu Ngọc Ngừng (Sáu Ngừng) lập cập chống chiếc tó dò dẫm từng bước đi xuống thang lầu, ra sân leo lên chiếc xe gắn máy 3 bánh tự chế dành cho người tàn tật, nổ máy chạy thẳng về nhà ở ấp Phú Thành, xã Phú Hưng (TP.Bến Tre)…

Bị còng tay, bắt giữ giữa hội nghị

Ngồi trong căn nhà nhỏ cạnh con đường dẫn vào khu bãi rác ở ấp Phú Thành, ông Sáu Ngừng bồi hồi nhớ lại thời điểm cuộc đời ông từ cương vị cán bộ lãnh đạo phường bước sang một trang đen tối: “Hôm ấy là buổi sáng 10.12.1990, tui đang chủ trì cuộc triển khai nghị quyết đại hội cho cán bộ, đảng viên trong phường thì bất ngờ lực lượng của cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bến Tre xuất hiện.

Nhà ông Ngừng ở ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng

Tui và mọi người còn đang ngơ ngác chưa biết có chuyện gì thì mộtviên cảnh sát đọc lệnh bắt khẩn cấp Châu Ngọc Ngừng vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN và nhận hối lộ”. Lệnh bắt vừa dứt thì cảnh sát xông vào còng tay tui ngay tại chỗ, đưa về phòng làm việc khám xét, sau đó dẫn ra xe chở về nhà tui ở phường 6 khám xét tiếp”, ông Ngừng nhớ lại.

Vụ bắt giữ ông Bí thư phường Sáu Ngừng ngay tại nơi làm việc đã làm rúng động dư luận thời đó. Rúng động bởi vào thời điểm đó ông Sáu Ngừng như một cán bộ “ngôi sao” của thị xã Bến Tre, gia đình truyền thống mấy đời làm cách mạng. Bản thân ông Sáu Ngừng vừa là cán bộ lãnh đạo phường, vừa là một tay làm kinh tế nổi tiếng ở thị xã, có những mối quen biết rất rộng với nhiều cán bộ cấp thị xã Bến Tre và cấp tỉnh.

Những người lớn tuổi ở phường 6 còn nhớ rõ, hết giờ làm việc ở trụ sở phường thì ông Sáu Ngừng về nhà cùng vợ trồng rau muống, nuôi heo, nấu rượu, làm ăn giỏi không ai bì kịp. Ngoài việc làm kinh tế gia đình kiếm tiền, ông Sáu Ngừng còn có mối quan hệ quen biết, ngoại giao ngoài xã hội rất rộng rãi, từ đó có rất nhiều mối mang làm ăn kinh tế.

Ông Hai Tr., cán bộ hưu trí, nhớ lại: “Trước khi ông Sáu Ngừng được phân công giữ chức Bí thư kiêm Chủ tịch phường thì ổng làm Trưởng công an phường. Vợ chồng ổng làm kinh tế giỏi lắm, trong lúc nhiều người còn khó khăn thì ông Sáu Ngừng có tiền gửi tiết kiệm, cho vay lấy lãi, hùn hạp nuôi nghêu, buôn gỗ… Cuộc sống của gia đình ổng lúc đó rất khá, chuyện làm ăn ai cũng biết, bởi vậy lúc ổng bị công an đọc lệnh còng tay bắt giữ vì tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN và ăn hối lộ” thì tụi tui chẳng hiểu gì hết”.

Nhắc lại sự việc vì sao bị tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN và nhận hối lộ”, ông Sáu Ngừng cười buồn, nói: “Chuyện lãng xẹt, nhưng một khi người ta muốn khép tội mình thì thiếu gì lý dolý trấu”. Ông kể, lúc ông làm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường 6 thì dân trong phường còn rất nghèo, nên ông hay chạy đầu này đầu kia tìm mối sản xuất, tiêu thụ hàng tiểu thủ công nghiệp từ nguyên liệu dừa, đan lát bàng buông về cho dân trong phường làm ăn.

Trong một lần đi Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Sáu Ngừng quen biết và thiết lập mối quan hệ làm ăn với các cán bộ xuất nhập khẩu của tỉnh này. “Khoảng năm 1985 tui quen với ông Hồ Văn Hoàng, cán bộ của HTX mua bán H.Ba Tri, sau đó có giúp ông này về TX.Bến Tre mở công ty dịch vụ kinh doanh xuất nhập khẩu, trực thuộc Thị ủy Bến Tre.

Sau đó mấy anh ở xuất nhập khẩu Bà Rịa-Vũng Tàu cho tui biết có nguồn phân bón u rê khá lớn nhập từ nước ngoài về bán trả chậm, kêu tui tìm nơi tiêu thụ ăn hoa hồng. Chính vụ phân bón này là nguyên nhân dẫn đến chuyện tù tội của tui”, ông Sáu Ngừng nhớ lại.

Án oan từ trên trời rơi xuống

Vào thời điểm đó tỉnh Bến Tre là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, thiếu thốn mọi bề, nên chuyện ông Sáu Ngừng có nguồn phân bón giá rẻ được nhiều ngành, nhiều cấp rất quan tâm. Sau khi xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền, ông Sáu Ngừng đứng ra làm trung gian để Công ty Xuất nhập khẩu H.Ba Tri và Công ty Dịch vụ kinh doanh xuất nhập khẩucủa ông Hoàng nhận nguồn phân bón ngoài Bà Rịa-Vũng Tàu về Bến Tre kinh doanh.

Ông Sáu Ngừng kể lại câu chuyện oan sai suốt 26 năm của mình

“Hồi đó cứ mỗi lô phân u rê đưa từ Vũng Tàu về đến Bến Tre thì tui được mấy công ty nhận phân bón của Bến Tre trả tiền hoa hồng 30 đồng/kg. Tổng cộng tui đã được ông Hoàng và Công ty XNK Ba Tri trả hoa hồng hơn 66 triệu đồng”, ông Ngừng nhớ lại.

Việc làm ăn đang suôn sẻ thì năm 1989 ông Hoàng bị Công an tỉnh Bến Tre bắt giữ với lý do không thanh toán tiền nợ mua phân bón cho Công ty XNK Ba Tri và đầu mối ngoài Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngay sau đó ông Sáu Ngừng cũng liên tiếp bị cơ quan CSĐT mời làm việc, cho rằng trong việc ông Hoàng thiếu nợ thì ông Ngừng có trách nhiệm liên đới, do có nhận hơn 66 triệu đồng tiền hoa hồng mua bán phân bón.

“Lúc đó tui cực lực phản đối, tui nói chỉ làm môi giới ăn hoa hồng, không tham gia kinh doanh mua bán, nên không có tội tình gì hết. Tuy nhiên các cán bộ công an một mực cho rằng tui có nhận tiền hoa hồng từ ông Hoàng là có tội nhận hối lộ, số tiền đó là tài sản XHCN nên tui bị thêm tội chiếm đoạt tài sản XHCN. Họ nói, nếu tui đồng ý nhận tội và trả lại hơn 66 triệu đồng tiền hoa hồng thì họ sẽ bỏ qua, nhưng tui không chịu”, ông Ngừng kể.

Sau nhiều lần làm việc nhưng ông Ngừng không nhận tội, không chịu trả lại số tiền hơn 66 triệu đồng, Công an tỉnh Bến Tre đã quyết định bắt giữ ông. Ông Ngừng nhớ rất rõ, khi khám xét nơi làm việc và nhà ở của ông, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bến Tre không tìm được tang vật gì liên quan đến chuyện mua bán phân bón và nhận hoa hồng.

Túng thế, những người khám xét đã đã tịch thu toàn bộ các giấy tờ liên quan đến chuyện làm ăn, kinh doanh của ông gồm 1 sổ tiết kiệm 2 triệu đồng, 1 hợp đồng nuôi nghêu trị giá 10 triệu đồng, 4 bộ hợp đồng mua bán gỗ tròn với khối lượng hơn 12.300m3, nhiều giấy tờ biên nhận ông Ngừng cho người khác vay tiền, vàng…

“Họ làm biên bản tịch thu giấy tờ làm ăn nhưng chỉ đánh số từ 1 đến 59, không thèm ghi rõ nội dung từng loại giấy tờ dù tui yêu cầu phải ghi rõ. Trong 4 bộ hợp đồng mua bán gỗ tui đã ứng trước hơn 450 triệu đồng cho chủ gỗ ở ĐắkLắkvà thời gian giao lô gỗ đầu tiên là ngày 8.1.1991 với số lượng 877m3 tại Nhà Bè (TP.HCM).

Sau khi tui bị bắt giam, toàn bộ những giấy tờ hợp đồng làm ăn, biên nhận cho vay tiền, vàng của tui đều trở thành vô hiệu, vì có ai ngu đến mức đem trả tiền, vàng cho mộtthằng đang ở trong tù? Riêng cuốn sổ tiết kiệm của tui thì không biết ai giữ và sử dụng”, ông Ngừng kể.

Hùng Ngọc

Hùng Anh