Cuộc sống nghèo khó, bệnh tật của nghệ sĩ cải lương Hoa Mỹ Hạnh

Văn hóa - Ngày đăng : 21:33, 08/11/2016

Nghệ sĩ cải lương Hoa Mỹ Hạnh lên cơn đau tim, ngất xỉu nên được chị dâu đưa vào bệnh viện. Vì không có tiền đóng viện phí, bà phải vay nóng 1.000.000 đồng.

Chiều 26.10, diễn viên cải lương một thời Hoa Mỹ Hạnh vừa ra khỏi phòng trọ để đi làm móng dạo thì lên cơn đau tim. Bà ngất xỉu ngay đầu hẻm, hàng xóm nhìn thấy liền đưa bà vào bệnh viện An Bình, TP.HCM. Nhưng nằm viện được vài ngày, bà phải về nhà vì không đủ tiền viện phí.

Chúng tôi tìm đến phòng trọ của nữ diễn viên 61 tuổi trên con đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP.HCM, người chị dâu ra đầu hẻm đón vào vì Hoa Mỹ Hạnh không thể đi lại được. Trong căn phòng chưa đầy 4 m2, bà kể lại tình cảnh xót xa của nghệ sĩ tuổi xế chiều.

Bà Hoa Mỹ Hạnh thuê phòng trọ một triệu đồng mỗi tháng nhưng chủ nhà thương tình nên không tăng giá. Ảnh:Nguyễn Bá Ngọc.

Vay nóng 1 triệu đồng để đóng tiền viện phí

Nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh bị bệnh tim từ nhiều năm nay. Năm 2015, sau cơn sốt kéo dài, bà tưởng mình đã ra đi nhưng may mắn được cứu chữa kịp thời. Hiện, ngoài bệnh tim, bà còn mắc bệnh giãn động mạch vành, cao huyết áp, rối loạn tiền đình, thấp khớp và bao tử

Chiều 26/10, bà xách đồ nghề ra đường làm móng dạo như mọi lần nhưng bất ngờ lên cơn đau tim nên ngã xuống đường, ngất xỉu ngay đầu hẻm. Bà con lo sợ nên đưa “cô đào cải lương” vào bệnh viện An Bình, quận 5 cấp cứu. Bệnh viện yêu cầu đóng viện phí nhưng trong túi bà không có một đồng. Chị dâu bà bèn tức tốc vay nóng 1.000.000 đồng của xã hội đen rồi vào nộp tiền viện phí.

Những hình ảnh ngày xưa bà hát cùng NSƯT Minh Vương, Lệ Thủy vẫn còn lưu giữ. Ảnh:Nguyễn Bá Ngọc.


May mắn, khi bà xuất viện về nhà, hàng xóm đến thăm và quyên góp cho bà được 2 triệu đồng. Bà trả tiền vay nặng lãi, một ít còn lại mua thuốc uống và dành mua đồ ăn dự trữ.Sau khi chẩn đoán, bác sĩ chuyển bà sang khoa hô hấp nhưng chỉ được 4 ngày đã cho Hoa Mỹ Hạnh xuất viện vì sợ bà bị lây bệnh từ bệnh nhân khác. Về nhà, bà uống thuốc cầm chừng, sau vài ngày đã khá hơn một chút. Bà bảo chỉ mong trời còn thương cho có sức khỏe đi làm để kiếm tiền trả lãi. Mỗi ngày, bà phải trả 20.000 đồng tiền lãi, mỗi tháng mất 600.000 đồng.

Đệ tử của NSƯT Út Bạch Lan, Thanh Nga

Hoa Mỹ Hạnh không có quê hương. Bà bảo ba vốn là nghệ sĩ, má bà vì mê ông nên bỏ nhà theo chồng lang bạt khắp nơi. Bà giờ chỉ biết má người Gò Công, ba ở Cần Thơ. Năm 7 tuổi, bà đã được lên sân khấu cải lương đóng vai đào con, năm 15 tuổi được giao đóng đào chánh.

Năm 17 tuổi, đoàn cải lương của Út Bạch Lan và Thành Được mời Hoa Mỹ Hạnh về hát. Vừa đóng đào chánh, bà vừa được “má Út” dạy thêm. Ba năm sau, bà qua đoàn Tân thủ đô Tấn Tài (cha của Tấn Beo – PV) rồi tiếp tục được người ta mời gia nhập đoàn Hoa Đăng, Minh Cảnh, Minh Tơ, Minh Phụng… Bà từng diễn chung với NSƯT Minh Vương, NSND Lệ Thủy trong các vĐêm lạnh chùa hoang, Người hùng sơn cước, Mùa thu Bạch Mã Sơn…

Trong thập niên 1970, 1980, Hoa Mỹ Hạnh được NSƯT Thanh Nga nhận làm học trò, chỉ dạy thêm cho bà về diễn xuất. Bà còn là đệ tử ruột của ông bầu kiêm nghệ sĩ Hoa Phượng và được ông đặt biệt danh Hoa Mỹ Hạnh.

Thời kỳ đỉnh cao của bà là khi kết hôn với nghệ sĩ cải lương Minh Hải và sinh ra một cậu con trai kháu khỉnh. Hai vợ chồng lập gánh hát, biểu diễn khắp nơi, một đêm thu về hơn một cây vàng. Bà vẫn còn nhớ như in cả nghìn người tập trung ở sân banh để chờ nghệ sĩ hát. “Sân khấu không có nóc, chỉ vài tấm tôn che tạm nhưng khán giả ùn ùn kéo đến”, bà nhắm mắt cười nói.

Nhắc đến chồng cũ, bà khóc nghẹn ngào. Ảnh:Nguyễn Bá Ngọc.


Nhắc đến chồng, bà đưa tay quẹt nước mắt và nói trong tiếng nấc: “Đừng nói đến con người bội bạc ấy nữa, tôi hận lắm. Ngày đó cũng vì không có tiền, con tôi mới vắn số, giờ mà còn sống nó cũng đã 40 tuổi rồi”.Vậy mà, năm bà 30 tuổi, ông xã sinh tật gái gú. Bao nhiêu tiền đem hết cho vợ bé, tức khí bà đánh nhau với ông, đoàn hát tan rã. Hoa Mỹ Hạnh bán nhà lấy tiền trả cho mười mấy nhân công rồi mang con trai ra đi. Sự nghiệp tiêu tan, con trai bị sốt xuất huyết cấp tính viêm màng não, qua đời năm 15 tuổi khiến bà rơi vào hố sâu tuyệt vọng.

Nén đau thương, bà tiếp tục mưu sinh bằng cách qua đoàn tập thể Long Giang. Nhưng thời điểm đó, phim Hong Kong, Hàn Quốc nổi lên dập tắt cải lương khiến bà rơi vào cảnh thất nghiệp. Bà quay về mở tiệm uốn tóc ở Bắc Mỹ Thuận nhưng từ khi có cây cầu Mỹ Thuận, người ta bỏ xứ đi hết.

Bà lên lại Sài Gòn, mưu sinh bằng nghề làm móng dạo. Nhưng chỉ được một thời gian, người ta không còn chuộng cách làm xưa cũ của bà nữa.

“Nhiều khi đi ngoài đường, mình đeo khẩu trang kín mít, họ tưởng còn trẻ nên ngoắc lại. Tôi tháo khẩu trang, họ thấy già quá nên bảo thôi con không làm nữa”, bà chua chát nói.

Theo Kim Chi/Zing

bai cao