Hà Nội tạm dừng kinh doanh karaoke có đúng pháp luật?
Sự kiện - Ngày đăng : 11:10, 09/11/2016
Ngày 7.11, tại phiên họpUBND TP.Hà Nội tháng 11.2016, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết đang cân nhắc việc ra chỉ thị tạm dừng hoạt động kinh doanh karaoke đến cuối năm 2016.
Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, trong thời gian tạm dừng hoạt động các quán karaoke, thành phố sẽ cho rà soát các tiêu chí hoạt động karaoke như về diện tích phòng, ánh sáng, đường thoát hiểm, quản lý nội dung bài hát và đặc biệt là tất cả các biển quảng cáo cỡ lớn phải dỡ bỏ. Tuy nhiên, xung quanh chỉ đạo này của ông Nguyễn Đức Chung, nhiều chuyên gia cho rằng việc dừng tất cả các hoạt động kinh doanh karaoke là không phù hợp với các quy định của luật pháp.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, luật sư Kiều Anh Vũ, Văn phòng luật sư Lê Nguyễn cho rằng việc yêu cầu các cơ sơ kinh doanh karaoke dừng hoạt động là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đang cân nhắc sẽ ra chỉ thị về việc tạm dừng tất cả các hoạt động kinh doanh karaoke đến cuối năm. Theo ông, việc cấm tất cả các cơ sở kinh doanh karaoke hoạt động có phù hợp với quy định của pháp luật hay không?
Kinh doanh dịch vụ karaoke được xem là ngành, nghề kinh doanh khá nhạy cảm và hiện nay vẫn là một trong những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Luật Đầu tư năm 2014 và các quy định khác có liên quan.
Đối với thông tin mà báo chí phản ánh về việc Chủ tịch UBND TP.Hà Nội “đang cân nhắc sẽ ra chỉ thị về việc tạm dừng tất cả các hoạt động kinh doanh karaoke đến cuối năm” thì cần phải làm rõ “tạm dừng hoạt động” ở đây là tạm dừng cấp phép mới đối với dịch vụ karaoke hay “tạm dừng hoạt động” của các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ karaoke hiện hành hay cả hai?
Tôi cho rằng nếu tạm dừng cấp phép mới Giấy phép kinh doanh karaoke thì có thể sẽ thực hiện được và có cơ sở vì luật cho địa phương được ban hành quy hoạch về ngành, nghề này. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý là phải có Quy hoạch về ngành, nghề này chứ không phải chỉ đạo bằng Chỉ thị hay công văn.
Thực tế thì một số nơi, nếu địa phương chưa có quy hoạch cụ thể hoặc quy hoạch cũ hết hiệu lực nhưng chưa kịp ban hành quy hoạch mới thì giải pháp tạm thời của cơ quan chức năng thường là tạm dừng cấp phép mới và chờ quy hoạch!
Trường hợp “tạm dừng hoạt động” đã nói là ở trên là tạm dừng hoạt động của các cơ sở kinh doanh karaoke đang hoạt động trên địa bàn thì tôi cho rằng như vậy là không phù hợp.
Hiến pháp cũng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đều ghi nhận quyền tự do kinh doanh hợp pháp; doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong ngành, nghề mà pháp luật không cấm; Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp (khoản 2 Điều 5 Luật Doanh nghiệp). Do đó, nếu các doanh nghiệp đã được coi là đủ điều kiện kinh doanh theo quy định, đã được cấp giấy phép, đang hoạt động bình thường thì Nhà nước không thể “vô cớ” tạm dừng hoạt động của họ được.
Nếu Nhà nước muốn tăng cường kiểm tra, giám sát thì có thể tăng cường thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định; nếu phát hiện sai phạm thì xử lý bằng các chế tài tương ứng với mức độ sai phạm, thậm chí có thể rút giấy phép theo quy định đối với cơ sở sai phạm. Nhưng không thể đánh đồng, tạm dừng tất cả các hoạt động kinh doanh karaoke của các cơ sở, doanh nghiệp đang kinh doanh hợp pháp và đúng quy định.
Tôi cho rằng, vẫn cần phải có vai trò kiểm tra, giám sát của Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh nhưng vẫn phải luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh hợp pháp và cần hạn chế cách quản lý theo kiểm “không quản được thì cấm”!
Sau vụ hỏa hoạn lớn tại đường Trần Thái Tông (Hà Nội), cơ quan chức năng mới phát hiện ra hàng loạt quán không đủ điều kiện kinh doanh về phòng cháy chữa cháy, về hồ sơ pháp lý… Ôngnhìn nhận vấn đề trách nhiệm quản lý và giám sát của cơ quan chức năng trong vấn đề này thế nào?
Tình trạng sai phạm ở nhiều cơ sở kinh doanh karaoke như báo chí phản ánh có thể do nhiều nguyên nhân. Trước hết, việc cố ý hay vô ý sai phạm thì đó là lỗi của cơ sở kinh doanh và họ phải chịu trách nhiệm đối với những sai phạm của họ. Tuy nhiên, việc xảy ra nhiều sai phạm cũng có thể có nguyên nhân là việc kiểm tra, giám sát, xử lý của các cơ quan chức năng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế vì nhiều lý do khác nhau.
Việc thiếu kiểm tra, giám sát hoặc xử lý không đến nơi đến chốn (nếu có) làm cho các sai phạm vẫn tồn tại và khi hậu quả đáng tiếc xảy ra thì đã không thể khắc phục được.
Theo ông,làm thế nào để vẫn rà soát được hoạt động của các quán karaoke mà vẫn không ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh cũng như giải trí của người dân?
Việc kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke cũng như hoạt động của doanh nghiệp nói chung đều phải trên cơ sở quy định của pháp luật, tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Kiểm tra, giám sát nhưng tôn trọng quyền tự do kinh doanh là kiểm tra, giám sát phải đúng, không được tùy tiện, lạm quyền, nhũng nhiễu; doanh nghiệp kinh doanh sai phạm thì phải bị xử lý nghiêm minh.
Câu chuyện quản lý Nhà nước trong mối tương quan với quyền tự do kinh doanh là một vấn đề không đơn giản và đã luôn được xem xét từ trước đến nay. Tự do kinh doanh nhưng phải trong khuôn khổ của pháp luật.
Hiện nay, việc tự do kinh doanh, quyền kinh doanh đều được quy định theo các văn bản quy phạm pháp luật. Quyền kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng cũng đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, từ thanh tra định kỳ, đột xuất đến thanh tra chuyên ngành, liên ngành…
Vấn đề mấu chốt là phải tuân thủ, chấp hành đúng quy định của pháp luật để thực hiện tốt quyền của mỗi bên, doanh nghiệp thực hiện quyền kinh doanh hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật nhưng phải chịu sự kiểm tra của các cơ quan chức năng theo đúng quy định, nếu có vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngược lại, cơ quan nhà nước phải tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, chỉ được kiểm tra, thanh tra, xử lý theo đúng quy định và không được nhũng nhiễu, làm khó đối với doanh nghiệp.
Việc kiểm tra, thanh tra phải thực sự là vì mục đích kiểm tra, thanh tra, phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm để răn đe, để đảm bảo pháp luật được thực hiện một cách nghiêm minh. Việc kiểm tra, thanh tra phải đúng quy định, trình tự; cán bộ phải gương mẫu thì doanh nghiệp mới phục, mới chấp hành, mới cho rằng mình không bị làm khó.
Nên tạm dừng những cơ sở không đủ tiêu chuẩn
Nói vớiMột Thế Giới,luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, việc kinh doanh là quyền của các nhân, tổ chức là quyền hiến định được quy định trong các quy định pháp luật chuyên ngành và hiến pháp.
"Do vậy, nếu việc đề xuất dừng hoạt động kinh doanh karaoke tại Hà Nội mà không đưa ra điều kiện, tiêu chuẩn nào thì theo tôi là không bảo đảm theo quy định và không công bằng, cạnh tranh lành mạnh cho các tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ điều kiện pháp luật.
Chỉ nên tạm ngưng hoạt động kinh doanh các tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện kinh doanh, chưa đạt điều kiện kinh doanh về phòng ốc, thoát hiểm, chữa cháy... chứ ra tạm ngưng đại trà thì theo tôi cần xem xét có thể sẽ vi phạm hiến định. Những tổ chức, cá nhân thỏa mãn các điều kiện theo quy định pháp luật thì vẫn cho họ hoạt động kinh doanh bình thường.
Không thể các địa phương khác tại Việt Nam hoạt động kinh doanh lĩnh vực này bình thường mà Hà Nội lại tạm dừng thì không ổn chút nào. Pháp luật được ban hành để điều chỉnh cho cả nước chứ không riêng một lãnh thổ Hà Nội hay ngoại trừ.Hơn nữa nhu cầu vui chơi, giải trí là quyền của công dân nên việc ngưng hoạt động kinh doanh này sẽ làm hạn chế đến quyền vui chơi, giải trí mà được Hiến pháp quy định.
Ngoài ra, việc ngưng hoạt động kinh doanh như vậy sẽ ảnh hưởng đến đời sống xã hội nói chung từ thu nhập của các tổ chức này, đã đầu tư, trang trí, thuê mặt bằng, cơ sở vật chất, tài sản biết bao nhiêu công sức tiền bạc họ đã đầu tư vào cơ sở, công việc của người lao động... sẽ gây tác động không nhỏ đến đời sống của xã hội và người dân nói riêng.
Cá nhân, doanh nghiệp đủ điều kiện theo pháp luật thì phải cho họ hoạt động, việc tạm ngưng toàn bộ là không có căn cứ. Không thể vì không kiểm soát được thì ngưng, việc không quản lý được đó là lỗi của nhà quản lý không thể đẩy thiệt hại này cho người dân gánh chịu.
Nếu chỉ vì qua vụ cháy chết nhiều người ở Hà Nội mà ngưng hoạt động kinh doanh này thì theo tôi vừa không phù hợp pháp luật vừa không đúng thực tiễn và nhu cầu phát triển của xã hội.
Trong khi nhiều văn bản luật hiện hành đã quy định thoáng hơn trong hoạt động kinh doanh, có nhiều quy định tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức được tự do kinh doanh để khuyến khích và phát triển kinh doanh mà Hà Nội lại đề ra đề xuất này thì lại có thể đi ngược với các quy định pháp luật về kinh doanh hiện hành".
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết: “Hà Nội chưa tạm dừng hoạt động kinh doanh karaoke, chỉ không cấp mới cho các quán karaoke và hiện đang rà soát tất cả các quận, huyện trên toàn thành phố, cơ sở nào vi phạm thì xử lý dừng hoạt động”.