Quốc hội đồng ý nâng trần nợ Chính phủ lên 54% GDP
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 12:17, 09/11/2016
Trần nợ Chính phủ là dưới 54% GDP
Như vậy, Quốc hội đã quyết định nâng nợ Chính phủ từ không quá 50% lên không quá 54% GDP theo đề xuất của Chính phủ cách đây không lâu.
Lý giải về việc đề xuất nâng trần nợ Chính phủ lên 55%, Chính phủ cho biết đã báo cáo Quốc hội nợ Chính phủ năm 2015 đã ở mức 50,3% GDP và dự kiến ở mức trên 53% GDP trong các năm 2016-2019. Nguyên nhân do huy động của Chính phủ phải bảo đảm bù đắp bội chi và cho đầu tư phát triển theo các báo cáo kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Việc Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chỉ tiêu nợ Chính phủ giai đoạn 2016-2020 không quá 55% GDP nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn cho bội chi và cho đầu tư phát triển nhằm đạt các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 và hợp lý giữa các cấu phần nợ công theo hướng giảm nghĩa vụ nợ dự phòng từ bảo lãnh Chính phủ đồng thời kiểm soát mức dư nợ chính quyền địa phương.
Nghị quyết này cũng nêu rõ, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia dưới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% so với tổng thu ngân sách Nhà nước hằng năm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nợ công giai đoạn 2011-2015 tăng nhanh, tốc độ tăng bình quân khoảng 18,4%/năm, gần chạm ngưỡng cho phép (65% GDP), không bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia. Nợ chính phủ đầu năm nay đã vượt giới hạn quy định (50,3% GDP so với quy định là không quá 50%).
Theo Ủyban Thường vụ Quốc hội, dư nợ Chính phủ ở mức 53% GDP cho cả giai đoạn 5 năm là rất khó thực hiện do năm 2016 đã vượt giới hạn này (53,2% GDP). Do vậy, vừa bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, vừa bảo đảm mức hợp lý trong quá trình quản lý, xin tiếp thu ý kiến các vị đại biểu, đề nghị Quốc hội cho phép nợ Chính phủ không quá 54% GDP.
Giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64%
Nghị quyết cũng yêu cầu phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 khoảng 6.864 nghìn tỉ đồng, tăng khoảng 1,65 lần so với giai đoạn 2011-2015; bảo đảm tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước không thấp hơn 23,5% GDP. Trong đó thuế, phí, lệ phí khoảng 21% GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 84-85% tổng thu ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, từng bước cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tích cực. Tổng chi ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 khoảng 8.025 nghìn tỉ đồng, trong đó, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25-26% tổng chi ngân sách nhà nước; giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi ngân sách nhà nước. Ưu tiên đảm bảo chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia.
Quyết định tổng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tối đa khoảng 2.000 nghìn tỉ đồng. Trong đó, chi từ nguồn trái phiếu Chính phủ là 260 nghìn tỉ đồng (bao gồm 60 nghìn tỉ đồng còn lại của giai đoạn 2014-2016), từ nguồn vốn ngoài nước là 300 nghìn tỉ đồng, từ nguồn bán bớt phần vốn Nhà nước tại một sốdoanh nghiệplà 250 nghìn tỉ đồng (bao gồm cả 10 nghìn tỉ đồng dự kiến bù hụt thu ngân sách trung ương năm 2015 nhưng chưa sử dụng).
Phân bổ 1.800 nghìn tỉ đồng, dành 10% dự phòng chưa phân bổ để xử lý rủi ro về thu và các yêu cầu cấp bách về đầu tư trong điều hành. Căn cứ tình hình thực tế, số bố trí chi đầu tư phát triển sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.
Yêu cầu giữ tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương không quá 3,7% GDP và bội chi ngân sách địa phương không quá 0,2% GDP. Phấn đấu giảm mạnh bội chi ngân sách nhà nước để đến năm 2020 không quá 3,5% GDP, nhằm thực hiện cân đối ngân sách nhà nước tích cực, bảo đảm nợ công trong giới hạn cho phép.
Nghị định này cũng yêu cầu đảm bảo tỷ trọng hợp lý giữa thuế trực thu và thuế gián thu; tăng tỷ trọng thu nội địa; giảm tỷ trọng các khoản thu từ dầu thô, tài nguyên, xuất nhập khẩu; khai thác tốt nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thực hiện cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do, hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu thuế, giảm mạnh nợ đọng thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước. Hạn chế tối đa việc đề ra các chính sách làm giảm thu ngân sách nhà nước.
Về chi ngân sách nhà nước, Nghị quyết yêu cầu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, đảm bảo chi cho con người, an sinh xã hội và chi cho quốc phòng, an ninh. Phấn đấu bảo đảm 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo; 2% tổng chi ngân sách cho khoa học công nghệ. Điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công tăng bình quân khoảng 7%/năm.
Trí Lâm