Nhà máy điện của Vedan có nguy cơ đóng cửa
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 05:18, 11/11/2016
Để chuẩn bị nguồn than cho nhà máy, Vedan đã ký hợp đồng mua bán than với Mitsui Group Nhật Bản. Từ năm 2015 đến nay, Vedan đã và đang nhập khẩu than để phục vụ sản xuất của nhà máy với khối lượng khoảng 31.500 tấn than/tháng.
Tuy nhiên, Vedan cho biết hiện tại, lượng than dự trữ trong kho đã sắp hết, nếu công ty không được phép tiếp tục nhập khẩu than thì nhà máy nhiệt điện của công ty sẽ dừng hoạt động.
Điều này sẽ dẫn đến toàn bộ các nhà máy sản xuất, khu văn phòng hành chính, ký túc xá của cán bộ, nhân viên công ty phải ngừng hoạt động, các nguyên liệu sẽ nhanh chóng bị hư hỏng, ảnh hưởng đến công ăn việc làm và đời sống của hơn 3.000 công nhân của công ty.
Trong tháng 10 vừa qua, Tổng giám đốc Vedan Việt Nam cũng viết trong công văn trình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xin nhập khẩu than trực tiếp để phát điện. Vedan lý giải để vận hành nhà máy điện ổn định, công ty phải sử dụng công nghệ đốt than phun với công nghệ cao. Do đó đòi hỏi chất lượng than phải đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của thiết bị, nếu không sẽ gây ảnh hưởng đến máy móc, thiết bị và hiệu suất sử dụng.
Vedan cho rằng, nếu không được nhập khẩu than trực tiếp, công ty sẽ gánh chịu nhiều thiệt hại. Cụ thể là không có điện phục vụ sản xuất bột ngọt, tinh bột, phân bón... và phải dừng hoạt động. Ngoài ra, còn phải chịu tổn thất vì hủy bỏ hợp đồng, phạt hợp đồng đối với đối tác Nhật và bồi thường cho hãng vận chuyển.
Hiện nay, để đảm bảo việc nhập khẩu than cho các nhà máy điện có hiệu quả, duy trì nguồn cung ổn định dài hạn, chất lượng phù hợp với yêu cầu của nhà máy với giá thành cạnh tranh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các dự án điện của các tập đoàn và các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu than trực tiếp phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.
Cơ quan Hải quan sẽ hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục thông quan bảo đảm phù hợp với chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Vedan muốn tiếp tục nhập khẩu than trực tiếp cho sản xuất phải được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ.
Vedan Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, được Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cấp Giấy phép đầu tư từ năm 1991 với thời hạn đầu tư là 50 năm.
Đến nay, Vedan đã đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện sử dụng công nghệ lò hơi đốt than phun có công suất 60MW, sử dụng nguồn than nhập khẩu. Nhà máy đã đi vào vận hành từ năm 2015 để sản xuất điện và hơi nóng phục vụ toàn bộ hoạt động của Vedan.
Theo đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có đủ cơ sở thực hiện nhập khẩu than, chủ động trong quá trình chuẩn bị nguồn than đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, Bộ Công Thương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam được nhập khẩu than cho Nhà máy nhiệt điện của công ty.
Vấn đề nhập khẩu than của các doanh nghiệp, tập đoàn hiện đangđược kiểm soát rất chặt chẽ vì lượng than tồn kho trong nước vẫn ở mức khá lớn. Cụ thể,theo thông báo mới nhất của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), lượng tồn kho than trong nước sản xuất hiện đang ở mức 10 triệu tấn, trong khi đó hết 9 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu than (theo báo cáo của Tổng cục Hải quan) đã sụt giảm hơn 50% về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2015, đứng đầu trong các mặt hàng sụt giảm xuất khẩu. Sản xuất tồn kho, xuất khẩu giảm sút, đang khiến TKV rất khó khăn.
Chiều ngược lại, nhập khẩu than của Việt Nam qua TKV và từ nhiều doanh nghiệp có xu hướng tăng rất mạnh. Hết 9 tháng, cả nước đã nhập hơn 10,5 triệu tấn than, bằng với lượng than tồn kho, đạt giá trị khoảng 654 triệu USD, tăng mạnh nhất trong các mặt hàng nhập khẩu về Việt Nam, khoảng 147% về lượng và 82% về giá trị.
Trước tình hình bất cập này, vấn đề nhập khẩu than của các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước thời gian tới sẽ được quản lý nghiêm ngặt.
Tuyết Nhung