Đề nghị hỗ trợ 30 triệu/lao động bị thiệt mạng hoặc mất tích ở nước ngoài

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 19:45, 12/11/2016

Đây là một trong những nội dung mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra trong dự thảo sửa đổi Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, bởi vì sau 8 năm đi vào hoạt động, quy định này đang gặp một số vấn đề phát sinh.

Không ít bất cập

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau hơn 8 năm hoạt động, quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước đã góp phần tích cực trong việc ổn định thị trường lao động, hỗ trợ giải quyết rủi ro cho người lao động và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình điều hành quỹ, bộ này nhận thấy có một số phát sinh cần bổ sung và điều chỉnh Quyết định số144/2007/QĐ-TTg.

Cụ thể, nguồn hình thành quỹ mới chỉ quy định nguồn thu của quỹ từ ngân sách, doanh nghiệp và người lao động; quỹ chưa thực hiện các hoạt động nhằm bảo tồn và tăng trưởng quỹ; khó khăn trong việc xác định doanh thu tiền dịch vụ của doanh nghiệp để làm căn cứ xác định tiền đóng góp quỹ của doanh nghiệp. Thu đóng góp quỹ của doanh nghiệp thấp so với dự toán.

Cùng với đó, nhiều nội dung chi hỗ trợ tuy có thực hiện nhưng kết quả còn thấp so với kế hoạch đề ra, nhiều nội dung hỗ trợ hầu như chưa được thực hiện như hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động; hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trong hoạt động tìm kiếm, khai thác thị trường mới, củng cố và phát triển thị trường truyền thống.

Nguyên nhân của tình trạng này được xác định do cơ chế hoạt động của quỹ chưa được quy định rõ nên tổ chức bộ máy còn lúng túng, đội ngũ cán bộ, nhân viên chậm được bổ sung, kiện toàn, do vậy ảnh hưởng đến kết quả triển khai các hoạt động của quỹ.

Bên cạnh đó, việc xác định số thu tiền dịch vụ hàng năm để tính mức đóng góp quỹ theo tỷ lệ 1% gặp nhiều khó khăn, khó chính xác. Doanh nghiệp có thể lợi dụng vào những quy định này để khai không trung thực doanh thu tiền dịch vụ từ đó có thể trốn tránh nghĩa vụ thuế và đóng góp quỹ.

Hơn nữa, một số nội dung chi, mức chi chậm được điều chỉnh hoặc không còn phù hợp với những chính sách, chương trình, đề án đang triển khai thực hiện; mức hỗ trợ bị giới hạn trần ở mức thấp, chưa linh hoạt, đa dạng nên quá trình thực hiện gặp khó khăn, cụ thể:

Mức hỗ trợ đối với hoạt động thăm dò, khảo sát và tìm hiểu điều kiện lao động của thị trường mới là 30%, đối với hoạt động quảng bá nguồn lao động ở nước ngoài là 50%. Quy định mức hỗ trợ hiện nay khó thực hiện do nguồn hỗ trợ từ quỹ tối đa chỉ được 30% đến 50%, phần còn lại khó huy động nguồn khác.

Cùng với đó, nội dung chi hỗ trợ của Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg còn hẹp, còn nhiều tình huống, nhiều dạng rủi ro của người lao động trước khi xuất cảnh và trong thời gian làm việc ở nước ngoài chưa được đề cập; một số dạng rủi ro chưa được quy định cụ thể, rõ ràng nên khi xẩy ra các tình huống, các dạng rủi ro người lao động lại không được hỗ trợ.

Hỗ trợ 30 triệu/lao động tử vong, mất tích ở nước ngoài

So với quy định tại Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg, Dự thảo quy định mức hỗ trợ cao hơn để tăng ý nghĩa hỗ trợ của quỹ, bổ sung thêm một số nội dung hỗ trợ mà thực tế phát sinh nhưng chưa được nhận diện và hỗ trợ (như lao động bị mất tích).

Hỗ trợ cho thân nhân của người lao động bị chết hoặc mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài vớimức 30 triệu đồng/trường hợp; người lao động phải về nước trước thời hạn trong trường hợp bị tai nạn lao động 20 triệu đồng/trường hợp; trường hợp người lao động bị tai nạn mất hoàn toàn khả năng lao động ngoài mức hỗ trợ trên thì được hưởng thêm mức hỗ trợ 10 triệu đồng/trường hợp.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề nghị hỗ trợ người lao động phải về nước trước hạn vì chủ sử dụng bị giải thể, phá sản, thu hẹp sản xuất mà không phải lỗi của người lao động.

Dự thảo đề nghị hỗ trợ trong các trường hợp đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, bất ổn chính trị, tranh chấp pháp lý…tại nước, vùng lãnh thổ có lao động Việt Nam làm việc ảnh hưởng đến tính mạng và quyền lợi của người lao động.

Hiện nay, nhà nước chưa có các chính sách riêng để hỗ trợ người lao động sau khi làm việc ở nước ngoài về nước, nhất là những lao động về nước trước thời hạn vì lý do khách quan.

Để tạo điều kiện cho người lao động phải về nước sớm ổn định việc làm, cuộc sống, dự thảo quyết định bổ sung nội dung hỗ trợ đào tạo nghề, tổ chức các phiên giao dịch việc làm để giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi về nước; hỗ trợ chi phí xây dựng, vận hành trang web, cơ sở dữ liệu về người lao động và các doanh nghiệp để cung cấp thông tin kết nối việc làm cho người lao động.

Hoàng Long

Trí Lâm