Trần Tiến: Nhớ thời du ca

Văn hóa - Ngày đăng : 06:00, 13/11/2016

Tôi không thích làm nhạc sĩ của “hoàng cung”, với thời đó là sáng tác theo yêu cầu của chính quyền, viết nhạc để được phát trên đài phát thanh, thứ nhạc của cung đình dễ được nổi tiếng. Tôi đã biết nhạc mình không hợp với chính quyền ngay từ lúc tốt nghiệp Đại học Âm nhạc.

>>Trần Tiến: Khúc blue buồn và ly rượu đắng

>>Trần Tiến: Sài Gòn trong tôi...

>>Trần Tiến: Thời của tôi thế đấy

Thực ra mình biến thành kẻ du ca lúc nào không hay. Ngay chữ du ca, cũng mới đây tra Google xem nó là gì, mà cũng chả biết thực ra nó là gì. Đại loại là đi hát lang thang (không phải vừa đi, vừa hát, mà đến nơi rồi mới hát). Không bán vé, không sân khấu, ánh đèn (thực ra là không nhà hát, chứ vẫn kê bục để nhiều người thấy, có khi có cả trang âm, ánh sáng nếu đông người xem). Nhưng chắc chắn là không phải đi hát kiếm ăn. Nếu có tiền thì cũng để thiện nguyện gì đó.

Còn người vừa đi vừa hát là hành khất, đi đến nơi, dựng trại, biểu diễn trò gì đó kiếm tiền thì là dân Tzigane, Gipsy từ Ấn Độ hoặc Bohemian, dân đói ăn di cư từ Romania. Từa tựa nghệ sĩ Troubadous (người hát thơ cuối thế kỷ 11-13), những người hát thơ modern, sau thế chiến thứ nhất, kiểu Lorca Garcia (nhạc sĩ, thi sĩ Tây Ban Nha). Một thứ kể chuyện thơ có âm điệu, kiểu như kể khan ở Tây Nguyên mình vậy.

Ngày đó ở chiến trường mình chơi đàn guitar và hát cho bất cứ nơi nào có lính, dù chỉ hai ba tên. Trên đỉnh núi, ngoài bến phà, trong công sự, còn leo lên cả ụ pháo nóc cầu Long Biên. Nơi có ba người lính, mình là người thứ tư, không phải để bắn, mà để hát cho thằng bắn. Thế cũng gọi là một thứ du ca thời chiến.

Ngày về hậu phương, hóng hớt nghe thày Hoàng Vân kể, có anh nhạc sĩ tóc dài kiểu hippi, trốn lính, sống trong những ngăn trần nhà, hát du ca về thân phận quê hương chiến tranh là Trịnh Công Sơn. Cũng biết thế thôi, chứ có bao giờ biết ông ta hát gì. Rồi người ta kể về Joan Baez, Victor Hara, Pete Seeger hát với guitar khắp các nơi có chiến sự. Nhưng cho đến khi xem phim về họa sĩ Goya ở Hà Nội thì bắt đầu thấy thích du ca thật sự. Trên phim có nhóm nhà thơ, ca sĩ, họa sĩ đi chân đất hát ngoài quảng trường với công chúng nghèo, đối lập với kiểu trình diễn hoàng cung. Phải đến lúc đó tôi mới mơ mộng, và nổi máu giang hồ xách đàn ra đi.

Trần Tiến du ca ởsa mạc Sahara Angieri

Một ngày kia, sau khi hoàn thành chương trình học viết giao hưởng, tôi bỗng nhiên nói với thầy Nguyễn Đình Tấn: “Chắc em không viết giao hưởng đâu, em đi du ca đây”. Thày không hiểu mình nói gì. Mình cũng không hiểu nữa là thày, cứ thế mà đi.

Đại khái tôi không thích nhạc “Đài tính” (nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam - phương tiện truyền thông duy nhất của nhà nước ta ngày đó). Tôi không thích làm nhạc sĩ của “hoàng cung”, với thời đó là sáng tác theo yêu cầu của chính quyền, viết nhạc để được phát trên đài phát thanh, thứ nhạc của cung đình dễ được nổi tiếng. Tôi đã biết nhạc mình không hợp với chính quyền ngay từ lúc tốt nghiệp Đại học âm nhạc.

Nhân dịp bị đuổi khỏi Đài Phát thanh, Truyền hình Hà Nội (chỉ vì để râu và mặc quần ống loe), mà tôi có cớ bỏ vào Sài Gòn, sống lang bạt kỳ hồ, với cuộc sống khốn nạn như chó rách. Ở đây tôi mới được biết đến phong trào du ca phản chiến trước 75. Thế là tôi bắt đầu thực hiện giấc mơ viết những ca khúc cho sinh viên hát chui, nghêu ngao trong trường, lính trẻ nghêu ngao ngoài mặt trận, các em bia ôm nghêu ngao ngoài quán, những thứ không bao giờ được phát trên Đài.

Và tất nhiên bài nào ra cũng bị cấm, không phát thanh đã đành, cả hội diễn thi thố gì, cứ thấy tên Trần Tiến là gạch: Từ “Điệp khúc tình yêu”, “Những đôi mắt mang hình viên đạn”, “Tạm biệt chim én” đến “Mùa xuân gọi” Lệ Quyên đoạt giải thưởng lớn ở cuộc thi nhạc nhẹ quốc tế, cũng không được phát trong nước.

Mãi đến năm 1990 tôi mới thực sự lập nhóm “Du ca Đồng nội” để đi hát kiếm tiền xây dựng một “Trường nhạc cho trẻ mồ côi, trẻ thiếu may mắn”. Xin mãi không được giấy phép thành lập, rồi cuối cùng lấy nhà mình làm lớp học “Mặt trời nhỏ” đào tạo 25 em được 7 năm, các nghệ sĩ tí hon đến khi trưởng thành đi kiếm tiền được, cũng là lúc tôi hết tiền, đành đóng cửa. Thời kỳ này, thì đúng là nhạc sĩ du ca.

Sau này không đi du ca nhưng vẫn tiếp tục phong cách du ca trong sáng tác. Những bài hát đủ thể loại: từ jazz, rock, hiphop, country, latin, dance vẫn có chất pop của du ca, dễ thuộc, dễ nhớ nhưng không dễ dãi, hát lên không thấy nhạt miệng. Đó chính là phong cách du ca hiện đại kiểu Vysotxky của Nga, Serge Gainsbourg của Pháp, Bob Dylan của Mỹ. Việt Nam có Phạm Duy, Trịnh Công Sơn là những đại diện ưu tú của Du ca Việt Nam. Họ đã ra đi hết. Còn mình tôi chưa chết nên đành “độc du”.

Trần Tiến

Tiểu Vũ