Văn học trẻ TP.HCM: Số lượng nhiều nhưng còn hời hợt...
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 12:19, 13/11/2016
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các nhà nghiên cứu phê bình văn học, nhà văn, nhà thơ, giảng viên chuyên nghành ngôn ngữ văn học, các nhà văn trẻ cùng các bạn sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Với thời lượng kéo dài hơn 4 giờ, chủ đề về văn học trẻ được đem ra “mổ xẻ” ở nhiều góc độ khác nhau đề tìm cách “giải mã” về những hiện tượng văn học trẻ trong những năm gần đây ở TP.HCM.
TP. Hồ Chí Minh là thành phố năng động bậc nhất cả nước. Đây cũng là nơi quy tụ nhiều nhà văn trẻsinh sống, làm việc và sáng tác. Cuộc sống sôi động ở một thành phố lớn trong thời buổi mở cửa tiếp nhận nhiều luồng văn hóa khác nhau trên thế giới đã tác động không nhỏ đến tác phẩm của những nhà văn trẻ.
Cũng từ thành phố này, những năm gần đây hình thành lên một trào lưu sáng tác mới trong đội ngũ nhà văn trẻ. Có thể kể đến những tên tuổi nổi bật như Anh Khang, Nguyễn Phong Việt, Hamlet Trương… Tác phẩm của họ được xếp và hàng best seller với sự đón nhận nồng nhiệt của những độc giả trẻ tuổi.
Đặc biệt, nhiều cây bút trẻ đang chọn internet như là sân ga để khởi hành cho các tác phẩm của mình với công chúng. Tuy nhiên trào lưu này không hẳn đã nhận được sự đồng tình hoàn toàn của giới phê bình văn học Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm Văn học trẻ TP.HCM - Một cái nhìn…, nhà văn Phan Hoàng, Phó chủ tịch HNV TP.HCM nhận định chung “Văn học trẻ TP.HCM trong những năm qua đã có những khởi sắc mới. Theo xu thế của thời đại, các nhà văn trẻ đã và đang mang đến cho văn học nước nhà những luồng sinh khí mới với âm hưởng lạ và hiện đại. Văn học trẻ TP.HCM cũng nằm trong dòng chảy mạnh mẽ ấy...
Tuy nhiên tác phẩm của các nhà văn trẻ chỉ đạt về mặt số lượng, còn chất lượng nội dung vẫn chưa đảm bảo về tính nghệ thuật, tính văn học trong sáng tác. Đa số các nhà văn trẻ chạy theo nền văn học thị trường, họ sáng tác chỉ để phục vụ cho một nhóm đối tượng độc giả nhất định. Tính thông điệp của tác phẩm không cao, sứ mệnh của nhà văn trẻ với cuộc sống không được định hình rõ ràng”.
Phản biện lại ý kiến của nhà văn Phan Hoàng là nhà nghiên cứu phê bình văn học Trần Hoài Anh, ông cho rằng định nghĩa về “Văn học trẻ” là thiếu căn cứ khoa học. Theo nhà phê bình Trần Hoài Anh, không có cái gọi là “Văn học trẻ” chỉ có thể gọi là những người viết văn trẻ, bản thân của tác phẩm văn học không phân biệt già trẻ. Có thể những người viết văn ở độ tuổi còn trẻ nhưng ý tưởng sáng cũng như tư tưởng và những dòng viết của họ không trẻ.
Ông đưa ra ví dụ, nhà thơ Chế Lan Viên khi viết cuốn thơ Điêu tàn năm mới 17 tuổi, nhưng những nhìn nhận về thế giới quan, nhân sinh quan của Chế Lan Viên rất già, bởi vậy mới có những câu thơ, những bài thơ rất “già”.
Nhận định về văn học trẻ nhà phê bình Trần Hoài Anh cho rằng không nên áp đặt cách nhìn của người lớn với các tác giả trẻ. Hãy để cho những nhà văn trẻ tự do sáng tác theo cách của họ. Đó cũng chính là một phần của nền văn học hiện đại".
Lý giải về những hiện tượng văn học trẻ vì sao có sức hút với độc giả, cô Nguyễn Thị Phương Thúy, giảng viên Khoa Ngôn ngữ Văn học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn giải thích: “Cuộc sống hiện đại là tốc độ, và tốc độ đã ảnh hưởng sâu sắc đến việc sáng tác và thưởng thức văn học của những người trẻ. Các tác giả trẻ đã nắm bắt được những điều này, vì thế tác phẩm của họ đã đáp ứng nhu cầu của một bộ phận độc giả trẻ.
Mặt khác, cách tiếp cận độc giả của các nhà văn trẻ cũng đã khác hơn nhiều so với thế hệ trước. Họ dựa vào công nghệ thông tin như internet, mạng xã hội. Những công nghệ liên quan đã tạo ra một bộ phận văn học mới mà đến nay đã trở nên quen thuộc với độc giả Việt, đó là văn học mạng.
Những đặc điểm cơ bản của văn học mạng là xuất bản siêu tốc, môi trường sáng tác và tiếp nhận mở, tương tác giữa người viết và người đọc cao. Một số nhà văn trẻ nổi danh nhờ sáng tác trên mạng như Keng, Gào, Hamlet Trương, Nguyễn Phong Việt, Thảo Dương… Điểm chung của các tác phẩm bán chạy là chỉ nói về chủ đề tình yêu và đời sống cá nhân thường nhật trong cuộc sống đô thị, mà chất liệu cảm xúc chủ yếu là từ chính cuộc đời tác giả và những quan sát đời sống của tác giả ở bề nổi.
Tác giả không cố gắng giải quyết những gì mình nêu ra, không phân tích, không cách điệu hóa, không cho nghệ thuật khoảng cách với đời sống mà tả lại nguyên xi đời sống. Những câu chuyện họ kể thường ít chi tiết, nhiều vận động, thế giới dù có bao la thì những mối quan hệ của nhân vật cũng rất nhỏ hẹp và lượng nhân vật rất tối giản, chỉ có “em” và “anh”, “anh ấy” và “cô ấy”… Nhưng nó vẫn gây xúc động ở mức độ nào đó. Có thể gấp sách lại, người đọc sẽ không nhớ gì nhiều, nhưng ít nhất nó cũng làm người đọc rung độngmà ngẫm về mình"
Mặc dù tên gọi của buổi tọa đàm là Văn học trẻ TP.HCM – Một cái nhìn… nhưng những nội dung thảo luận tại đây dường như vẫn chưa đưa ra một cái nhìn cụ thể rõ nét về văn học trẻ TP.HCM trong thời gian qua. Đa số những ý kiến đóng góp của người tham gia đều mang tính “ngẫu hứng” theo nhận định của từng cá nhân cụ thể.
Cuộc tọa đàm vẫn chưa nhận được những thảo luận chuyên sâuđể đánh giá một cách nghiêm túc và chính xác hơn về một bộ phận văn học rất sôi động ở TP.HCM. Bên cạnh đó trong buổi tọa đàm, ngoài ý kiến mang tính “giao lưu giới thiệu” của tác giả trẻ Anh Khang, người tham dự cũng không nghe được ý kiến phản hồi của chính người viết trẻ để hiểu rõ hơn những tâm tư nguyện vọng của họ.
Xem clip nhà văn Anh Khang phát biểu tại tọa đàm
Đánh về cuộc tọa đàm, nhà văn Trần Nhã Thụy, Trưởng ban Nhà văn Trẻ TP.HCM cho biết: “Buổi tọa đàm Văn học trẻ TP.HCM- Một cái nhìn…" kết thúc trong vui vẻ, và gặt hái được một số thành công nho nhỏ. Những vấn đề về văn học trẻ hôm nay, rất được nhiều người quan tâm, đặc biệt là chính những người trẻ. Với chủ đề mở và kết thúc mở, hi vọng những buổi tọa đàm chuyên sâu lần sau sẽ sôi nổi và bổ ích hơn.”
Tiểu Vũ