5 dự án nghìn tỉ thua lỗ: Nhà nước không nên cứu, phải cho phá sản!
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:34, 14/11/2016
Cụ thể, 5 dự án ngàn tỉ thua lỗ của Bộ Công Thương đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận thời gianqua bao gồm: Thứ nhất là dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, với tổng mức đầu tư ban đầu là 3.843 tỉ đồng nay đã đội lên mức 8.104 tỉ đồng, hiện tại do việc thực hiện thi công các hạng mục còn dang dở nên dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động.
Thứ hai là xơ sợi Đình Vũ với tổng mức đầu tư là 325 triệu USD, nhà máy đã đi vào hoạt động nhưng liên tục bị gián đoạn, mức lỗ của dự án trong năm 2014 là 1.085 tỉ đồng, năm 2015 là 1.308 tỉ đồng, chưa kể nợ phải trả gần 7.000 tỉ đồng.
Thứ ba là nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất với tổng mức đầu tư 1.493 tỉ đồng và đội vốn lên mức 1.887 tỉ đồng; Dự án đã đi vào hoạt động chỉ trong 2 đợt (36 ngày) với mức lỗ tổng cộng 408,9 tỉ đồng và hiện không còn vốn lưu động để hoạt động.
Thứ tư là nhà máy đạm Ninh Bình với tổng mức đầu tư ban đầu là 397,7 triệu USD sau đội vốn lên mức 667 triệu USD, tính đến tháng 6.2016 đã lỗ lũy kế khoảng 2.700 tỉ đồng và hiện đã ngừng hoạt động.
Cuối cùng là nhà máy bột giấy Phương Nam với tổng mức đầu tư 1.487 tỉ đồng sau đó đội vốn lên mức 2.286 tỉ đồng và 3.409 tỉ đồng, dự án hiện đã ngừng hoạt động. Tổng số tiền tiêu tan tại 5 dự án này đã lên tới trên 30.000 tỉ đồng.
Về quá trình xử lý 5 dự án này, ngày 3.11 vừa qua Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giải trình trước Quốc hội và thừa nhận những căn bệnh nghiêm trọng liên quan đến công tác quản trị tại các DNNN, trong đó nhấn mạnh qua những dự án này đã bộc lộ khiếm khuyết và lỗ hổng trong quản lý nhà nước, đặc biệt cả về khung pháp lý cũng về mặt thể chế là vai trò, trách nhiệm của các bộ quản lý. Tuy nhiên, bản báo cáo của Bộ trưởng mới chỉ dừng lại ở việc chỉ ra nguyên nhân gây nên tình trạng thua lỗ ở 5 dự án, chưa đề ra phương án xử lý dứt điểm các dự án này.
Xoay quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục bỏ vốn ra để cứu nếu không sẽ bị mất, có ý kiến lại cho là không nên cứu vì càng bỏ tiền thì càng mất thêm, nên cho thanh lý, được đồng nào hay đồng đó.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định chỉ có một cách là ngưng cấp vốn và cho các dự án này phá sản.
"Để cho các dự án này phá sản, chứ dứt khoát là Nhà nước không nên cứu. Bởi lẽ không thể để cho các doanh nghiệp nhà nước cứ yên tâm là sẽ được Nhà nước cứu mãi. Hơn nữa nếu cứu thì số tiền đưa ra cứu sẽ là cái giá mà xã hội phải trả. Các dự án thua lỗ lớn đã gây mất mát rất lớn cho xã hội rồi, những người đóng góp thuế phải chịu oan, họ đã đóng hóp rất nhiều để cho các doanh nghiệp thực thi dự án.
Vì vậy không thể bắt xã hội hay các doanh nghiệp khác phải trả giá tiếp để cứu họ. Nếu mà cứu được thì các dự án này đã không phải thua lỗ và dẫn đến thảm cảnh như hiện nay. Đến mức như hiện nay thì cứ cho phá sản đi, bán lại tài sản của họ, rồi thu lại được càng nhiều càng tốt, đây là việc đầu tiên cần phải làm", bà Lan nói.
Thứ hai theo bà Lan là phải xử lý những người gây ra hậu quả, không thể quy trách nhiệm một cách chung chung, rồi lại phê bình, cảnh cáo, rút kinh nghiệm...Sự sụp đổ của những dự án này không thể chấp nhận cách xử lý thế này. Bởi vìnếu không xử lý nghiêm thì sẽ gây ra một tiền lệ rất xấu là các doanh nghiệp cứ việc thua lỗ cho cái chung trong khi cá nhân vẫn giàu có như thường. Phải quy trách nhiệm rất nghiêm ngặt với những người khiến dự án thua lỗ như thế, những người đưa ra chủ trương, bảo vệ cho các dự án được thi hành thì những người này cũng phải chịu trách nhiệm, không chỉ những người vận hành.
"Theo đó, tôi cho rằng tối thiểu 2 điều này cần phải được xử lý, từ nay trở đi phải chấm dứt ngay các kiểu dự án như thế này. Là một Bộ chịu trách nhiệm quản lý 5 dự án, tôi cho rằng Bộ Công Thương phải đưa ra được biện pháp xử lý, phải truy được nguồn gốc tại sao và trách nhiệm của ai?", bà Lan nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với bà Lan, chuyên gia kinh tếLê Đăng Doanh cũng đồng thuận cho rằng Bộ Công Thương cần chỉ rõ trách nhiệm và đưa ra phương án xử lý, giải quyết cho từng dự án một.
"Mỗi dự án lại có tình trạng khác nhau, có dự án bắt đầu vận hành thì thua lỗ, có dự án thì chưa thể vận hành như Gang thép Thái Nguyên. Theo đó cần phải có biện pháp xử lý một cách dứt điểm, không để lại tiền đề xấu, trong đó việc đề ra phương án xử lý trách nhiệm tổ chức và cá nhân tại 5 dự án nói trên cũng phải được làm rõ", ông Doanh nói.
Trong khi đó, vềviệc đề ra những phương án xử lý trách nhiệm tổ chức và cá nhân tại 5 dự án nói trên theo TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trách nhiệm phê duyệt các dự án không hiệu quả đã được quy định trong pháp luật.
Theo đó, quy định tất cả các quyết định đều phải đưa lên trình duyệt tại cấp trên, ai là người phê duyệt thì sẽ phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trách nhiệm của những người trực tiếp triển khai thì ít được đề cập, do không thể hình sự hóa các vấn đề dân sự, và cần phải tách bạch đâu là trách nhiệm cá nhân trong quản trị doanh nghiệp và đâu là rủi ro do thị trường.
Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định để triển khai luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thực hiện tách bạch vấn đề đại diện chủ sở hữu ra khỏi các cơ quan quản lý Nhà nước. Chỉ đến khi đó thì việc quản lý cũng như truy trách nhiệm mới có thể được triển khai hiệu quả hơn.
Theo dự kiến, phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hộibắt đầu từ ngày mai 15.11, vấn đề về phương án xử lý 5 dự án này sẽ được đề cập đến.
Tuyết Nhung