Bộ trưởng Trần Hồng Hà: ‘Trung ương khó đảm đương việc xử lý môi trường ở địa phương’
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:26, 15/11/2016
Xảy ra sự cố, không ai nhận trách nhiệm
Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu vấn đềhiện nay có tình trạng khi xảy ra ô nhiễm nhưng không có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm nên việc xử lý, khắc phục rất khó khăn.
Về xử lý trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng Hà cho biếtquy định hiện hành về trách nhiệm trong vấn đề môi trường đã được phân cấp quản lý từ trung ương, đến địa phương. Tuy nhiên việc phối hợp giải quyết giữa trung ương và địa phương chưa được quy định rõ, chưa xác định cụ thể trách nhiệm giữa các chủ thể; các quy định cũng được nêu trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau...
Bộ trưởng cho biếthiện tại phê duyệt đánh giá tác động môi trường là trung ương, nhưng cấp phép thì địa phương. Do đó cần xem xét trong luật thống nhất xác định trách nhiệm thông suốt, từ phê duyệt, giám sát đến khi hoạt động.
Theo Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường, cơ quan trung ương không thể đảm đương được việc xử lý môi trường ở địa phương. Do đó, cần tính toán phân cấp rõ hơn cho địa phương, tạo điều kiện tổ chức bộ máy, thiết bị nguồn lực để thực hiện. Cách kiểm soát tốt nhất là cơ quan quản lý môi trường ở địa phương thực hiện.
Liên quan đến việc đánh giá tác động môi trường, đại biểu Đàm Mỹ Hương (Ninh Thuận) dẫn ý kiến bức xúc của cử tri cho rằngđánh giá tác động môi trường kiểu gì mà sau một thời gian hoạt động không lâu các nhà máy lại gây ô nhiễm môi trường.Liệu có sai phạm gì hay không? Việc thanh tra, kiểm tra được thực hiện như thế nào?. Có hay không buông lỏng quản lý?
Trả lời đại biểu Hương, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết công tác thanh tra theo luật, có kế hoạch rõ ràng. Theo đó, mỗi năm Bộ thanh tra 1 lần nên không gây khó khăn cho doanh nghiệp. Việc thanh tra do Bộ Tài nguyên -Môi trường thực hiện và cao hơn là Thanh tra Chính phủ, rồi của các bộ ngành, ở địa phương có chính quyền địa phương và cảnh sát môi trường, nên rất chặt chẽ. Dẫn ví dụ như thanh tra Formosa, Bộ huy động lực lượng, thiết bị cả đến trăm người bởi vì thanh tra môi trường khác với thanh tra hành chính, thanh tra môi trường cần phải có nhiều nhà chuyên môn và thiết bị hiện đại. Trong thời gian sắp tới, nếu không phân định rõ lực lượng, không tăng cường chất lượng, không có sự tham gia của các chuyên gia thì không thể thanh tra chính xác được. Là cơ quan giúp Chính phủ quản lý về TN-MT, Bộsẽ phối hợp để có thanh tra tổng thể
Về đánh giá tác động môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằngcông cụ quản lý chưa thực sự sắc bén, thậm chícó công cụ không còn thực chất. Đánh giá tác động môi trường là thấy rõ nhất. Ban đầu dự án có ý tưởng đầu tư, muốn phê duyệt phải có đánh giá tác động nên chỉ mang tính dự báo, chưa giúp cho quá trình thẩm tra, xử lý, điều chỉnh.Khi đánh giá, thông thường doanh nghiệp đề cập một nội dung, bộ phận dự án. Còn liên hợp dự án thì ở những thời điểm khác nhau, nên không thấy tác động tổng thể lên môi trường.
Về giải pháp nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, Bộ trưởng cho rằng việc xây dựng báo cáo phải dựa trên các số liệu, quy trình công nghệ. Bên cạnh đó các cơ quan quản lý nhà nước cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phân định rõ trách nhiệm, gắn trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm tra với các hoạt động giám sát môi trường, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường...
Giám sát Formosa 24/24
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi: Cử tri Quảng Binh đánh giá cao giải pháp của Quốc hội, Chính phủ về khắc phục hậu quả do Formosa gây ra. Tuy nhiên, cử tri thiếu niềm tin, băn khoăn cho cả thế hệ hiện tại và tương lai về Formosa. Bộ trưởng cho biết sắp tới Bộ sẽ làm gì để Formosa không gây ô nhiễm môi trường?
Bộ trưởng Hà cho biếtriêng về sự cố Formosa, Bộ Tài nguyên -Môi trường chịu hoàn toàn trách nhiệm.Bộ lập cơ quanliên ngành, gồm nhà khoa học cùng nhau xem xét kế hoạch yêu cầu doanh nghiệpcó biện pháp khắc phục và lộ trình xử lý cụ thể. Phương án đặt ra, trong quá trình Formosa khắc phục hậu quả thì có Tổ công tác trực tiếp giám sát 24/24 về nước thải khí thải và chất thải rắn. Bộ cũng yêu cầu phải tuân thủ các điều kiện, nếu Việt Nam chưa có thì cứ theo tiêu chuẩn quốc tế.
"Chúng tôi yêu cầu các công đoạn sản xuất đều phải được xem xét, xử lý. Nếu xảy ra sự cố phải có phương ánxử lý sự cố. Việc theo dõi được cập nhật và gửi thẳng số liệu về Sở Tài nguyên -Môi trường Hà Tĩnh để chuyển về Bộ. Nước trong công nghệ dập cốc được theo dõi và gắn thiết bị theo dõi nghiêm ngặt như ở Hàn Quốc. Nước thải sẽ qua hồ xử lý sinh học, và hồ sinh học này chúng tôi yêu cầu phải thả cá để đảm bảo nước thải ra môi trường phải an toàn" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
"Chúng tôi có tính toán tồn tại công nghệ sản xuất, từ nay đến năm 2018, Formosa mới hoàn thành thì yêu cầu tái tuần hoàn xử lý. Cuối đường ống có bồn sinh học rộng hơn 10ha xử lý đáp ứng quy chuẩn môi trường, áp dụng quy chuẩn như Hàn Quốc với nguồn thải cuối cùng. Nước này dùng để xử lý, đồng thời trong hồ yêu cầu thả cá, trồng thực vật để trước khi nguồn chất thải ra môi trường là an toàn tuyệt đối.Formosa thống nhất thực hiện và tinh thần xây dựng nhà máy an toàn môi trường, đảm bảo phát triển bền vững ở địa phương. Còn Bộ đang thiết kế hệ thống giám sát toàn bộ môi trường biển ở 4 địa phương. Các thông số hoàn toàn kiểm soát được nguồn thải của Formosa", Bộ trưởng Hà giải thích.
Về chất thải rắn và bùn thải nguy hại, Bộ trưởng Hà cho biết Bộ yêu cầu trong thời gian ký hợp đồng với doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn xử lý thì lưu giữ trong kho đối với chất thải nguy hại; thúc đẩy tiến độ đầu tư nhà máy xử lý. Hiện với bùn thải, chất thải công nghiệp, Formosa có ký kết với doanh nghiệp về lưu giữ và xử lý. Còn với chất xỉ đáy có thể sử dụng làm nguyên liệu tái chế, phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng, Bộ yêu cầu sớm có phối hợp ban hành yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật để chất thải rắn xỉ than, xỉ đáy có thể trở thành thương mại.
Hoàng Long