Giải trình 5 dự án ngàn tỉ thua lỗ: Lại là do cơ chế?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 11:02, 16/11/2016
Một trong những câu chuyện được quan tâm nhất tại nghị trường Quốc hội ngày 15.11 vừa qua, là việc Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời chất vấn, giải trình về các dự án ngàn tỉ thua lỗ phải ngưng hoặc chưa thể đi vào hoạt động đang trở thành tâm điểm chú ý của xã hộithời gian vừa qua. Theo thống kê, 5 dự án thua lỗ điển hình được liệt kê (bao gồm nhà máy xơ sợi Đình Vũ, Bio-Ethanol Dung Quất, gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình) có tổng vốn đầu tư lên tới hơn 30.000 tỉ đồng (tương đương khoảng 1,3 tỉ USD). Việc tìm ra nguyên nhân, quy trách nhiệm và đưa ra các biện pháp tránh lặp lại sai phạm nói trên, cũng như tìm ra phương án giải quyết 5 dự án thua lỗ khổng lồ này vì thế sẽ là điều được quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, trong lời giải trình của Bộ trưởng Bộ Công Thương, có vẻ như nguyên nhân hàng đầu vẫn lại là do “cơ chế”.
Đề cập đến những nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng thua lỗ kéo dài tại 5 dự án ngàn tỉ nói trên, Bộ trưởng Công Thương đưa ra 3 lý do chính: 1. Các dự án đều bị kéo dài thời gian đầu tư (được phê duyệt trong giai đoạn 2003-2008, bị kéo quá dài so với báo cáo khả thi đã được phê duyệt), 2. Các dự án đều có “điểm rơi” đầu tư vào thời điểm biến động giá nhiên liệu trên thế giới, ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án (giá dầu giảm hơn 1 nửa, từ trên 100 USD/thùng xuống còn hơn 40 USD/thùng như hiện nay), 3. Các vấn đề liên quan đến năng lực của chủ đầu tư, năng lực tổ chức đàm phán, ký kết của các dự án liên quan đến các nhà thầu nước ngoài khiến các dự án không thực hiện đúng quy trình đầu tư (theo The Saigon Times).
Tuy nhiên, khi đề cập đến nguyên nhân gây ra các dự án thua lỗ quy mô lớn và kéo dài nói trên trong khi các bộ ngành lại thiếu sự phản ứng kịp thời, Bộ trưởng Công Thương đã đề cập đến một vấn đề thuộc về cơ chế. Cụ thể, theo quy định thì trước năm 2012 các dự án đều giao quyền cho các tập đoàn và tổng công ty theo kiểu khoán trắng, nhưng lại thiếu cơ chế ràng buộc trách nhiệm, đến khi xảy ra thua lỗ lớn kéo dài lại quay về giao cho Quốc hội và Chính phủ xử lý.
Cả 5 dự án ngàn tỉ thua lỗ nói trên đều được phê duyệt đầu tư trong giai đoạn 2003-2008, và là hệ quả trực tiếp của điều có thể được coi như một lỗ hổng cơ chế nói trên. Phải đến sau năm 2012, Nghị định 99 về cơ chế quản lý vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty mớigiao lại việc quản lý phần vốn này chocác bộ ngành quản lý, chỉ khi đó trách nhiệm mới bắt đầu tập trung (theo CafeF). Nói cách khác, giải trình của Bộ trưởng Bộ Công Thương đã gần như thừa nhận sự thật về lỗ hổng cơ chế trong câu hỏi của một vị đại biểu quốc hội, rằng: “Tiền vốn nhà nước mà khoán trắng, buông lỏng như vậy sao?”. Một lỗ hổng theo kiểu “con voi chui lọt lỗ kim”.
Điều này đồng nghĩa với việcquy trách nhiệm về5 dự án ngàn tỉ thua lỗ nói trên sẽ không hề dễ dàng. Sẽ cần phải có sự tách bạch về những khoản thua lỗ trước và sau thời điểm có Nghị định 99 về cơ chế quản lý vốn nhà nước tại các tập đoàn và tổng công ty. Trước thời điểm có Nghị định 99, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư các dự án nói trên, là ban lãnh đạo các tập đoàn và tổng công ty chịu trách nhiệm về chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án. Còn sau thời điểm đó, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, trách nhiệm của từng bộ sẽ được xem xét rõ, đặc biệt là bộ chủ quản.
Vậy, ở thời điểm hiện tại, lỗ hổng cơ chế vốn là nguyên nhân sâu xa gây ra 5 dự án ngàn tỉ thua lỗ nói trên liệu đã được bịt kín để tránh những sự việc tương tự xảy ra lần nữa hay chưa? Vẫn chưa có câu trả lời cụ thể và chính xác. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Nghị định 99 ra đời sau năm 2012 đã giao việc quản lý phần vốn nhà nước tại các tập đoàn và tổng công ty về cho các bộ chủ quản, đi cùng với trách nhiệm về sử dụng vốn tại các dự án đầu tư. Nói cách khác, nếu xảy ra sự việc tương tự như 5 dự án ngàn tỉ thua lỗ nói trên, thì các bộ chủ quản sẽ là người chịu trách nhiệm. Nhưng điều này dường như không đồng nghĩa với yêu cầu không để những sai lầm nói trên lặp lại, mà chỉ có nghĩa là cho phép quy trách nhiệm nếu để sai lầm xảy ra dễ dàng hơn mà thôi.
Kể cả khi lỗ hổng cơ chế “con voi chui lọt lỗ kim” nói trên có được bít lại về mặt pháp luật, thì cũng không thể chắc chắn 100% rằng những dự án ngàn tỉ thua lỗ sẽ không thể xảy ranữa. Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, thì khung pháp lý của Việt Nam hiện nay đã khá hoàn thiện để hạn chế những siêu dự án thua lỗ nói trên. Cụ thể, năm 2013 có Hiến pháp 2013, Luật Đầu tư công ra đời năm 2014, còn đến năm 2015 thì có Luật Quản lý vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh (theo CafeF). Các bộ luật nói trên sẽ giúp ngăn chặn và xử lý đáng kể những dự án quy mô lớn được thực hiện theo kiểu lách luật và gây thua lỗ nghiêm trọng nói trên vốn được phê duyệt trong giai đoạn trước năm 2010.
Tuy nhiên, cũng theo TS Nguyễn Đức Kiên, dù khung pháp lý đã tương đối hoàn thiện thì đây vẫn là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), mà đã là DNNN thì phải làm theo quy trình đặc thù. Nói cách khác, các bộ luật nói trên cũng sẽ bị hạn chế tác dụng đối với các hoạt động của khu vực DNNN. Cách tốt nhất để tránh lặp lại các dự án ngàn tỉ thua lỗ nói trên, là giải pháp đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương đề xuất trong phiên giải trình trước Quốc hội hôm 15.11, đó là Nhà nước không nhất thiết phải có vai trò đầu tư các ngành sản xuất mà nên trao lại quyền đó cho thị trường. Muốn không để xảy ra các dự án ngàn tỉ thua lỗ, thì cách tốt nhất là Nhà nước đừng đứng ra đầu tư các dự án ngàn tỉ ấy nữa, nếu như đó là lĩnh vực mà Nhà nước không thực sự cần thiết phải nắm giữ.
Nhàn Đàm