Chuyện tình người nổi tiếng: Tình đầu là tình cuối của nhà văn Nguyễn Tuân
Văn hóa - Ngày đăng : 11:37, 16/11/2016
Mối tình đầu cũng là tình cuối của nhà văn Nguyễn Tuân (1910 - 1987), do chính ông kể lại, không hề có những hẹn hò, tình tứ, thơ mộng của tuổi mới lớn.
>>Chuyện tình người nổi tiếng: Giáo sư Hoàng Xuân Hãn và những vần thơ se duyên
>>Chuyện tình người nổi tiếng: Nhà văn Lê Văn Trương và hai người vợ yêu
Cưới vợ sớm vì bố ốm nặng
Tạp chíTác phẩm mới (số 8-1990) đã đăng lời phát biểu của Nguyễn Tuân: “Tôi không có kỷ niệm đẹp về thời thơ ấu và tuổi thanh xuân. Tôi chưa có tuổi trẻ thì đã thành ông cụ non rồi. Tôi viết Vang bóng một thời và Thiếu quê hương từ những năm 29, 30 tuổi, như vậy thì làm gì có tuổi trẻ”.
Nguyễn Tuân sinh tại phố Hàng Bạc (Hà Nội) là con trai của cụ Nguyễn An Lan (tức ông tú Hải Văn), một nhà nho bất đắc chí nhưng rất mực tài hoa. Thời niên thiếu, ông theo gia đình sống nhiều nơi ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Ông kể về thời gian học Thành chung ở Nam Định năm 1929: “Học đến năm thứ hai trung học tôi đã cưới vợ. Vợ tôi là con gái Hàng Bạc, cũng là chỗ môn đăng hộ đối, do gia đình lựa chọn cho. Tôi cưới vợ sớm vì hồi đó bố tôi ốm nặng, sợ không qua khỏi, tôi là con trưởng, hai gia đình quen biết nhau đã lâu nên bà cụ muốn cưới sớm”.
Vợ của nhà văn Nguyễn Tuân là bà Vũ Thị Tuệ. Sau khi cưới vợ, Nguyễn Tuân vẫn còn đi học. Vì tham gia bãi khóa phản đối giáo viên Pháp nói xấu người Việt nên ông bị đuổi học, bị ghi vào hồ sơ là trong 5 năm không được nhận vào làm ở các cơ quan nhà nước. Ông kể tiếp: “Mẹ tôi lấy cho một bát họ (hụi - NV), để tôi mở hiệu sách. Tôi làm đại lý cho các báoTrung Bắc tân văn,Thanh Nghệ Tĩnh, Tiểu thuyết thứ bảy... Được vài năm tôi phá gần sạch vốn, đành đưa vợ con về sống bám vào thầy mẹ tôi”.
Cuộc đời là những chuyến đi
Lúc này, bà Tuệ mới sinh con trai đầu lòng được hai tháng, Nguyễn Tuân “nổi máu giang hồ” cùng bạn bè rủ nhau trốn đi Thái Lan, vừa chân ướt chân ráo đến Bangkok thì bị bắt và giải về Hà Nội. Được thả về, ông làm chân giữ kho ở Nhà máy đèn Thanh Hóa. “Một hôm chủ sở bắt gặp tôi đang đánh máy - đây không phải là công việc của tôi - nó hỏi tôi đánh máy cái gì, bạn bè chung quanh nói anh ấy đang làm thơ, thằng chủ sở tức mình, xách cả cái máy định ném vào đầu tôi, may mà tôi tránh được, thế là tôi bỏ việc”, ông kể.
Bà Tuệ nhớ lại: “Không được bao lâu, nhà tôi lại xách va li ra đi. Tôi không hề ngăn cản nhà tôi trong những chuyến đi. Rất yêu quý và phục ông ấy, tôi không muốn làm phiền ông mặc dù xa ông, tôi buồn biết bao nhiêu”. Biết làm sao được, khi mà Nguyễn Tuân là người tôn thờ “chủ nghĩa” xê dịch và thèm đi “giữa buổi Tây Tàu nhố nhăng làm lạc mất quan niệm cũ, làm tiêu mất bao giá trị tinh thần” (Vang bóng một thời). Chính trong thời đi giang hồ, ông có gửi về cho vợ... một bài thơ! Ấy là lúc ông theo đoàn làm phim của Nguyễn Doãn Vượng sang Hồng Kông đóng phim Cánh đồng ma. Bài thơ viết vào dịp cuối năm nơi đất khách quê người mới não ruột làm sao: “Bốn bể cũng là nhà/Tết này lại ở xa/Hồn quê theo lá rụng/Đất khách đóng trò ma/Gió bụi quên ngày tháng/Biển hồ gặp xông pha/Đừng cho đàn trẻ biết/Rối ruột khách thiên nha”.
Và bà Tuệ còn kể thêm một chi tiết khá thú vị: “Lúc sắp sửa đẻ đứa thứ sáu, nhà tôi viết thơ về hẹn đưa tôi đi sinh. Tôi sung sướng chờ đợi. Nhưng đợi mãi, nhà tôi vẫn không về. Ngay một bức điện, một bức thư đưa tin cũng không có. Đã đến ngày sinh, tôi buồn rầu thui thủi một mình vào nhà hộ sinh. Không tránh khỏi có phần tủi thân và thầm oán trách sự vô tâm của nhà tôi”. Không những vô tâm, ông còn đểnh đoảng nữa. Đạo diễn Đình Quang cho biết: “Có lần Nguyễn Tuân dẫn con vào rạp xi nê xem chiếu bóng, tan phim, ông mải theo bạn bè đi chơi tiếp, bỏ quên con đang nằm ngủ chèo queo trong rạp! Đến khi nhớ lại, ông vội chạy đến rạp, thấy vắng hoe, lo cuống lên, không ngờ bà Tuệ đã đến dẫn con về tự lúc nào rồi!”.
Nói về vợ mình, Nguyễn Tuân tâm sự: “Không hiểu bà ấy quý tôi về cái nỗi gì, chứ tôi phá bà ấy nhiều bận đến là điêu đứng”. Dù vậy, bà Tuệ vẫn thành thật bộc bạch: “Tính cách hai chúng tôi rất khác nhau, nhưng sao vẫn hợp nhau. Nhà tôi khó tính, rất khó tính. Càng lớn tuổi, càng khó tính. Nhưng tôi vẫn cố chiều được”.
Năm 1986, Nguyễn Tuân ốm nặng, sợ không qua nổi, bèn nói vui với vợ: “Bà với tôi thì ai nên đi trước?”. Không ngờ bà Tuệ trả lời một câu mà Nguyễn Tuân nhận xét là rất... “tình tứ”: “Ông đi trước thì tôi sẽ buồn lắm, nhưng tôi mà đi trước thì ông sẽ rất khổ vì không ai săn sóc ông được như tôi. Và như vậy, tôi chết cũng không đành”.
Nếu không có sự nhẫn nại, chịu đựng của bà Vũ Thị Tuệ, liệu chúng ta có được những trang tuyệt bút về Vang bóng một thời (1940),Tàn đèn dầu lạc(1941),Tùy bút I, II(1941 và 1943),Chùa đàn(1946) rồiTình chiến dịch(1950),Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi(1972)... Về cuối đời, bà Tuệ cho biết thêm: “Nghĩ lại, từ khi lấy nhau cho đến lúc có bảy mụn con, chúng tôi xa nhau luôn. Biết bao khó khăn vất vả. Nhưng cứ mỗi lần nhà tôi đi xa về thấy các con khôn lớn, ông rất vui, tôi cũng thấy mát lòng, quên đi những phiền muộn vất vả. Đối với tôi, nhà tôi lúc nào cũng chu đáo. Nhà tôi chưa hề nặng lời với tôi lần nào. Mặc dầu xa nhau luôn, nhưng tôi vẫn tin ở nhà tôi. Hồi trước cách mạng, nhà tôi cũng theo bạn đi hát ả đào. Tôi còn nhớ, có lần có người đến gõ cửa báo tin cho mẹ con tôi biết là nhà tôi đang ở nhà này, nhà nọ. Tôi cứ để mặc. Dưới mắt tôi, nhà tôi bao giờ và lúc nào cũng là một người có suy nghĩ”.
Lê Minh Quốc/Thanh Niên
Tài liệu tham khảo: Nhà văn qua con mắt những người thân (NXB Hội Nhà văn -1994); Hỏi chuyện nhà văn Nguyễn Tuân (Tạp chí Tác phẩm mới số 8-1990)