Tranh cãi chưa dứt về điều kiện kinh doanh bảo hành, bảo dưỡng ô tô
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 16:17, 16/11/2016
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bỏ các điều kiện đối với hàng loạt ngàng nghề: kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển; kinh doanh dịch vụ in; xuất khẩu gạo; kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy; kinh doanh dịch vụ quảng cáo; kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô; hoạt động dịch vụ của tổ chức thương mại và hoạt động dịch vụ hòa giải thương mại.
Thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận là kiến nghị nên bỏ việc kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô và sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đây cũng là vấn đề tranh cãi chưa có hồi dứt trong thời gian qua.
Văn bản của VCCI nêu rõ, việc bảo hành, bảo dưỡng ôtô là dịch vụ thường đi kèm với dịch vụ bán hàng hoặc sản xuất ôtô và trong quan hệ này, trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm thuộc về nhà sản xuất là chủ yếu chứ không phải là người bảo hành, bảo dưỡng. Vì vậy, việc xem hoạt động bảo hành, bảo dưỡng ôtô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện là rất bất hợp lý.
Bên cạnh đó, VCCI cũng dẫn ra quy định trong Luật Đầu tư 2014 là: Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".
Theo đó, khi xác định một ngành, nghề là cần có điều kiện đầu tư kinh doanh hay không thì các lý giải phải hướng đến mục tiêu này. Trong khi đó, một số ngành, nghề được đề nghị giữ lại/bổ sung vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện lại xuất phát từ lý do là đã được quy định và thực hiện ổn định trong các văn bản pháp luật khác. Đây dường như chưa phải là lý do phù hợp mà lý do cốt lõi phải giải trình là các ngành nghề kinh doanh này có gây ảnh hưởng tới các trật tự công ở mức Nhà nước cần thiết phải kiểm soát bằng các điều kiện hay không?
Được biết, những đơn vị đề xuất đưa ngành nghề này vào diện có điều kiện gồm UBND tỉnh Quảng Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).
Nhiều doanh nghiệp cho rằng không cần thiết quy định điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề này vì dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô thực chất là vấn đề chăm sóc khách hàng được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự (từ Điều 446 đến Điều 449).
Bên cạnh đó, việc bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô được điều tiết bởi nhu cầu, xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng và yêu cầu cạnh tranh trên thị trường.Định kỳ các loại xe ô tô đều phải được kiểm tra tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật mới đủ điều kiện tham gia giao thông.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: “Tôi đề nghị không đưa sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, và bảo dưỡng, bảo hành ô tô vào danh mục vì đã có đầy đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn để kiểm soát”.
Những ý kiến đề nghị nên đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện thì lại cho rằng ô tô là sản phẩm có khả năng gây mất an toàn cao. Vì vậy, dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cần phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt để đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bảo đảm an toàn giao thông. Đồng thời hạn chế tác động có hại từ các cơ sở cung cấp dịch vụ này tới môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định rằng, hiện cả nước có hàng ngàn cơ sở hoạt động bảo hành, bảo dưỡng ô tô, việc quy định điều kiện đối với ngành, nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cần phải cân nhắc kỹ lưỡng nhằm bảo đảm tính phổ quát chung đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt, vừa bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Trả lời báo chí, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch Đầu tư) lại ủng hộ việc áp dụng điều kiện đối với ngành này. Ông Tuấn cho rằng, ô tô là sản phẩm có vòng đời dài tới vài chục năm và nhà cung cấp sản phẩm phải đảm bảo xe được bảo hành, bảo dưỡng, thậm chí triệu hồi theo đúng yêu cầu kỹ thuật của chính hãng. Trong khi đó, các nhà phân phối, nếu mua, nhập khẩu xe từ nhiều nguồn khác nhau thì thường bỏ qua khâu bảo hành và dịch vụ sau bán hàng do không có sự hỗ trợ từ nhà sản xuất cả ở khía cạnh tài chính lẫn công nghệ, kỹ thuật.
Ông Tuấn cũng cho rằng, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng hiện nay chỉ có thể kiểm soát chất lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu tại các thời điểm nhất định (khi xuất xưởng, kiểm định, đăng kiểm định kỳ). Trong khi ôtô cần phải được vận hành an toàn, đúng hướng dẫn cho toàn bộ thời gian sử dụng.
Hoàng Long