Máy triệu đô 'trùm mền', bệnh viện công 'nhờ' bệnh viện tư chụp MRI
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:13, 17/11/2016
Chiếc máy hơn 20 tỉ đồng và 'tai nạn' bất ngờ
Đây là chiếc máy có giá hơn 20 tỷ đồng, nằm trong gói tài trợ ODA trị giá 19,5 triệu Euro của chính phủ Pháp. Máy MRI vừa lắp ráp, chụp được cho vài chục bệnh nhân thì giờ đã phải “trùm mền”, “nhập viện”.
Trả lời qua điện thoại với PV, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó giám đốc bệnh viện đa khoa TP. Cần Thơ thừa nhận đã có sự cố xảy ra vớimáy chụp MRI. Nhưng ông cho rằng: “Cũng không có gì lớn”.
Nhưng những ngày qua, các bệnh nhân có nhu cầu chụp MRI, sẽ đượccáng xuống sân bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ, sau đó xe cấp cứusẽ chở sang bệnh viện 121 kế cận hoặc sang bệnh viện Hoàn Mỹ bên quận Cái Răng chụp, sau đó chuyển về… nằm viện ở đa khoa TP.Cần Thơ, đưa kết quả chụp MRI cho bác sĩ,điều trị tiếp!
Và theo nguồn tin riêng của PV, máy MRI bị trục trặc, màn hình báo lỗi. Mà máy MRI phát ra từ trường rất lớn. Do đó, khi chụp MRI, bệnh nhân được hướng dẫn thay đồ bệnh viện, tháo răng giả, các vật trang sức như vòng nhẫn, dây chuyền, bông tai, đồng hồ đeo tay, các thiết bị điện từ như thẻ tín dụng, thẻ rút tiền tự động (thẻ ATM), chìa khóa từ có thể bị xóa mất dữ liệu khi mang vào phòng máy.
Thậm chí, kỹ đến mức, có dụng cụ chuyên dùng trong phòng MRI được kỹ thuật viên dùng để kiểm tra các dị vật và thiết bị kim loại được đặt trong cơ thể bệnh nhân. Đặc biệt, các dị vật kim loại nhỏ để lại bắt buộc sau phẫu thuật, nằm trong cơ thể cáccơ quan có mô lỏng lẻo như ở não, mắt, tim, phổi, cạnh các mạch máu lớn...thì không nên chụp MRI do sợ sự cố bởi từ trường…
Và 1 nhân viên y tế, không biết có trao đổi với đơn vị cung cấp máy hay chưa, mà khi thấy máy MRI báo lỗi, đã mang máy hút ẩm vào định “chữa” cho máy MRI. Và điều gì đến cũng đã đến. Từ trường của chiếc máy MRI đã hút mạnh chiếc máy hút ẩm vào. Cú va chạm mạnh đã khiến cả 2 vỡ tan nhiều bộ phận!
“Máy MRI có bộ tích điện riêng, nên dù nhân viên y tế có rút điện ra trước thì từ trường vẫn còn hoạt động! Có lẽ họ quên điều đó”, dược sĩ Nguyễn Đức Châu, phụ trách nhóm Aftercare ở TP.HCM, nhận định.
Ngay sau đó, phía đơn vị cung cấp máy cũng đã đến bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ, vào “hiện trường” để tìm cách khắc phục sự cố. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa đưa ra được giải pháp nào, vì cú va chạm quá mạnh khiến cả 2 gần như dính chặt vào nhau. Và chiếc máy MRI trị giá hơn 20 tỷ đồng có nguy cơ trở thành đống sắt vụn.
Máy trong tình trạng cửa đóng then cài
Ngày 16.11, PV đã tìm đến phòng chụp MRI của bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ. Máy hư không hoạt động, cửa phòng đóng kín, và nhân viên bảo vệ túc trực ngay sát đó, đề phòng có người lạ dòm ngó. Tấm biển khai trương phòng máy còn mới tinh!
Máy hiện đại, nhưng người “cũ kỹ” thì cũng thất bại
Máy MRI là gì mà có giá hơn 20 tỷ đồng? Kỹ thuật tạo ảnh cộng hưởng từ (MRI) hiện đã trở thành 1 phương pháp phổ thông trong y học chẩn đoán hình ảnh. Các thiết bị MRI đầu tiên ứng dụng y học xuất hiện vào đầu những năm 1980. Và vào năm 2002, có gần 22.000 camera MRI được sử dụng trên toàn thế giới.
MRI thường tốt hơn các kỹ thuật hình ảnh khác và đã được cải thiện đáng kể về độ chính xác trong việc chẩn đoán nhiều căn bệnh. Nó thay thế một số phương pháp kiểm tra theo kiểu đưa thiết bị vào cơ thể, do đó giảm đau đớn, rủi ro cũng như sự bất tiện cho nhiều bệnh nhân. Chẳng hạn như sử dụng phương pháp nội soi kiểm tra tuyến tụy hoặc tuyến mật có thể gây một số biến chứng nghiêm trọng…
Lợi thế của MRI là tính vô hại của nó. MRI không sử dụng bức xạ ion hóagiống như phương pháp chụp X quang hoặc chụp CT. Ngày nay, MRI được sử dụng để kiểm tra gần như mọi cơ quan trong cơ thể. Kỹ thuật này đặc biệt có giá trị trong việc chụp ảnh chi tiết não hoặc dây cột sống.
Kể từ khi MRI mang lại những hình ảnh 3 chiều, bác sĩ có thể nắm được thông tin về địa điểm thương tổn. Những thông tin như vậy rất có giá trị trước khi phẫu thuật chẳng hạn như tiểu phẫu não. Tuy nhiên, giá chụp MRI thường khá cao, từ 2-3 triệu đồng/lần.
Tại Việt Nam, vào ngày 14.7.1996, mới có chiếc máy MRI đầu tiên hiệu Toshiba Access loại mở, đưa vào hoạt động tại Medic (TP.HCM), với sự hiện diện của giáo sư Trần Văn Giàu. Và khoảng 10 năm trước, tại ĐBSCL chỉ có bệnh viện đa khoa Kiên Giang trang bị được chiếc máy này, sau đó mới “phủ sóng” dần, bởi giá thành quá cao.
Trở lại sự cố của chiếc máy MRI tại bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ, ai sẽ chịu trách nhiệm nếu hơn 20 tỉđồng trở thành đống sắt vụn? Theo ông Nghĩa, máy MRI dù đang “nằm” tại bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ nhưng chưa phải là tài sản của bệnh viện, vì chưa được nghiệm thu, nhà thầu chưa bàn giao cho bệnh viện.
Trước đây máy cũng có hoạt động nhưng chỉ là hoạt động thử. Về thời gian trở lại hoạt động của máy phụ thuộc vào hãng sản xuất.
Liệu máy có khắc phục được và bao giờ hoạt động trở lại? “Người ta đang lo việc sửa chữa. Đó là chuyện của người ta. Bao giờ máy sẽ phục vụ bệnh nhân được thì ngay cả các kỹ sư sửa chữa (thuộc nhà thầu cung cấp) trực tiếp ở đây cũng không trả lời chính xác được. Hiện tại nhà cung cấp phải kiểm tra đánh giá mức độ hư hỏng bao nhiêu, sửa chữa bao lâu… báo lại với hãng.
Chính vì vậy ngay cả hãng sản xuất cũng không thể trả lời được thắc mắc như đã nêu vào lúc này vì chưa đánh giá hết được những thương tổn của máy. Do vậy trong tình huống này không thể cho rằng hoạt động khắc phục chậm trễ, vì bệnh viện chưa chính thức được trang bị máy này”, ông Nghĩa khẳng định.
Nhóm PV