Vinataba kêu khó vì thuốc lá lậu 'lấn sân' ngày càng mạnh
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 05:30, 18/11/2016
Gặp khó với thuốc lậu
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng ngày 17.11, đại diện Vinataba đã báo cáo về tình hình hoạt động 10 tháng đầu năm và phương hướng kế hoạch 2 tháng cuối năm 2016.
Theo đó, Vinataba cho biết tổng doanh thu của Tổngcông ty đạt 85% kế hoạch và tăng 6,6% so cùng kỳ năm trước. Đơn vị đã nộp ngân sách đạt khoảng 88% kế hoạch và tăng xấp xỉ 17% so cùng kỳ năm trước; Kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 93% kế hoạch, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần thuốc lá điếu của Tổng công ty hiện chiếm khoảng 60% thị phần nội địa.
Mặc dù các chỉ tiêu đều khả quan nhưng Vinataba vẫn cho rằng năm 2016, ngành thuốc lá Việt Nam nói chung và Vinataba nói riêng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh như: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và mức đóng góp vào Quỹ Phòng chống Tác hại Thuốc lá; Tình hình buôn lậu thuốc lá trong 10 tháng đầu năm có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp trở lại…
Điều này đã khiến các doanh nghiệp trong toàn Hiệp hội thuốc lá Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sản lượng có xu hướng giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Trong tất cả các khu vực trên cả nước, TP.HCM hiệnđược xem là nơi hoạt động buôn lậu thuốc lá diễn ra "nóng" nhất. Từ đầu năm 2013 đến cuối tháng 9.2016, các lực lượng chức năng của thành phố đã kiểm tra, phát hiện 6.018 vụ, có 2.270 đối tượng vi phạm, tịch thu 3.577.342 bao thuốc lá; xử phạt hành chính 21 tỉ 455 triệu đồng, khởi tố 136 vụ/136 đối tượng. Riêng 9 tháng qua, lực lượng chức năng đã xử lý, tịch thu 788.576 bao.
Theo thống kê, tình trạng thuốc lá điếu ngoại nhập lậu vào với số lượng ngày càng tăng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước, cụ thể là gây thất thu thuế nặng nề cho ngân sách. Năm 2012, thất thu thuế vào khoảng 6.500 tỉ đồng và đã tăng lên khoảng 10.000 tỉ đồng mỗi năm gần đây. Chưa kể dẫn tới mất việc làm cho rất nhiều người nông dân trồng thuốc lá và công nhân.
Theo các chuyên gia ngành, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng buôn lậu diễn biến phức tạp thời gian qua chính là buôn lậu thuốc lá đem lại lợi nhuận rất lớn. Hiện nay, do mức chênh lệch giá cao giữa thuốc lá ngoại và thuốc lá sản xuất trong nước nên các đối tượng buôn lậu bằng nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi để vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu. Mặt khác đời sống nhân dân vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định, nhận thức pháp luật hạn chế nên bị các đối tượng móc nối, mua chuộc, tham gia vận chuyển thuốc lá lậu.
Những sản phẩm thuốc lá được sản xuất trong nước có giá thành cao do phải đóng các loại thuế (thuế tiêu thụ đặc biệt tăng từ 65% lên 70%, thuế VAT 10%, thuế nhập khẩu 135%, thuế thu nhập doanh nghiệp 22%, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá tăng từ 1% lên 1,5%...). Hơn nữa, sản xuất thuốc lá trong nước vẫn chưa có loại thuốc lá nào thay thế để làm thay đổi thị hiếu người tiêu dùng do thuốc lá điếu sản xuất trong nước được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, hàm lượng Tar, Nicotin bị giới hạn theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, thuốc lá nhập lậu lại không được kiểm soát về chất lượng. Các kiểm nghiệm tại Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an và Viện thuốc lá cho biết, tỷ lệ các thành phần độc hại (ví dụ như coumarin) và tỷ lệ các thành phần khác như cao thuốc lá và nicotin trong các mẫu thuốc lá nhập lậu vượt quá mức cho phép của Bộ Y tế. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng nhiều lần đưa tin về việc phát hiện các chất độc hại như coumarin, cadmium vượt quá mức cho phép trong thuốc lá nhập lậu, gây ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ người tiêu dùng.
Trình 8 kiến nghị lên Bộ Công Thương
Trước thực trạng trên, để thực hiện thành công kế hoạch sản xuất kinh doanh 2 tháng còn lại của năm 2016, tạo điều kiện phù hợp cho hoạt động ngành thuốc lá nội địa hoạt động ổn định nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính - đóng góp ngân sách Nhà nước và có điều kiện tiếp tục triển khai thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu, Vinataba đã trình bày một số kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công Thương, các Bộ, ngành và địa phương về việc tăng cường công tác chống buôn lậu.
Thứ nhất, Chính phủ và các Bộ, ngành tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ TCT trong quá trình triển khai thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty, cổ phần hóa Công ty Thực phẩm Miền Bắc.
Thứ hai, đề nghị Bộ Công Thương sớm phê duyệt Chiến lược phát triển của Tổng công ty đến năm 2025 và Kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016-2020 để làm căn cứ triển khai thực hiện.
Thứ ba, sửa đổi quy định về mức xử phạt hình sự của Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13 vẫn đảm bảo hiệu lực thi hành quy định của Nghị định 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Dự thảo sửa đổi một số điều của Nghị định 67/2013/NĐ-CP; sửa đổi nội dung Hướng dẫn 06/TANDTC-PC ngày 26.1.2016 của Tòa án Nhân dân Tối cao về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháonổ, thuốc lá điếu nhập lậu...nhằm tạo hành lang khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty và ngành Thuốc lá.
Thứ tư, đề nghị Ban chỉ đạo 389/TW tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các Bộ ngành liên quan tăng cường công tác đấu tranh chống hoạt động buôn bán thuốc lá nhập lậu.
Thứ năm, bổ sung mục đích sử dụng Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho công tác phòng chống thuốc lá nhập lậu, góp phần hạn chế tác hại của thuốc lá nhập lậu.
Thứ sáu, kiến nghị không thực hiện việc tái xuất thuốc lá nhập lậu, thuốc lá bất hợp pháp nhằm tuân thủ Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới.
Thứ bảy, đề nghị Bộ Công Thương tăng cường quản lý việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá và công tác hậu kiểm tại các địa phương có vùng trồng thuốc lá.
Thứ tám, đề nghị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Bộ Khoa học và Công nghệ đồng ý chủ trương cho phép Viện Thuốc lá xây dựng, chuyển đổi Phòng Phân tích thành Phòng Thử nghiệm hợp chuẩn Quốc gia và chứng nhận Viện Thuốc lá là Tổ chức đánh giá sự phù hợp theo quy định Luật Khoa học và Công nghệ.
Tuyết Nhung