Choáng ngợp trước sự xa hoa bậc nhất của 'thành phố ma'

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:21, 19/11/2016

Thậm chí báo Anh còn ca ngợi đây là "một nghĩa trang kỳ lạ, đầy màu sắc và xa hoa" nhất nhì Việt Nam.

Một làng chài nhỏ thuộc xã An Bằng, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế đã trở nên nổi tiếng từ những năm 90 và được mệnh danh là "thành phố tâm linh" có quy mô hoành tráng nhất Việt Nam bởi khu nghĩa trang đồ sộ mà họ xây dựng để thờ cúng tổ tiên.

Ngày trước, đây chỉ là một làng chài nghèo nơi cuộc sống của người dân phụ thuộc vào những chuyến đánh cả nhỏ ngoài biển khơi. Tuy nhiên, đến giai đoạn 1989 - 1990, khi Nhà nước cho phép người Việt định cư tại Mỹ gửi tiền về cho người thân trong nước thì An Bằng đã thay đổi một cách nhanh chóng bởi có đến 90% người dân trong làng có thân nhân ở nước ngoài.

Cuộc sống khấm khá hơn kéo theo việc người dân bắt đầu nghĩ đến chuyện "báo hiếu" cho ông bà tổ tiên. Từ đây, họ tiến hành sửa sang, xây mới những khu lăng mộ của của gia tộc.

Điều đáng chú ý là hầu hết các ngôi mộ ở đây đều có diện tích hàng trăm mét vuông và trị giá hàng tỷ đồng. Dân làng còn cạnh tranh nhau để xây những ngôi mộ khang trang bề thế và có nhiều hoa văn tinh xảo. Nhiều khu mộ thậm chí còn sang trọng hơn cả nhà ở của người dân bởi họ quan niệm sâu sắc triết lý "sống gửi, thác về" và luôn hiếu nghĩa với những người đã khuất. Vậy nên mới có chuyện dù lăng mới xây chưa được 1 năm đã bị đập đi xây lại vì lăng mộ của nhà bên cạnh to đẹp hơn của nhà mình.

Có gia đình đã chi tới hơn 1,5 tỷ đồng để xây dựng lăng mộ tráng lệ không kém gì vua chúa cho tổ tiên. Một ngư dân chia sẻ: "Làng tui hiện có hàng nghìn cái lăng, bé thì khoảng vài trăm triệu, còn lớn thì cả tỷ đồng".

Theo các vị cao niên trong làng, đa số lăng mộ tại An Bằng đều lấy thiết kế chung từ lăng Khải Định sau đó mỗi người tự sáng tạo thêm bớt theo ý mình.Một lăng mộ thuộc hàng "đẳng cấp" ở đây phải hội tụ đầy đủ một số yếu tố như móng sâu và chắc chắn...

...mái ngói lưu ly, vật liệu xây dựng kiên cố- sang trọng, trang trí đủ các con vật trong "tứ linh" (Long-Lân-Quy-Phượng), câu đối, bia đá, trụ biểu và những ngôi tháp lục giác được điêu khắc chạm trổ công phu nhờ tay nghề điêu luyện của người thợ kép.

Nghề kép là nghề chuyên đắp nổi và khảm sành, thủy tinh lên các chi tiết của đình chùa, miếu và nhà thờ ở Huế. Đây được cho là nghề làm ăn phát đạt nhất huyện và đã tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân ở các địa phương lân cận.

Anh Trần Bảo, một thợ kép có hơn 20 năm kinh nghiệm cho biết ở đây không lúc nào hết việc để làm. Trong suốt những năm theo nghề, anh Bảo đã nhận thầu gần 300 công trình lăng mộ lớn nhỏ ở An Bằng và các xã khác trong vùng.

Một chuyện nghe có vẻ khác thường nhưng lại hoàn toàn bình thường ở đây là người ta xây lăng trước để khi nhà có người qua đời thì không phải lo tiền xây lăng nữa. Quan trọng hơn là xây trước bao giờ cũng chu đáo và hoành tráng hơn. Người dân An Bằng có một phong tục là sau khi qua đời, nếu trong vòng 50 ngày không xây được lăng thì phải đợi 3 năm sau mới được phép xây mà như vậy là con cháu có lỗi, bất hiếu với tổ tiên. Bởi vậy mới có chuyện nhiều lăng mộ xây xong chỉ có tên và năm sinh và để trống năm qua đời của chủ nhân.

Dẫu biết hành động của người dân An Bằng thể hiện sự kính trọng và biết ơn tổ tiên nhưng nhiều người cho rằng việc này là một sự lãng phí khi bỏ ra một số tiền không hề nhỏ để xây dựng những khu lăng mộ đồ sộ. Chính quyền địa phương cũng đã tiến hành nhiều chiến dịch tuyên truyền để kêu gọi người dân không mở rộng quy mô của các ngôi mộ nữa nhưng không có kết quả do quan niệm ăn sâu vào tiềm thức suốt bao đời qua đã thôi thúc họ đua nhau xây dựng những công trình xa hoa bậc nhất cả nước như vậy.

Nguồn: Tổng hợp

Huyền Thanh

Blogtamsu