Khi đồng USD trở thành vũ khí của Donald Trump: Ác mộng cho các nền kinh tế châu Á?

Quốc tế - Ngày đăng : 05:38, 21/11/2016

Một đồng USD tỷ giá mạnh đang có nguy cơ trở thành một vũ khí lợi hại để Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đe dọa đối với các nền kinh tế lớn khác, đặc biệt là các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu ở châu Á.

Nền kinh tế thế giới đã thở phào nhẹ nhõm sau chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, khi những dự đoán tương đối ảm đạm trước đó về việc đồng USD sẽ sụt giá mạnh và thị trường tài chính toàn cầu sẽ chao đảo đã không trở thành sự thực. Ngược lại, đồng bạc xanh của Mỹ tiếp tục đà tăng giá mạnh và Cục dự trữ liên bang (FED) nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất vào tháng 12 tới.

Đó được xem là một tin tốt đối với nền kinh tế thế giới, khi nó là dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang hồi phục tốt và có thể thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi một đồng USD tỷ giá mạnh đang có nguy cơ trở thành một vũ khí lợi hại để Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đe dọa đối với các nền kinh tế lớn khác, đặc biệt là các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu ở châu Á.

Đồng bạc xanh của Mỹ tăng giá mạnh sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, về lý thuyết đang đem lại những lợi ích đáng kể cho các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt là những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu ở châu Á như Nhật Bản hay Trung Quốc. Nó đồng nghĩa với việc hàng hóa xuất khẩu của các nước này sẽ cạnh tranh hơn về mặt giá cả, và thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Điển hình là Nhật Bản, khi tỷ giá yen/USD đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 tháng rưỡi qua, khiến cho thị trường chứng khoán (TTCK) nước này đã tăng tới 20% kể từ thời điểm cuối tháng 6. Nhưng về dài hạn, với một tổng thống có xu hướng bài xích các yếu tố liên quan đến tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu theo hướng tiêu cực cho kinh tế Mỹ như Donald Trump, thì một đồng USD mạnh lại có nguy cơ trở thành một vũ khí nguy hiểm.

Cụ thể, giới hoạch định chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế lớn ở châu Á đang tỏ ra lo ngại về việc tỷ giá đồng USD tăng mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới có thể trở thành cái cớ để Tổng thống mới đắc cử Donald Trump ban hành các chính sách trừng phạt với lý do bảo hộ thương mại. Trong suốt quá trình tranh cử, ông Trump đã đề cập tới một loạt các quốc gia mà theo ông có dấu hiệu thao túng tiền tệ và gây ra ảnh hưởng xấu đến kinh tế Mỹ, hầu hết trong số đó đều là các nền kinh tế đang có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và một tỷ giá so với đồng USD ở mức khá thấp. Hiện tại, danh sách các quốc gia đang bị Kho bạc Mỹ theo dõi và có thể bị xếp vào diện thao túng tiền tệ bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức và Thụy Sĩ. Trong đó, tỷ giá nhân dân tệ/USD đang ở mức thấp nhất trong vòng 8 năm trở lại đây, còn tỷ giá yen/USD cũng chạm đáy trong vòng 5 tháng rưỡi qua.

Hầu hết các nền kinh tế này đều có thặng dư thương mại lớn đối với Mỹ. Cụ thể, trong năm 2015, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ lên tới 366 tỉ USD, Nhật Bản là 69 tỉ USD, Hàn Quốc là 28 tỉ USD còn Đài Loan là 15 tỉ USD. Cùng với việc tỷ giá đồng nội tệ của các nước này với đồng USD đang rất thấp, các nền kinh tế châu Á này sẽ rất dễ bị chính phủ của Tổng thống mới đắc cửDonald Trump quy vào tình trạng thao túng tiền tệ, và từ đó áp dụng các biện pháp trừng phạt. Chẳng hạn như với Trung Quốc, ông Trump đã dọa sẽ tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa của nước này lên 45%. Điều tương tự cũng có thể sẽ diễn ra với các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu còn lại ở châu Á, thậm chí bao gồm cả các nước Đông Nam Á.

Sự chênh lệch về tỷ giá do đồng USD tăng giá mạnh sau khi ôngDonald Trump đắc cử tổng thống Mỹ đang thực sự trở thành một mối lo sợ tại các nền kinh tế châu Á. Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã có không dưới 3 lần giải thích công khai trong thời gian quarằng tỷ giá nhân dân tệ/USD thấp trong thời gian qua là do đồng bạc xanh tăng giá mạnh chứ không phải Trung Quốc hạ tỷ giá đồng nội tệ. Một quan chức tài chính Nhật Bản thì phát biểu với hãng tin Reutersrằng: “Đồng nội tệ yếu sẽ trở thành một cái cớ để Trump đổ lỗi cho các nước châu Á về vấn đề thao túng tỷ giá, như Nhật Bản và đặc biệt là Trung Quốc”. Còn các quan chức tài chính Hàn Quốc thì cho biết: “Chúng tôi sẽ phải thật chú ý để đảm bảo Hàn Quốc sẽ không bị liệt vào danh sách các nước thao túng tiền tệ của Mỹ”.

Việc đồng USD tăng giá mạnh trong thời gian vừa qua đến từ một loạt các yếu tố tổng hợp. Trước hết là do nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi nhanh chóng, với mức tăng trưởng lên tới 2,9% trong quý 3 năm nay (mức dự đoán chỉ đạt 2,6%). Việc Donald Trump đắc cử tổng thống và nhiều khả năng sẽ áp dụng các biện pháp bảo hộ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - tài chính cũng khiến cho đồng bạc xanh tăng giá. Tác động tổng hợp từ 2 lý do trên khiến các nhà đầu tư trên toàn cầu quay trở lại nắm giữ đồng USD thay vì các đồng tiền khác như euro hay yen cũng khiến cho đồng tiền của Mỹ tăng giá mạnh thêm. Tuy nhiên, nó lại đang trở thành cái cớ để Donald Trump cho rằng các nước châu Á đang cố gắng hạ tỷ giá để đẩy mạnh xuất khẩu của mình và làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế Mỹ.

Hiện Kho bạc Mỹ đang dựa vào 3 tiêu chí chủ yếu để đánh giá xem một nền kinh tế có đang thao túng tiền tệ hay không, đó là: thặng dư thương mại lớn, thặng dư tài khoản vãng lai lớn, can thiệp vào tỷ giá đồng nội tệ một cách liên tục và dai dẳng. Áp 3 tiêu chí trên vào các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu ở châu Á, đặc biệt là trong bối cảnh đồng USD tăng giá vùn vụt như hiện nay, thì hầu hết đều có thể sẽ bị quy vào tình trạng thao túng tiền tệ. Điềunày có thể dẫn tới việc chính phủ của Donald Trump áp dụng các biện pháp trừng phạt. Có lẽ, hy vọng lớn nhất cho các nền kinh tế xuất khẩu ở châu Á ở thời điểm hiện tại, là mong rằng FED sẽ tăng lãi suất đồng USD càng sớm càng tốt để giảm đà tăng giá của đồng bạc xanh so với các đồng tiền khác trên thế giới lại trước khi ôngTrump đủ thời gian ban hành các chính sách trả đũa mang tính bảo hộ.

Nhàn Đàm (theo Reuters)

Nhàn Đàm