Học sinh dùng đồ tái chế thiết kế hệ thống chuông chống trộm
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:01, 22/11/2016
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, bạn Anh Đức – thành viên nhóm nghiên cứuchia sẻ: “Ý tưởng của mô hình chuông chống trộm được sinh ra từ tham vọng tạo ra những sản phẩm đơn giản và có tính ứng dụng trong cuộc sống. Ngoài ra, em rất coi trọng sự riêng tư vì vậy em nghĩ đến việc tạo một sản phẩm chuông có thể tự kêu nếu ai đó vào phòng của mình. Từ đó, ý tưởng được phát triển thành chuông chống trộm”.
Chỉ từ những vật liệu dễ kiếm trong cuộc sống, các em học sinh đã khéo léo vận dụng thành những thí nghiệm khoa học thú vị, làm cho những lý thuyết vốn khô khan, trừu tượng trở nên hấp dẫn, dễ hiểu.
Theo Anh Đức, mô hình này không tốn quá nhiều thời gian nghiên cứu do mục tiêu ban đầu đề ra là sự đơn giản và hiệu quả nên tất cả những lý thuyết chỉ là kiến thức vật lý cơ bản trong sách giáo khoa. Và đối với bản thân Đức, trở ngại lớn nhất là tìm kiếm vật liệu phù hợp với ý tưởng mà mình đã đề ra ban đầu.
Cùng chơi đùa với những tấm bìa cứng, pin, dây đè pin, dây điện, chuông (có thể mua sẵn hoặc tự tạo từ chiếc bát trong nhà…), kẹp quần áo, que đè lưỡi, súng bắn keo, mỏ hàn… trong một buổi chiều rảnh rỗi là các bạn học sinh đã hoàn thiện sản phẩm của riêng mình. Đặc biêt, những vật liệu này đều rất dễ tìm kiếm ở ngay trong nhà, ngoài ra những vật liệu như pin, dây điện hay động cơ có thể tìm thấy ở các của hàng điện dân dụng hoặc điện lạnh với mức giá không quá đắt.
“Toàn bộ sản phẩm được định giá rẻ, dưới 100.000 đồng, thậm chí các vật dụng có thể được tái chế hoặc sử dụng từ những vật dụng trong gia đình. Vì vậy, học sinh có thể tiết kiệm tiền ăn sáng để mua những vật dụng đó và làm ra sản phẩm sáng chế của riêng minh, vừa thỏa sức sáng tạo, vừa giúp ích cho cuộc sống thường ngày”, Anh Đức cho biết.
Được biết, với những vật dụng cơ bản, đơn giản, dễ tìm thì nguyên lýhoạt động của chuông chống trộm cũng không quá phức tạp. Mô hình chỉ dựa vào kiến thức mạch điện cơ bản trong bộ môn vật lý mà các em được học trên lớp. “Khi mạch điện kín, điện chạy trong mạch khiến chuông kêu. Khi mạch điện hở, mạch điện không có dòng điện chạy qua làm chuông không kêu. Do đó, ta thiết kế mô hình nối dây để bình thường dòng điện không kín, khi cửa mở làm tách dây ra và mạch điện kín khiến chuông kêu”, Anh Đức phân tích thêm về nguyên lýhoạt động đơn giản của mô hình.
Với ưu điểm giá thành rẻ, dễ làm, sử dụng vật liệu dễ kiếm lại thân thiện với môi trường, đặc biệt có tính an toàn cao đã được chính Anh Đức ứng dụng tại gia đình của mình và một số bạn khác cùng trường.
Theo cậu học sinh đam mê khoa học này, hiện nay, mô hình đã được hoàn thiện và trong giai đoạn nâng cấp. Về mặt sản xuất, CLB Society of Open Science (CLB Khoa học) của trường không sáng tạo ra sản phẩm với mục đích bán ra thị trường nên trong tương lai gần sản phẩm sẽ được tiếp tục nâng cao hơn để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của học sinh đam mê khoa học.
Thu Anh