Về Sóc Trăng xem đua ghe
Du lịch - Ngày đăng : 09:52, 25/11/2016
Chính vậy mà tính chất của cuộc đua ghe Ngo luôn hết sức quyết liệt. Cách thức đóng ghe Ngo (vốn là chỉ một thân gỗ độc mộc) là một bí quyết chỉ có các nghệ nhân biết, nhất là việc dằn cây cần câu ở giữa lườn ghe, phải bảo đảm cho chiếc ghe được dẻo dai, chắc chắn, chịu đựng được nhịp nhún đồng thời cùng với mỗi nhịp nhún của các tay đua thì mũi ghe cũng rướn tới. Tuk Ngo được làm từ gỗ tốt, hình thoi, chiều ngang rất hẹp trong khi chiều dọc lại rất dài, khoảng hơn 30 mét, khiến nó giống như cái mũi tên rẽ sóng trên mặt nước; phần mũi và phần lái đều cong lên trên, tạc hình rắn thần Naga và được trang trí với màu sắc sặc sỡ.
Mỗi ghe như thế có vài chục tay chèo (hoặc toàn nam, hoặc toàn nữ) khỏe mạnh tham gia. Họ ngồi dọc hai bên ghe và ra sức bơi chèo, nhịp nhàng thống nhất theo hiệu lệnh của người chỉ huy, để làm sao đó cho ghe bơi thật nhanh mà không bị lật. Vì Tuk Ngo là “linh vật” của từng phum, sóc, nên trước khi hạ thủy, các chùa đều tổ chức lễ cúng kiếng để “xin phép”. Sau khi kết thúc cuộc đua, ghe lại được đưa lên bờ, giữ gìn cẩn thận dưới mái che tại các chùa chờ cuộc đua tới. Để chuẩn bị tham gia đua ghe, từ nhiều tháng trước, các đội đã ra sức tập luyện, thời gian đầu thường tập trên “ghe giả” có khi chỉ là một cây gỗ dài được đóng giữ cố định trên kênh rạch, chủ yếu là tập thể lực và rèn nhịp bơi theo hiệu lệnh của đội trưởng. Trước khi đua khoảng một tuần, các vị sư mới làm lễ xin hạ thủy ghe thật là chiếc ghe sẽ được mang đi thi đấu với hy vọng giành được thắng lợi vẻ vang cho phum, sóc, để đội đua tập bơi thực sự trên sông nước.
Vào ngày diễn ra cuộc đua, bà con người Khmer và người Kinh cũng như các dân tộc khác kéo nhau đến đứng chật hai bên bờ sông, thậm chí dầm mình dưới nước cả ngày để xem, cổ vũ cho các “vận động viên”, bất chấp đó là “gà” nhà hay “gà” nơi khác, khí thế thật sôi nổi. Tại lễ hội, không thể thiếu dàn nhạc ngũ âm mà tiếng trống, tiếng cồng... hòa với tiếng hô - hụi của các đội đua khiến không khí cuộc đua càng thêm hào hứng, sôi nổi. Trong đua ghe Ngo, việc cầm lái, giữ lái để chiếc ghe đi đúng hướng, nhịp bơi của những mái dầm phải thật nhịp nhàng là những yếu tố quyết định đến chuyện thắng, thua, vì tốc độ đua rất cao, dễ bị lật, nhất là ở những khúc “cua”.
Mỗi ghe có từ 52 đến 58 “tuyển thủ”; ngồi ở mũi là một vị lão làng cầm chịch, giữa có người giữ nhịp bằng cồng hoặc bằng còi. Để được ngồi mũi, ngoài kinh nghiệm “thi đấu”, còn phải là người đã có nhiều đóng góp cho đội đua. Các ghe tự bắt cặp đua theo từng đôi, khi xuất phát hai chiếc ghe không ở lằn mức nào nhất định, hai bên cứ bơi chầm chậm lấy trớn tới cho đến lúc hai vị chỉ huy của hai bên đồng ý mới bắt đầu cuộc đua.
Khi đua, các ghe còn “so kè” đường nước, đặc biệt là kỵ nhất chuyện trước khi đua, ghe của đối thủ đụng mũi vào lườn ghe mình vì sợ đối phương “ếm bùa”, ghe khi đua có thể gãy làm đôi. Mấy năm qua, tỉnh Sóc Trăng thường xuyên tổ chức giải đua ghe Ngo vào dịp lễ Ooc Om Bok tại đoạn sông Sung Dinh trước nhà máy Pháp nằm trên đường Lý Thường Kiệt, với sự tham gia của các đội đua đến từ các huyện trong tỉnh và một số tỉnh bạn như Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang... Và dù được tổ chức theo phương thức là một môn thể thao “chính quy”, nhưng những tập tục có tính chất “tín ngưỡng” vẫn được duy trì nghiêm ngặt.
Bùi Văn Nghiệp / Duyên dáng Việt Nam