3 yếu tố tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản 2017
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 14:05, 24/11/2016
Tại tọa đàm giao lưu trực tuyến về chủ đề “Thị trường BĐS Việt Nam 2017: Xu hướng và dự báo” diễn ra ngày 24.11, trả lời câu hỏi của báo chí về 3 yếu tố thúc đẩy thị trường BĐS Việt Nam 2017, PGS.TS Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, với triển vọng thị trường BĐS 2017 thì sẽ có 3 yếu tố tạo lực đẩy tăng trưởng bền vững.
Thứ nhất là phát triển kinh tế ổn định. Năm 2017 được dự báo là phát triển kinh tế tốt hơn hai năm 2015 và 2016 khi tăng trưởng, lạm phát, xuất nhập khẩu, bội chi ngân sách đều được quản lý chặt chẽ hơn.
Thứ hai là các bên liên quan của thị trường BĐS đều đang có triển vọng rất tốt. Cụ thể là nợ xấu tiếp tục được xử lý rốt ráo, tín dụng đối với BĐS được phép tăng trở lại, nguồn vốn trong dân bắt đầu được dự báo sẽ đổ mạnh vào thị trường.
Và cuối cùng là chính sách và các vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước, định hướng, hỗ trợ thị trường. Ông Chung ví dụ việc xử lý rốt ráo nợ xấu và các doanh nghiệp có khả năng phá sản thì cho phá sản, theo hướng minh bạch thị trường. Quản lý nhà nước hướng tới minh bạch, ổn định, dự báo giúp doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiềm năng yên tâm đầu tư vào thị trường BĐS.
"Ngoài ra, về tình hình thế giới, xu thế là không có những đột biến hay bùng nổ mà chỉ là điều chỉnh để định hướng chính sách. Hơn nữa, Việt Nam vẫn nằm trong khu vực phát triển ổn định, không có những xung đột tiềm ẩn", ông Chung nói.
Ngoài 3 yếu tố trên,chính sách mở cửa cho người nước ngoài đầu tư vào BĐS Việt Nam cũng được xem là chìa khóa để thúc đẩy thị trường năm tới. Theo TS Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, với chính sách mở cửa cho người nước ngoài đầu tư vào BĐS thì trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang được xem là một trong những nước "cởi mở" nhất để thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS.
Đến nay, chính sách này đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường tìm hiểu thị trường BĐS Việt Nam và đã cải thiện tích cực cái nhìn của nhà đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư và thị trường BĐS Việt Nam. Tuy nhiên, theo TS Quang, để chính sách này mang lại hiệu quả hơn thì những văn bản quy định cụ thể cần phải được triển khai một cách tích cực và kịp thời.
Trước đó, đưa ra nhận định chung về thị trường năm tới, ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam từng khẳng định sẽ không có hiện tượng "bong bóng" BĐS trong thời gian tới. Theo ông MacGregor, sức mua trên thị trường BĐS Việt Nam hiện nay trong một quý đã bằng của Singapore cả năm, trừ khi sức mua rơi dưới 15% mới đáng quan ngại và lập tức phải có những cảnh báo cho toàn thị trường.
Ông cũng đưa ra dự báo dòng nhà ở cao cấp tiếp tục có nhu cầu tăng khá mạnh trong năm tới vì tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế được dự báo khả quan. Bên cạnh đó, lượng cung nhà ở thuộc phân khúc trung cấp cũng sẽ tăng năm 2017, nhưng nhìn chung cung - cầu sẽ cân bằng và thị trường vẫn mạnh khỏetrong vài năm tới.
Cũng theo lý giải của chuyên gia này, người tiêu dùng đang có nhiều nhu cầu, đặc biệt là tại TP.HCM. Việc cho người nước ngoài sở hữu nhà ở đang tạo nên sự khác biệt trên thị trường, đặc biệt là phân khúc cao cấp. Bởi khi họ đầu tư bằng tiền mặt thường hưởng tỷ suất sinh lời là 7-8% tại thị trường Việt Nam, trong khi ở nước họ chỉ 1-2%. Theo quan sát chung, thị trường đang xuất hiện xu hướng ngày càng có nhiều nhà đầu tư rót vốn vào nhà ở phân khúc trung cấp.
Trong khi đó, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, ông Marc Townsend, cũng từng dự báo trong 10 đến 15 năm tới, thị trường BĐS Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt như hiện nay hoặc hơn thế. Với nguồn dân số trẻ dồi dào, tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh, dòng vốn nước ngoài đổ vào BĐS mạnh, hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại luôn được đầu tư rộng khắp, hội nhập kinh tế sâu rộng và một nền chính trị ổn định... sẽ giúp cho thị trường địa ốc Việt Nam tăng trưởng bền vững.
Tuyết Nhung