Chống ngập giống như nấu một bữa cỗ!
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 08:19, 25/11/2016
Mùa mưa đã kết thúc, cũng là lúc thành phố cần nhìn lại cả một năm vừa qua để có thểthừa nhận rằng tình trạng ngập lụt đang trầm trọng hơn bao giờ hết. Điển hình là trận mưa lịch sử vào ngày 26.9, thống kê cho thấy toàn thành phố có 63 điểm ngập lụt! Do đâu mà tình trạng ngập lụt ngày càng gia tăng?
Báo cáo của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập đã lần lại lịch sử để thấy kể từ khi tiếp quản Sài Gòn vào năm 1975, thành phố đã có hiện tượng ngập lụt do hệ thống thoát nước dù còn tốt nhưng đã lạc hậu. Thế nhưng sau những nỗ lực phục hồi và nâng cấp hệ thống thoát nước trong giai đoạn 1991 -1995, TP.HCM vẫn chưa khi nào hết ngập, do tốc độ cải tạo, nâng cấp không thể đua được với tốc độ phát triển đô thị, các vi phạm trong xây dựng, ý thức bảo vệ môi trường, cộng thêm với những nguyên nhân khách quan như biến đổi khí hậu khiến mực nước biển dâng cao, trong khi cốt nền nhiều khu vực lại sụt lúnnghiêm trọng.
Theo tiến sĩ Phạm Văn Long, Phó Chủ tịch hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật Việt Nam, 70% diện ích TP.HCM nằm trên nền đất yếu với chiều dày của lớp đất bùn sét yếu phổ biến từ 15 – 40 mét. Lún ở TP.HCM có thể do khai thác nước ngầm quá mức hay tải trọng công trình tác dụng lên đất nền.
Nghiên cứu cho thấy nếu tiếp tục khai thác nước ngầm như hiện nay, đến năm 2050, nhiều nơi sẽ bị lún hơn 50 cm, riêng khu vực Bình Chánh có thể bị lún đến 100 cm. Hệ quả của sụt lún sẽ khiến vùng ngập và độ sâu ngập ngày càng lớn, hệ thống tiêu thoát nước bị lún không đồng đều làm thay đổi độ dốc, dẫn đến bồi lắng, tắc nghẽn. Lún không đều cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “hố tử thần”.
Về tác động của con người đối với ngập lụt, ông Long nhận định bên cạnh tốc độ đô thị hóa, việc san lấp nền và lấn chiếm kênh rạch cũng đang làm giảm khả năng tiêu thoát. Đồng thời, mực nước triều cường cũng dâng cao hơn do không gian chứa nước bị thu hẹp.
Nếu năm 1996, diện tích trữ nước tại TP.HCM chiếm khoảng 25% thì giờ đây chỉ còn 4% tổng diện tích. “Xây dựng công trình, cứng hóa mặt đất, giảm diện tích thảm xanh dẫn đến giảm khả năng thẩm thấu nước mưa và tăng hệ số dòng chảy, gây nên ngập do mưa ngày càng lớn”, ông Long kết luận.
Bàn về các giải pháp, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng cần điều chỉnh quy hoạch thủy lợi đang được áp dụng tại TP.HCM bao gồm quy hoạch 752 của quỹ JICA (Nhật Bản) tài trợ từ năm 2001, cũng như quy hoạch 1547 do Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2008. Các quy hoạch này còn vướng những hạn chế như chưa tính đến các yếu tố biến đổi khí hậu, đặc điểm địa chất, thổ nhưỡng, vv…
Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu thêm về quy hoạch đô thị trên vùng đất thấp, đặc biệt là những khu mới phát triển như Cần Giờ, Bình Chánh, Nhà Bè, Quận 2, Quận 9, vv… Có chuyên gia đề xuất nghiên cứu áp dụng mô hình đô thị vùng đất thấp ở Gold Coast – Australia, với hệ thống kênh đào xen kẽ giữa các dãy phố, giúp tăng khả năng tiêu thoát nước.
Tại hội thảo, một ý kiến nhận được sự tán đồng của cử tọa, đó là ý kiến của ông Đỗ Tiến Lanh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam. Ông Lanh cho rằng mọi bài tham luận đều rất đúng nhưng đều chung một khuôn mẫu là bàn về thực trạng, nguyên nhân, giải pháp. Tuy nhiên, cái cần bàn hơn chính là việc rà soát lại xem chúng ta đã làm được gì, đang làm gì và chuẩn bị làm gì, cái gì cần điều chỉnh lập tức, vv… nói cách khác là những gì mang tính thiết thực, cụ thể thay vì nặng tính lý thuyết mà khó áp dụng.
Cũng có ý kiến cho rằng chống ngập cũng như nấu một bữa cỗ, dù có đầy đủ mọi thành phần rồi nhưng cần phải biết đặt nồi gì lên bếp trước, hay chống ngập cũng như chống kẹt xe mà vấn đề lớn nhất của thành phố là thiếu một nhạc trưởng!
Kim Vân