Đồng USD tăng giá mạnh: Con ngáo ộp với nền kinh tế thế giới
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:54, 25/11/2016
Với chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, việc đồng bạc xanh tăng giá đang trở thành một con ngáo ộp thực sự với nhiều nền kinh tế trên khắp thế giới, từ Nhật Bản và Trung Quốc cho đến Liên minh châu Âu (EU) và Mexico cùng các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á.
Với những nền kinh tế lớn đang có thặng dư thương mại lớn với Mỹ như Trung Quốc và Nhật Bản, đồng USD tăng giá mạnh đang khiến tỷgiá đồng nội tệ/USD giảm nghiêm trọng và kéo theo nguy cơ có thể bị tân tổng thống Trump quy cho việc thao túng tỷgiá dẫn tới các biện pháp trừng phạt từ Mỹ.
Còn với những nền kinh tế đang phát triển, đồng USD tăng giá mạnh và Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất trong tháng tới đang khiến cho dòng tiền chảy ra khỏi thị trường của mình, còn tỷgiá đồng nội tệ thì chao đảo hơn bao giờ hết.
Hiếm khi nào mà việc đồng USD tăng giá mạnh mẽ lại gây ra một sự lo ngại đồng loạt trên khắp thế giới như những gì đang diễn ra ở thời điểm hiện tại. Đồng bạc xanh của Mỹ hiện đang có một trong những đợt tăng giá lớn nhất so với hầu hết các đồng tiền còn lại trên thế giới.
Chẳng hạn như với đồng euro, trong 10 phiên gần nhất đồng USD đã liên tục tăng giá và tiến sát tới mốc tăng giá so với đồng tiền của EU, đánh dấu chuỗi tăng dài nhất so với đồng euro kể từ năm 1999. Tỷgiá yen/USD hiện cũng đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời điểm ngày 30.5, còn tỷgiá nhân dân tệ/USD thì chạm đáy trong vòng 5 năm trở lại đây.
Đây hầu hết lại là các nền kinh tế đang có thặng dư thương mại khá lớn với Mỹ, và điều này đồng nghĩa với việc chính phủ của tân tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ liệt các quốc gia này vào danh sách các nước thao túng tỷgiá và áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Trong thời gian qua, không ít lần các quan chức ngân hàng tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều lên tiếng thanh minh rằng tỷgiá đồng nội tệ của họ so với USD giảm là vì đồng bạc xanh của Mỹ tăng giá quá mạnh chứ không phải các nước này tìm cách hạ tỷgiá.
Điều tương tự cũng đang diễn ra đối với các nền kinh tế mới nổi. Một sự lo lắng đang bao trùm lên các nền kinh tế này khi đồng USD vẫn đang tăng giá mạnh và không có dấu hiệu dừng lại, trong khi FED nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất ngay trong tháng 12 tới.
Theo Janathan Lewis, CIO của Fiera Capital, thì đồng USD tăng giá giống như một cơn sóng ngầm khiến các thị trường rơi vào bất ổn bởi nó sẽ khiến vốn chạy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi, ngoài racòn dẫn đến việc tăng nợ và buộc các ngân hàng trung ương phải vất vả bình ổn tỷgiá.
Theo thống kê, kể từ đầu năm đến nay các nền kinh tế mới nổi đã phát hành số nợ niêm yết bằng đồng USD lên tới 409 tỉ USD, và khi đồng USD tăng giá thì số nợ này sẽ tăng lên đáng kể.
Theo số liệu từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IIF) thì đã có khoảng 11 tỉ USD bị rút ra khỏi thị trường cổ phiếu và trái phiếu của các nền kinh tế mới nổi kể từ sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Kết quả là các đồng nội tệ đều giảm giá rất mạnh, peso của Mexico đã giảm 11% sau khi có kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, real của Brazil giảm 6,3%, ringgit của Malaysia giảm 4%.
Trong số các nền kinh tế mới nổi, quốc gia nào có lượng dự trữ ngoại hối lớn hơn được đánh giá là sẽ có nhiều khả năng thoát hiểm hơn trong dòng nước xoáy do đồng USD tăng giá hiện nay. Khi có quỹ dự trữ ngoại hối dồi dào hơn, các ngân hàng trung ương có nhiều điều kiện hơn để ổn định tỷ giá đồng nội tệ và nền kinh tế của mình hơn.
Theo đánh giá của Qũy tiền tệ quốc tế (IMF), hiện Thái Lan và Philippines đang có nhiều điều kiện thoát hiểm hơn do lượng dự trữ ngoại hối dồi dào đang sở hữu. Cụ thể, tính đến hết tháng 10.2016, dự trữ ngoại hối của Thái Lan đang đạt khoảng 163,3 tỉ USD, cao hơn so với mức cần thiết chỉ là khoảng 64,9 tỉ USD - theo tiêu chuẩn đánh giá Adequacy của IMF, bao gồm các yếu tố như nợ ngắn hạn, nhập khẩu và dòng vốn đầu tư. Philippines cũng đang sở hữu lượng dự trữ lên tới 84 tỉ USD so với mức cần thiết theo dự báo của IMF chỉ khoảng 31 tỉ USD.
Theo đánh giá của IMF, hiện Malaysia đang là quốc gia chịu đe dọa lớn nhất từ tình trạng đồng USD tăng giá. Đồng ringgit của Malaysia là một trong những đồng tiền có diễn biến tồi tệ nhất trong số các nền kinh tế mới nổi tại châu Á trong tháng 11. Malaysia hiện cũng đang chỉ có khoảng 100 tỉ USD dự trữ ngoại hối trong khi theo dự báo của IMF nợ nước ngoài ngắn hạn của nước này hiện lên tới 128,2 tỉ USD.
Ngoài Malaysia, thì Nam Phi, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ đang là các nền kinh tế bị đánh giá sẽ chịu nhiều tổn thất nhất trong giai đoạn biến động tỷgiá hiện nay, chủ yếu cũng là do lượng dự trữ ngoại hối không đủ do không lường trước được kịch bản đồng USD tăng giá quá mạnh này.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg/CafeF)