TP.HCM: Người nhiễm vi rút Zika tăng lên từng ngày
Sự kiện - Ngày đăng : 19:28, 29/11/2016
Đã có thai phụ nhiễm Zika bỏ thai
Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho hay hiện TP đã ghi nhận 85 ca nhiễm vi rút Zika, trong đó ca 9 thai phụ. Điều đang lo ngại, trong thời gian qua, nhiều phụ nữ đến khám thai đều muốn tầm soát vi rút Zika, một số thai phụ mang thai phát hiện nhiễm vi rút Zika muốn kết thúc thai kỳ.
Theo Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) hiện bệnh viện này đang theo dõi, quản lý 9 trường hợp mang thai nhiễm Zika, trong đó có 1 thai phụ sẩy thai tự nhiên, 1 thai phụ xin bỏ thai, 1 thai phụ sinh em bé chậm tăng trưởng.
Báo cáo tại buổi làm việc với Ban Văn hóa xã hội, Hội đồng Nhân dân TP.HCM về tình hình chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhiễm vi rút Zika vào chiều nay (29.11) bác sĩ Phạm Thanh Hải – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Từ Dũ cho biết trường hợp xin bỏ thai không chỉ đơn thuần là do thai phụ nhiễm Zika mà do việc mang thai này ngoài ý muốn. Riêng trường hợp 1 thai phụ vừa sinh cháu bé có dấu hiệu chậm tăng trưởng không phải do ảnh hưởng của vi rút Zika mà thai nhi này đã có dấu hiệu chậm tăng trưởng trước khi nhiễm Zika.
Theo ông Hải, trong thời gian qua có rất nhiều phụ nữ đến khám thai muốn tầm soát Zika, có nhiều người còn yêu cầu được chi tiền để tầm soát Zika. Có những thai phụ chỉ thấy sốt hay có dấu hiệu hồng ban cũng đòi xét nghiệm Zika. Điều này khiến cho bệnh viện phải tư vấn,truyền thông rất nhiều.
“Trong tháng 10 vừa qua, bệnh viện có 26.240 người đến khám thai chúng tôi chỉ thực hiện lấy mẫu cho 6 trường hợp đủ tiêu chuẩn để xét nghiệm.Tuy nhiên, trong 6 mẫu nghi ngờ nhiễm vi rút Zika này có duy nhất 1 mẫu dương tình với vi rút Zika. Như vậy cho thấy tỷ lệ thai phụ nhiễm vi rút Zika ở đây là rất thấp, chỉ có 0,004%. Do đó, các thai phụ không nên quá lo lắng, cứ đòi xét nghiệm Zika”, ông Hải nói.
Rất khó lây nhiễm vi rút Zika
Bác sĩ Lê Quang Thanh - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho rằng nhiều thai phụ cứ nghĩ vi rút Zika ăn lên não, gây dị tật đầu nhỏ ở thai nhi nên tỏ ra hoang mang, lo sợ.
“Thật ra Zika tác động lên thai kỳ không nguy hiểm bằng rubella. Không phải cứ thai phụ nhiễm Zika thì thai nhi nhiễm Zika, ngay cả thai nhi nhiễm Zika chưa chắc đã bị dị tật đầu nhỏ. Những thai phụ nhiễm Zika khi chọc nước ối phát hiện nhiễm Zika cũng chưa chắc em bé sinh ra bị hội chứng Zika bẩm sinh. Dó đó, các thai phụ nhiễm Zika cứ tiếp tục theo dõi theo kỳ, không có lý do gì phải lo sợ xin kết thúc thai kỳ cả”, ông Thanh khuyên các thai phụ nhiễm Zika.
Các thai phụ tìm đến bệnh viện để được tư vấn về vi rút Zika
Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, vấn đề hiện nay của các bệnh viện là làm tốt công tác chống nhiễm khuẩn để tránh lây bệnh vi rút Zika. Các bệnh viện phải hằng ngày phun xịt thuốc diệt muỗi trong các khoa, phòng, phun xịt hóa chất xung quanh bệnh viện...
Tuy nhiên ông Châu cho rằng vi rút Zika không dễ lây nhiễm như nhiều người nghĩ. Không phải cứ muỗi chích người nhiễm vi rút Zika rồi chích sang người lành kế bên là người ấy nhiễm vi rút Zika đâu.
“Muỗi lây truyền vi rút Zika là muỗi Aedes, khi muỗi này chích người nhiễm vi rút Zika thì vi rút này cần khoảng 10 ngày tồn tại trong cơ thể của muỗi để sinh sôi, phát triển, sau đó muỗi chích sang người lành khác mới lây nhiễm vi rút Zika. Trong thời gian 10 ngày, nếu vì lý do nào đó con muỗi bị chết thì sẽ không có khả năng lây truyền cho người lành khác. Có thể nói việc lây nhiễm vi rút Zika là rất khó”, bác sĩ Châu giải thích.
Bệnh nhân được điều trị miễn phí
Liên quan đến đến vấn đề kinh phí phòng chống và điều trị cho bệnh nhân nhiễm Zika, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biếttrước mắt TP sẽ lo toàn bộ chi phí phí xét nghiệm, điều trị cho bệnh nhân nhiễm vi rút Zika nên chưa tính đến việc chi trả của bảo hiểm y tế.
“Đây là dịch bệnh mới nổi nên TP.HCM sẽ lo toàn bộ chi phí đến khi nào bệnh nàyđược xem là bệnh thông thường như các bệnh truyền nhiễm khác sẽ tính đến chuyện có hay không thu tiền điều trị”, ông Thượng cho hay.
Riêng một số bệnh viện có nhu cầu cần một lượng lớn hóa chất để thực hiện công tác phòngchống dịch bệnh vi rút Zika, ông Thượng cho biết trong trường hợp các bệnh viện cần nguồn hóa chất lớn, chi phí lên đến hơn 500 triệu đồng (theo quy định là phải đấu thầu) ngành y tế vẫn có thể linh hoạt giúp các bệnh viện bằng cách chỉ định thầu, tránh gây mất thời gian, ảnh hưởng đến việc phòng chống dịch.
Ông Thượng cũng cho biết trong lúc này việc phòngchống lây nhiễm vi rút Zika mới là điều quan trọng, chứ không phải điều trị căn bệnh này. Do đó, hôm qua (28.11) Sở Y tế đã đề nghị các cơ sở y tế phải chuyển mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm vi rút Zika đến Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM để đơn vị này chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM hoặc Viện Pasteur TP thay vì trước đâycác cơ sở y tế lấy mẫu bệnh phẩm chuyển thẳng về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
“Việc làm này giúp cho y tế dự phòng sớm nắm bắt được ca nhiễm vi rút Zika để có phương án tổ chức phòngchống dịch bệnh tại nơi bệnh nhân cư trú. Nếu làm như trước đây chuyển thẳng về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, khi có kết quả bệnh viện này báo cho cơ sở y tế lấy mẫu bệnh phẩm, sau đó mới tới Trung tâm Y tế dự phòng làm chậm thời gian phòngchống dịch bệnh thì sẽ không có hiệu quả”, ông Thượng nói.
Hồ Quang