Ngành điện gió Việt Nam sắp được 'cởi trói'?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:16, 02/12/2016
Tuy nhiên, một trong những vấn đề cốt lõi đang khiến cho năng lượng tái tạo không thể cất cánh được, đó là giá mua điện gió để hòa vào lưới điện quốc gia còn quá thấp, chỉ ở mức 7,8 cent/kwh, mà theo các DN là không đủ chi phí. Nút thắt đó sắp được gỡ bỏ khi Bộ Công Thương khẳng định sẽ sớm điều chỉnh giá mua điện gió.
Nội dung này được ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và Năng lượng Tái tạo, Bộ Công Thương nêu ra tại buổi hội thảo Năng lượng gió Việt Nam, do Đại sứ quán Đan Mạch phối hợp với công ty Vestas chuyên cung cấp các giải pháp về điện gió tổ chức. Ông Thực cho biết, phương án tăng giá mua điện gió đã được trình chính phủ phê duyệt vào tháng 11, dự kiến sẽ được áp dụng chậm nhất vào đầu năm 2017.
Cùng với việc điều chỉnh tăng giá mua điện gió, đại diện Vụ Năng lượng mới cũng chỉ ra một số vấn đề cần khắc phục để có thể khuyến khích sự tham gia của các DN điện gió. Đó là thiết bị còn phải nhập khẩu, chưa được sản xuất tại chỗ nên giá cao; lãi suất ngân hàng đang ở mức 9 – 10%/năm là rất cao, trong khi vốn đầu tư cho một dự án điện gió rất lớn; nhân lực chuyên môn cho ngành điện gió còn thiếu và yếu, cần phải được đào tạo thêm; ý thức về việc sử dụng năng lượng tái tạo còn chưa cao.
Ngành điện gió tại Việt Nam hiện đang nhận được sự quan tâm của các DN Đức, Đan Mạch, vốn là những nước đi đầu trong lĩnh vực khai thác nguồn năng lượng tái tạo. Theo ông Henrik Breum, Cố vấn cấp cao của Trung tâm hợp tác Quốc tế, Cục Năng lượng Đan Mạch, quốc gia này 20 năm trước đây hoàn toàn phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch cho đến khi xảy ra cuộc khủng hoảng nhiên liệu vào năm 1993. Vào thời đó, kinh tế Đan Mạch chịu tác động lớn do lệ thuộc vào khí đốt. Người dân thậm chí còn bị cấm lái xe.
Nhưng giờ đây, Đan Mạch đã trở thành nước duy nhất trên toàn thế giới sử dụng 100% năng lượng tái tạo, với nguồn điện đến từ gió và sinh khối.
“Việc chuyển từ năng lượng rẻ tiền là khí đốt sang năng lượng tái tạo giúp cho nền kinh tế phát triển xanh. Hơn nữa, mỏ dầu ở khu vực biển Bắc sớm muộn gì thì cũng hết”, ông Henrik Breum nói.
Theo số liệu của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu, Trung Quốc hiện đang đứng đầu thế giới là nước có tỉ lệ lắp đặt mới các dự án điện gió trong năm 2015 khi chiếm 48%, bỏ xa nước ở vị trí kế tiếp là Mỹ với 13%, tiếp đến là Đức, Brazil, Ấn Độ.
Tổng thư ký Hội đồng năng lượng gió, ông Steve Sawyer hy vọng việc phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ như hiện nay sẽ giúp giảm 1,3 tỷ tấn carbon vào năm 2020, hoàn thành được mục tiêu đặt ra của Hiệp định Paris, đưa lượng khí thải về 0% trước năm 2050.
Kim Vân