Vấn đề của ông Donald Trump: Người lao động Mỹ cần việc làm hay cần tăng lương hơn?
Quốc tế - Ngày đăng : 09:09, 05/12/2016
Donald Trump đang bắt tay vào thực hiện các lời hứa trong quá trình tranh cử của mình, dù vẫn chưa chính thức nhậm chức, khi thành tựu đầu tiên của vị tân tổng thống là đã thuyết phục được một nhà máy sản xuất điều hòa không khí cho công ty Carrier Corp tại bang Indiana đồng ý giữ lại khoảng hơn 1.000 việc làm thay vì chuyển sang Mexico. Dù đây chỉ là một con số nhỏ, nhưng nó mang ý nghĩa biểu tượng cho thấy Donald Trump hoàn toàn nghiêm túc trong việc thực hiện lời hứa đem việc làm quay trở lại Mỹ của mình. Một lời tuyên bố gần như một tối hậu thư dành cho các công ty Mỹ đã và đang chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài đã được ông Trump đưa ra trong chuyến thăm nhà máy điều hòa ở Indiana: “Chúng tôi cho họ thấy rằng sẽ có 2 tình huống. Thứ nhất chúng tôi sẽ đối đãi tốt với họ, còn thứ hai là sẽ gánh chịu hậu quả. Họ sẽ bị đánh thuế rất nặng nề tại biên giới nếu họ muốn rời đi”. Việc làm có vẻ như sẽ quay trở lại Mỹ rất nhiều trong khoảng thời gian tại vị sắp tới của Donald Trump. Nhưng, liệu người lao động Mỹ có cần thêm việc làm, hay là họ muốn được tăng lương hơn?
Bản báo cáo việc làm tháng 11 vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố đang chỉ ra một khía cạnh thực sự của vấn đề chủ yếu trên thị trường lao động nước này, đồng thời cũng là bài toán hóc búa cho tân tổng thống Donald Trump: Nước Mỹ đang không hề thiếu việc làm. Một con số thống kê được ban vận động tranh cử của bà Hillary Clinton đưa ra trước đây đã xác nhận một thực tế rằng, tính đến giữa năm 2016 đã có khoảng 15 triệu việc làm mới được tạo ra tại Mỹ sau cuộc khủng hoảng 2007-2008. Điều này khiến cho tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tại thời điểm đó đạt mức thấp kỷ lục là 4,9% - ngang bằng với tỷ lệ thất nghiệp thời điểm năm 2007, trước khi cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ diễn ra. Nói cách khác, trong vòng 8 năm cầm quyền của tổng thống Barack Obama, nước Mỹ đã khôi phục được ít nhất là về số lượng việc làm đã mất đi do cuộc khủng hoảng kép 2007-2008 gây ra.
Những con số thống kê trong bản báo cáo việc làm tháng 11.2016 cũng khẳng định điều này. Trong tháng 11 đã có khoảng 178.000 việc làm mới được tạo ra, khiến cho mức bình quân 3 tháng gần nhất đạt tới 176.000 việc làm mỗi tháng. Đây là một con số rất khả quan, và nó đang kéo tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ xuống mức thấp kỷ lục, hiện chỉ còn khoảng 4,6% - thấp hơn khá nhiều so với năm 2007. Nói cách khác, người lao động Mỹ không hề thiếu việc làm ở thời điểm hiện tại, mà họ chỉ thiếu việc làm toàn thời gian và đặc biệt là có mức lương cao mà thôi. Báo cáo việc làm tháng 11 xác nhận điều này, khi thu nhập theo giờ của người lao động Mỹ trung bình đã giảm 0,1% so với tháng 10, đưa tốc độ tăng trưởng thu nhập tại Mỹ hiện chỉ đạt mức 2,5% so với cùng kỳ 2015, trong khi mức dự báo trước đó là tăng 3,5%.
Nói cách khác, bài toán dành cho tổng thống Donald Trump hiện tại và trong tương lai không phải là ở việc tìm cách tạo ra thêm nhiều việc làm mới, mà là tạo ra thêm nhiều việc làm mới có thu nhập cao hơn. Theo thống kê của Bộ Lao động Mỹ, hiện đang có khoảng 7-8 triệu lao động đang phải làm công việc bán thời gian và muốn có một công việc toàn thời gian cho thu nhập khá hơn. Trong khi đó phần lớn người lao động đang có một công việc toàn thời gian vẫn muốn tìm một công việc khác có thu nhập cao hơn. Việc Donald Trump tìm cách giữ chân và lôi kéo các công ty Mỹ chuyển nhà xưởng sản xuất về nước chỉ giải quyết được vế đầu tiên và đơn giản nhất của bài toán: tạo ra các công việc toàn thời gian nhiều hơn, nhưng chưa giải quyết được vế thứ hai và quan trọng nhất: tìm ra biện pháp tăng lương cho phần lớn người lao động Mỹ. Bản thân ông Trump cũng đã không ít lần chê bai rằng số việc làm mới và tốc độ tăng lương dưới thời tổng thống Obama là quá kém cỏi, và lẽ ra phải lớn hơn thế rất nhiều, nên sức ép giờ đây đang là rất lớn đối với vị tân tổng thống.
Về lý thuyết, việc giữ chân và kéo các công ty Mỹ chuyển nhà xưởng sản xuất về nước bằng cách giảm thuế cũng như những ưu đãi về pháp lý đúng là có thể giúp tăng thu nhập cho người lao động. Khi được giảm thuế các công ty sẽ có thêm điều kiện tăng cường đầu tư nâng cao năng suất, đặc biệt là khi giá nhân công tại Mỹ cao hơn nhiều so với ở nước ngoài. Nhưng điều đó phải cần thời gian. Ngoài ra, có khá nhiều lĩnh vực mà các biện pháp giảm thuế và hỗ trợ pháp lý của tân tổng thống Trump không có nhiều tác dụng, như xây dựng và khai thác dầu thô (đặc biệt là dầu đá phiến). Để tạo việc làm và tăng lương cho hàng triệu lao động tại các lĩnh vực này, đòi hỏi chính phủ Mỹ phải có những gói kích thích thông qua các chương trình xây dựng hạ tầng (đối với ngành xây dựng), hoặc phải chờ đợi vào diễn biến tốt của thị trường thế giới (đối với ngành khai thác dầu đá phiến).
Nhàn Đàm (theo Bloomberg/CafeF)