Ô nhiễm và kẹt xe ở TP.HCM nhìn từ góc độ ý thức người dân
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 09:54, 19/12/2016
Kẹt xe ở nội thành
Đa số tình trạng kẹt xe hiện nay ở TP.HCM diễn ra ở nội thành, tập trung chủ yếu ở các cổng trường. Giờtan trường của học sinh trùng với giờ tan ca hành chính công sở nên tình trạng xe máy xen lẫn xe ô tô cứ nối tiếp nhau ùn ứ gây kẹt xe. Giao thông ở các cổng trường trở nên khó khăn khi nhiều phụ huynh đỗ xe dưới lòng đường để chờ đón con, mạnh ai nấy đứng. Văn hóa giao thông kém cộng với ý thức người tham gia giao thông còn nhiều yếu điểm dẫn đến tình trạng kẹt xe ngày một trầm trọng hơn. Có thể thấy, đa số các trường học ở nội thành Sài Gòn đều gắn liền với các trục đường chính, huyết mạch lưu thông đi ra các quận lân cận.
Chẳng hạn, Trường tiểu học Trần Hưng Đạo mặt tiền hướng ra đường Trần Hưng Đạo, Trường THCS Cầu Kiệu trên đường Phan Đình Phùng… vào giờcao điểm gây nên tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, giao thông khó khăn. Và muốn trở về nhà ở các quận như Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp… từ trung tâm Q.1, người dân sẽ đi qua một số tuyến đường là đường Hai Bà Trưng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Thành Thái, Lý Thường Kiệt… nhưng trên những trục đường này thường có các trường học, chợ nên tình trạng kẹt xe là không tránh khỏi.
Vấn đề kẹt xe nguyên nhân chủ quan một phần do ý thức của người dân nhưng phần lớn do một nguyên nhân khách quan khác chính là không gian đỗ xe dành cho phụ huynh ở nhiều trường học không có, đặc biệt là trường THCS Cầu Kiệu (Q.Phú Nhuận), cổng trường sát với mặt đường Phan Đình Phùng.
Cạnh đó, ý thức chấp hành luật giao thông của nhiều phụ huynh còn kém khi không đội mũ bảo hiểm cho các em, chở hai hoặc ba em cùng một lúc… Những hình ảnh nàythường thấy ở các cổng trường, phụ huynh vô tình tiếp tay làm xấu hình ảnh của người lớn trong mắt các em. Trường THCS Minh Đức (Q.1) cũng là một trường hợp tương tự, đáng nói hơn trường Minh Đức có một khoảng vỉa hè ngay trước cổng trường nhưng nhiều phụ huynh vẫn vô tư đứng dưới lòng đường đón con để thuận tiện di chuyển, mặc cho dòng người tan ca đang đổ xô hướng về Q.7.
Anh Phan Minh Chí, 48 tuổi, Q.1 chia sẻ: “Ngày nào vào giờ tan ca nơi đây (trước Trường THCS Minh Đức) cũng kẹt xe vì đa số phụ huynh chờ xe dưới lòng đường chiếm hết gần 1/3 diện tích đường, nhưng đường Nguyễn Thái Học là một trong các con đường duy nhất đi về Q.7 nên sau mỗi giờ tan ca phương tiện đi qua đường này rất đông”.
Theo nhiều phụ huynh, nguyên nhân của kẹt xe chủ yếu do không gian chật hẹp trước cổng trường cộng với lưu lượng xe cộ quá lớn. Bên cạnh đó, thời gian đưa đón học sinh đi học trùng với thời gian tan ca công sở nên tình trạng kẹt xe vẫn đang diễn ra hàng ngày. Đa số các trường học ở TP.HCM đều có một cổng ra vào duy nhất, số lượng học sinh đông khi tan trường, nhiều bậc phụ huynh ý thức kém đã gây nên tình trạng ùn tắc ngày càng trầm trọng hơn.
Ô nhiễm môi trường “nặng”
Dạo một vòng quanh các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM, không khó để phát hiện tình trạng rác thải dồn đống, ùn ứ ở nhiều nơi, đặc biệt ở các tuyến kênh. Nhiều kênh bị rơi vào tình trạng hôi thối, nước đen như than, túi ni lông nổi lềnh bềnh, đó là chưa kể cá chết và thở ngoi ngóp. Thậm chí, có nơi cá và các sinh vật khác không sống được, các kênh ở TP.HCM đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn ảnh hưởng đến mỹquan đô thị và môi trường sống của người dân. Cách cầu vượt Tân Thới Hiệp vài trăm mét, cầu Trường Đai từ lâu đã trở thành một điểm nóng về ô nhiễm cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Dọc tuyến cầu Trường Đai, nhiều nhà máy từ nhuộm, tái chế cho đến chế biến thực phẩm cộng với rác thải từ khu chợ tạm gần đó đã làm cho môi trường nơi đây ô nhiễm trầm trọng. Dòng kênh đen ngòm, bốc mùi hôi thối, không có sinh vật sinh sống cộng với lượng nước và rác thải hàng ngày vẫn đổ ra từ các hộ dân dọc tuyến kênh đã đẩy tình trạng cầu Trường Đai ô nhiễm ngày càng nặng.
Ở TP.HCM, ý thức và thói quen của người dân mặc dù đã được định hướng nhưng tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn tập trung ở nhiều nơi. Anh Nguyễn Thế Thương, sống gần cầu vượt Tân Thới Hiệp ở Q.12 cho biết: “Sống ở đây ruồi muỗi nhiều, đặc biệt là mùi hôirất khó chịu. Những ngày cuối tuần, tôi hay dẫn con đi chơi để tránh mùi hôi bốc lên từ con kênh. Không có tiền nên gia đình tôi phải sống chung với ô nhiễm vậy, chứ không đã chuyển đi nơi khác như nhiều gia đình khác”.
Nhiều kênh rạch ở Sài Gòn đang ô nhiễm nặng nề với nạn xả rác khiến sự đầu tư cải tạo nhiều dòng kênh cũng trở nên thiếu tác dụng. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một điển hình. Con kênh lớn đang bị ô nhiễm lên mức báo động ở nhiều phân khúc và dù đã được triển khai quét dọn thường xuyên nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không dừng lại. Nhiều con kênh nhỏ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, bốc mùi hôi thối, nước đen và đầy rác thải… Môi trường bị ô nhiễm là một tình trạng không mới nhưng đã đặt ra nhiều câu hỏi cho nhà quản lý, đó không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn cần sự chung tay của cộng đồng. Nói chung là từ sự ý thức của người dân.
Lâm Vy /Duyên dáng Việt Nam