Đẩy nhanh việc giảm doanh nghiệp nhà nước, tăng nhanh doanh nghiệp tư nhân
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 20:32, 06/12/2016
Giảm từ 6.000 xuống còn 718 DNNN
Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 diễn ra vào chiều 6.12, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho biết, sau 15 năm sắp xếp lại, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã giảm mạnh về số lượng, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp kém hiệu quả, doanh nghiệp ở các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ.
Cụ thể, năm 2001 cả nước có khoảng 6.000 DNNN, dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực, đến năm 2011 xuống còn 1.369 DNNN,đến hết tháng 10.2016 chỉ còn 718 DNNN, tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực.
Theo báo cáo ông Hà nêu, doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo cơ chế thị trường; bảo đảm công khai, minh bạch, có hiệu quả, tránh thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.
Qua đó, thực hiện xã hội hóa và phân bổ lại theo cơ chế thị trường các nguồn lực của Nhà nước về nhân lực, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, các yếu tố về độc quyền tự nhiên và lợi thế khác để tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân, tạo động lực nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ông Lê Mạnh Hà cũng cho biếtviệc thoái vốn đạt được một số kết quả, tuy nhiên việc thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh mới đạt 42% kế hoạch, gặp rất nhiều khó khăn do thị trường không thuận lợi. Việc thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng còn phụ thuộc vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, một số bộngành, địa phương chưa tích cực, chủ động, chưa quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN. Giai đoạn 2016 - 2020 nhiệm vụ tái cơ cấu còn nặng nề với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các bộngành, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước phải tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp tích cực mới để đạt mục tiêu đề ra.
Cố tình định giá thấp trong cổ phần hóa
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biếtviệc cổ phần hóa chậm là do tâm lý người đứng đầu DNNN muốn làm một “ông chủ giả” bằng tiền nhà nước.
“Là một ông chủ giả bằng tiền nhà nước vẫn khỏe hơn là tự bỏ tiền ra kinh doanh. Nên nếu thiếu sự quyết tâm nội tại, lãnh đạo doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, tự giác thì sẽ dẫn đến trị trệ” – ông Trần Quang Nghị cho hay.
Theo ông Nghị, các DNNN chỉ có mục tiêu nhẹ nhàng là bảo toàn vốn nhà nước thôi, không có yêu cầu cụ thể về cổ tức, về tốc độ tăng trưởng, về tiền lương người lao động. Trong khi đó việc bảo toàn vốn cũng rất lạc hậu rồi. Chỉ cần không lỗ, không gây ra gì quáđáng thì cũng vẫn tồn tại được ở vị trí “ông chủ giả” của nhà nước.Điều này tạo ra tâm lý không muốn đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa để trở thành người làm thuê thật sự, làm việc đáp ứng chỉ tiêu mà cổ đông giao. Đề nghị tất cả những “ông chủ giả” hết sức chia sẻ với Chính phủ trong thời gian hiện nay, phải đẩy nhanh quá trình này để cho nhà nước bớt lo, tập trung phát triển kinh tế.
Theo ông Nghị, muốn cổ phần hóa nhanh thì hô hào thôi chưa đủ, nên chăng Chính phủ phải có những “đặc phái viên” đưa xuống doanh nghiệp thúc đẩy quá trình này, vướng gì Chính phủ gỡ luôn, kịp xử lý trì trệ, ách tắc thì sẽ tốt hơn cho tốc độ cổ phần hóa.
“Coi doanh nghiệp như một cái nhà thì trước khi bán chúng ta phải sơn sửa lại cho đepcho tốt, sẽ bán với giá tốt nhất ra thị trường. Chứ hiện nay có một số “ông chủ nhà” đang cố tình làm cho cái nhà đó xấu đi, giấu lợi thế để bán giá thấp cho nhóm lợi ích. Chính phủ hết sức lưu ý chuyện này. Nếu không có người trách nhiệm giám sát, hỗ trợ doanh nghiệp thì sẽ dễ gây thất thoát trong quá trình bán” – ông Nghị nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đề xuất 4 nội dung: Những doanh nghiệp nào nhà nước không cần nắm giữ thì khi cổ phần hóa nên bán toàn bộ 100% vốn; đề nghị sớm sửa đổi một số quy định hiện hành về cổ phần hóa, tiêu chí phân loại DNNN; khi cổ phần hóa cần có chế độ đãi ngộ phù hợp đối với người lao động muốn nghỉ hưu trước tuổi...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, thứ nhất làphải tìm nguyên nhân vì sao thoái vốn nhà nước tại DN và cổ phần hóa lại thấp như vậy, và thứ hai, phải trả lời cho được một cách thẳng thắn giải pháp nào để thoái vốn và cổ phần hóa DNNN trong thời gian tới tốt nhất, để bảo đảm lợi ích của Nhà nước tốt nhất, huy động xã hội tốt nhất, lợi ích sau cổ phần hóa.
Thủ tướng cho rằngcần xác định doanh nghiệp nào Nhà nước cần nắm giữ 100% và cổ phần chi phối, doanh nghiệp nào không cần nắm cổ phần chi phối.Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc phải có hướng xử lý đối với đất đai trong quá trình cổ phần hóa. Việc sắp xếp, giải thể các DNNN làm ăn thua lỗ kéo dài, xử lý các dự án đắp chiếu ra sao cũng cần phải bàn kỹ. Bên cạnh đó là việc thực hiện sắp xếp lao động dôi dư trong quá trình thực hiện cổ phần hóa DNNN...
Trí Lâm