Thủ tướng: ‘Lợi ích cục bộ là rào cản lớn nhất trong cổ phần hóa’

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 06:21, 07/12/2016

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc cổ phần hóa chậm do vướng mắc về thể chế, về cách làm… nhưng lợi ích cục bộ và chưa tạo được động lực chính là một trong những rào cản lớn nhất.

Mới cổ phần hóa được 8% số vốn

Kết luận Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 ngày 6.12, Thủ tướng nêu rõ, tài sản và vốn ở DNNN có hơn 5 triệu tỉ đồng, trong khi tỉ lệ nợ công còn cao, cần huy động vốn xã hội vào đầu tư, nhất là làm những công trình hạ tầng quan trọng, giảm nợ công xuống thông qua huy động vốn xã hội.

Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại DNNN thời gian qua chưa được bao nhiêu, vẫn nhỏ lẻ. Cụ thể, mới chỉ thoái vốn 5 lĩnh vực, đạt 42%, tức là còn 58% chưa thoái vốn và mới cổ phần hóa số vốn được 8%, tức là còn 92% là hoàn toàn vốn Nhà nước trong DNNN.

Thủ tướng cho rằng nguyên nhân khách quan là vướng mắc về thể chế, về cách làm. Nhưng bên cạnh đó, cũng có một số nguyên nhân chủ quan mà vướng mắc lớn nhất là lợi ích và động lực. Lợi ích cục bộ chính là rào cản lớn đối với tiến trình cổ phần hóa, chưa tạo được động lực thực sự để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn.

Bên cạnh đó, đề án xây dựng đã chậm, nhưng duyệt cũng chậm, rồi sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trong cổ phần hóa, hoàn thiện thể chế, rồi một số chính sách chưa chặt chẽ, chưa ăn ý, chưa kịp thời. Năng lực quản lý điều hành của cán bộ DNNN chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đòi hỏi.

Công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát nội bộ, đánh giá đối với DNNN chưa có hiệu quả, còn hình thức, chưa minh bạch; mô hình, tổ chức, cơ chế thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước còn phân tán, thiếu chuyên nghiệp, phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn nhiều vướng mắc, lúng túng.

Theo Thủ tướng, để tái cơ cấu DNNN hiệu quả, cần tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy cổ phần hóa và tạo môi trường cạnh tranh, cả thị trường đầu vào và đầu ra trong hoạt động của DNNN.

“Sự yếu kém của DNNN là bởi lãnh đạo DNNN không phải là chủ sở hữu thật nên ít có động lực cao độ để làm việc hiệu quả và cũng không bị giám sát chặt chẽ bởi chủ sở hữu hay thị trường như trường hợp doanh nghiệp tư nhân. DNNN thường hoạt động trong môi trường ít cạnh tranh, cả thị trường đầu vào và đầu ra” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu khu vực DNNN phải nhỏ đi, từng DNNN phải mạnh nhưng hiệu quả phải cao hơn. Vốn nhà nước phải phát huy tác dụng tốt hơn.

Đừng để "sân trước, sân sau"

Trong giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng chỉ đạo, lĩnh vực không ai làm hoặc độc quyền tự nhiên… thì Nhà nước nắm giữ và có vai trò chi phối. Những lĩnh vực còn lại, Nhà nước cần rút ra theo tỉ lệ phù hợp hoặc 100% để thị trường phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.

Thủ tướng nhấn mạnh phải lành mạnh hóa hoạt động của doanh nghiệp, giải quyết tốt những vướng mắc, mâu thuẫn có thể là rào cản đối với tiến trình cổ phần hóa. Giao trách nhiệm cá nhân cho lãnh đạo từng bộ, ngành, địa phương phải thực hiện được lộ trình như trên trong quá trình chuẩn bị cổ phần hóa.

“Tôi xin nói lại bộ nào, chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn nào không làm, làm chậm và làm thất thoát thì phải xử lý” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trong quá trình sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, mục tiêu quan trọng nhất là phải bảo đảm lợi ích cao nhất cho Nhà nước, nghĩa là bán đúng giá trị thị trường thời điểm bán. Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng cho rằng cần mời tư vấn quốc tế và trong nước có uy tín, trình độ tham gia vào quá trình này. Các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty cần có cơ chế đột phá trong quy định thuê tư vấn, xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý công nợ, phương thức chào bán theo hướng đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước, kể cả thương hiệu.

“Yêu cầu DNNN cổ phần hóa phải niêm yết trong thời hạn 1 năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu. Ý là phải công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, tăng cường thanh tra, kiểm tra, mù mờ là không được. Chúng ta để thất thoát tài sản nhà nước là có lỗi với nhân dân, với đất nước” – Thủ tướng cho hay.

Về nhiệm vụquản trị sau cổ phần hóa, Thủ tướng cho rằng cần xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả phù hợp trong mỗi nhóm DNNN; gắn cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, bãi miễn, đãi ngộ cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh; áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế, hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, đặc biệt là kiểm soát rủi ro; hoàn thiện quy trình thủ tục về đầu tư mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ nếu Nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Bên cạnh đó, cần thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, kiên quyết và xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường, tăng cường quản lý giám sát chặt chẽ việc vay nợ và sử dụng vốn vay của DNNN, nhất là vay nợ nước ngoài, hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới.

“Nhân đây, tôi nói với các đồng chí một lần nữa rằng đến nay, ta vẫn còn gần 100 tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn, chiếm giá trị từ 70-100% vốn nhà nước. Chúng ta phải tăng cường quản lý tốt nhất, đừng để “sân trước, sân sau” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Trí Lâm

Trí Lâm