Chế độ đãi ngộ thấp, TP.HCM thiếu 800 giáo viên mầm non
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:22, 08/12/2016
Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa 9, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề xung quanh kết quả giám sát chuyên đề việc triển khai Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐND về hỗ trợ giáo dục mầm non trên địa bàn TP.
Tập trung cho giáo dục mầm non
Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Thi Thị Tuyết Nhung, việc ban hành Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐND về hỗ trợ giáo dục mầm non trên địa bàn TP đã tạo điều kiện thuận lợi và tác động mạnh mẽ đến các ngành, các cấp trong phối hợp chăm lo giáo dục phát triển toàn diện cho trẻ em mầm non…
Cụ thể, việc tổ chức giữ trẻ mầm non từ 6 đến 18 tháng tuổi được chuẩn bị chu đáo từ đầu tư trang bị đến tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ. Đến nay, toàn TP đã triển khai đại trà tại 24 quận, huyện với 103 trường, giữ 217 trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi và 960 trẻ từ 13 đến 18 tháng tuổi. Việc này đã tạo sự yên tâm tin tưởng cho phụ huynh khi gửi trẻ. Đa số các trường mầm non gần các khu chế xuất, khu công nghiệp đều nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, UBND 24 quận huyện đã có kế hoạch đầu tư khoảng 14.633 tỉ đồng cho 275 dự án xây dựng trường mầm non với 3.406 phòng học.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết vẫn còn tồn tại khó khăn trong việc xây dựng trường mầm non do các tổ chức, cá nhân chưa tiếp cận được quỹ đất quy hoạch dành cho giáo dục mầm non. Chưa kể, các sở, ngành và UBND các quận, huyện còn chậm trong việc phối hợp thực hiện chủ trương cân đối từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn khác cho các tổ chức, cá nhân vay không tính lãi suất; công tác tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn…
Còn thiếu 800 giáo viên mầm non
Tại phiên họp, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết hiện TP còn thiếu gần 800 giáo viên mầm non nên công tác giáo dục mầm non gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân thiếu giáo viên mầm non không phải là do công tác tuyên truyền, chế độ chính sách hỗ trợ mà chủ yếu là do số lượng trẻ tăng hàng năm khiến số giáo viên chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Trong khi đó, nhu cầu gửi trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi còn thấp do trẻ còn quá nhỏ, phụ huynh chưa an tâm khi gửi ở trường mà chọn hình thức là gửi người thân. Riêng đối với con công nhân thì do cha mẹ làm việc theo ca kíp trong khi không thể gửi con ở trường ngoài giờ.
Đặc biệt, chính sách quan tâm giáo viên mầm non hiện vẫn chưa tốt. Giáo viên tốt nghiệp đại học ra trường đi dạy vẫn nhận lương hệ số của giáo viên mầm non chứ không phải là hệ số lương của bậc đại học (trung bình thu nhập giảm khoảng 1 triệu đồng)… nên không thu hút.
Kêu gọi xã hội hóa để xây dựng trường mầm non
Trước thực trạng này, đại biểu Nguyễn Mạnh Trí nói rằng ông đồng tình với đề xuất của UBND TP là tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non mới tốt nghiệp ra trường và mới được tuyển dụng trong 3 năm sắp tới.
“Chúng ta đã triển khai suốt 3 năm vừa qua nhưng chưa thu hút được giáo viên, dẫn đến số lượng giáo viên còn thiếu nhiều. TP cần phải tính đến giải pháp đồng bộ trong vấn đề đào tạo, tuyển dụng”, ông Trí nói.
Đồng quan điểm với ông Trí, đại biểu Trần Thị Phương Hoa nói rằng hiện nay TP còn nhiều nhóm trẻ tự phát tại các khu dân cư và các khu nhà trọ của công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Những nhóm trẻ này phần lớn hoạt động không phép, thường có quy mô nhỏ, trông giữ từ 8-9 trẻ. Đây là vấn đề cần được quan tâm bởi những cơ sở này đa số không đảm bảo về chất lượng, không có chuyên môn giữ trẻ.
Đại biểu Nguyễn Thị Nga lại phản ánh một thực tế trên địa bàn quận 12 là hiện có gần 80.000 người lao động chủ yếu đến từ các tỉnh, thành khác nhau. Tuy nhiên, qua khảo sát, phần lớn các gia đình đều có con nhỏ nhưng lại phải gửi về quê cho người thân nuôi dưỡng. Nguyên nhân là do giá giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi cao gấp đôi so với trẻ trên 18 tháng tuổi, gây áp lực rất lớn đối với các gia đình là công nhân lao động. Đại biểu Nga đề nghị cần có sự quan tâm bố trí vốn đầu tư xây dựng nhà trẻ, nhất là ở vùng ven, nơi có đông công nhân sinh sống.
Ngoài ra, các đại biểu còn đề nghị UBND TP có giải pháp hỗ trợ về vốn, mặt bằng cho các chủ đầu tư, kêu gọi xã hội hóa xây dựng trường mầm non; cải tạo các nhóm, lớp mầm non tư thục, nâng lên thành trường mầm non. Đồng thời, TP nên quan tâm, ưu tiên bố trí cho con công nhân, người lao động tham gia học tập tại các trường mầm non công lập.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị TP có chế độ đãi ngộ đối với giáo viên mầm non trong hệ thống tư thục và tăng cường quản lý, quy định cụ thể về sĩ số học sinh, chất lượng giảng dạy… tại các trường mầm non tư thục.
Phan Diệu