Thử nghiệm dùng ánh sáng nhấp nháy điều trị bệnh Alzheimer

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:26, 09/12/2016

Các chuyên gia vừa bất ngờ tìm ra một phương pháp mới để điều trị bệnh Alzheimer.

Theo Daily Mail, các chuyên gia vừa bất ngờ tìm ra một phương pháp mới để điều trị bệnh Alzheimer. Họ tin rằng các tia sáng nhấp nháy làm giảm số lượng các mảng lắng có hại trong não của protein beta-amyloid và TAU protein. Hiện phương pháp này mới chỉ thử nghiệm trên chuột nhưng mở ra nhiều hứa hẹn.

Chúng ta đều biết rằng khi bị bệnh Alzheimer, sơ đồ sóng não bị phá hủy. Còn tác động bằng ánh sáng sẽ tái khởi động não và các tế bào của não bắt đầu làm việc trở lại bình thường. Một khi sơ đồ hoạt động được khôi phục trở lại, phản ứng miễn dịch tự nhiên trong não được kích hoạt làm sạch não khỏi các mảng lắng đọng.

Thử nghiệm đã cho thấy rằng nhờ ánh sáng nhấp nháy nên đã kích hoạt các tế bào được gọi là microglia - tiểu thần kinh đệm. Các tế bào này bắt đầu “ăn” các lớp lắng đọng protein là tội đồ gây trục trặc cho hoạt động của não. Như vậy, ở những người bị mắc bệnh Alzheimer thì các tiểu thần kinh đệm không hoạt động.

Trong thử nghiệm nói trên, các nhà khoa học đã dùng ánh sáng tác động tới chuột hàng ngày, mỗi ngày một giờ trong vòng một tuần lễ. Đó là ánh sáng nhấp nháy đèn LED với tần số 40 hertz (40 lần mỗi giây). Trong thời gian này, số lượng các mảng lắng đọng độc hại trong não đã giảm khoảng 50%. Đặc biệt, số lượng đó giảm 60% trong vỏ não thị giác.

Đánh giá về phương pháp mới này, giáo sư Li-Huei Tsai tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), cho biết nếu ứng dụng được trên người thành công thì đây là “cơ hội rất lớn”, còn nhà nghiên cứu Michael Sipser thì nhận xét rằng "có thể báo trước một bước đột phá trong hiểu biết và điều trị bệnh Alzheime". Các nhà khoa học MIT đã mở ra cánh cửa cho một hướng hoàn toàn mới trong nghiên cứu về rối loạn não và ngăn chặn bệnh về não.

Công trình nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Nature.

Vũ Trung Hương

Vũ Trung Hương