Công Vinh: 'Tôi treo giày vì vết thương lòng quá lớn'
Thể thao - Ngày đăng : 18:05, 10/12/2016
Lê Công Vinh là tuyển thủ đang giữ kỷ lục có số lần khoác áo đội tuyển quốc gia nhiều nhất (85 lần) và ghi bàn nhiều nhất (51 bàn) của bóng đá VN.
Nói về quyết định của mình, Lê Công Vinh chia sẻ: “Người ta thường nói tuổi già thì sẽ chậm đi. Nhưng sự khao khát cống hiến vì màu cờ sắc áo, vì Tổ quốc, vì người hâm mộ, vì gia đình mình thì không bao giờ mai một được. Đối với tôi thì chưa bao giờ có từ “dừng lại” cả, khi nào tôi cũng khao khát cống hiến, tận tụy với nghề mà mình đã chọn. Nhưng sau trận thua Indonesia, tôi thấy vết thương trong lòng mình đã quá nặng và khiến tôi không còn đủ sức để đá bóng nữa. Vì vậy ngoài quyết định giã từ đội tuyển, tôi quyết định kết thúc luôn sự nghiệp của mình”.
* Chia tay đội tuyển nhưng đâu nhất thiết anh phải treo giày ở cấp độ CLB?
- Thật ra nếu đội tuyển VN thi đấu thành công và chỉ cần vào chung kết AFF Suzuki Cup 2016, tôi sẽ cân nhắc quyết định giã từ sân cỏ do tôi chắc chắn ra nước ngoài thi đấu ở mùa giải 2017 khi vài CLB muốn ký hợp đồng với tôi. Ngay phó chủ tịch LĐBĐ VN (VFF) Trần Quốc Tuấn cũng muốn tôi tiếp tục thi đấu cho đội tuyển VN đến hết năm 2017 rồi hãy treo giày, vì năm 2017 vẫn còn một giải đấu lớn là vòng loại Asian Cup 2019.
Nhưng như tôi đã nói, tôi không thể gượng dậy được vì quá yêu đội tuyển. Tôi cống hiến tận tụy cho đội tuyển suốt trong những năm tháng sự nghiệp cầu thủ của mình, bắt đầu từ năm 19 tuổi và giờ đã 31 tuổi. Suốt chừng ấy năm, tôi cùng đội tuyển VN chỉ một lần duy nhất vào chung kết và giành ngôi vô địch AFF Suzuki Cup 2008. Còn lại đội tuyển toàn bị loại ở vòng bảng hoặc bán kết. Đau nhất là đội tuyển VN đều bị loại ở bán kết trong hai kỳ AFF Suzuki Cup gần nhất là 2014 và 2016 khi cửa vào chung kết gần như nằm trong tay.
* Mọi người có nói gì không khi anh và Thành Lương cùng nói lời giã từ đội tuyển sau trận đấu?
- Sau trận đấu, tất cả mọi người đều khóc khi ngồi trong phòng thay đồ, không ai nói với ai được lời nào. Mỗi người ngồi một góc và khóc bởi đây là thất bại quá cay đắng và năm nay đội tuyển VN giống như một gia đình vậy.
Nhưng biết sao được, nghề này nó nghiệt ngã như vậy. Tôi và Thành Lương cùng muốn có cuộc chia tay đẹp trong màu áo đội tuyển, nhưng đều không làm được. Dù vậy, chúng tôi vẫn phải chấp nhận và bước tiếp. Sau khi nói lời chia tay, chúng tôi đã dành cho nhau những cái ôm thật chặt.
* Nhìn lại gần 20 năm trời chơi bóng, anh có cảm thấy tiếc nuối điều gì?
- Bóng đá đã cho tôi rất nhiều thứ. Sự nghiệp cầu thủ của tôi thăng có, trầm có. Và trầm thì hình như nhiều hơn sau những lần thất bại của đội tuyển VN. Đặc biệt là nốt trầm ở AFF Suzuki Cup 2016, giải đấu mà tôi kết thúc đời cầu thủ của mình bởi nó quá buồn.
Có thể nói trong chừng ấy năm cống hiến, tôi nếm đủ máu và nước mắt để lớn khôn và trưởng thành. Cũng có lúc tưởng chừng như tôi sẽ gục ngã nhưng rồi lại kiên nhẫn, lì lợm đứng lên.
* Dự định của anh trong những ngày tới?
- Tôi sẽ dành thời gian nhiều hơn cho gia đình. Đưa đón con gái đi học, nghỉ ngơi trước khi tính tiếp mình sẽ làm gì. Tôi cũng chưa biết mình sẽ làm gì sau này và có liên quan đến bóng đá không. Giờ thì cứ tận hưởng thời gian bên gia đình trước đã.
* Anh có nói điều gì với người hâm mộ hay cho bóng đá VN không?
- Tôi cảm ơn những tình cảm mà người hâm mộ đã dành cho tôi và đội tuyển VN. Cảm ơn họ đã luôn đồng hành, cổ vũ dù lúc đội tuyển VN thất bại hay thành công. Chắc chắn cuộc đời tôi sẽ không bao giờ quên những giây phút như vậy.
Tôi luôn biết ơn người hâm mộ. Tôi chỉ tiếc là tại sao mình không thể làm tốt hơn để mang lại nhiều niềm vui hơn cho người hâm mộ. Dù đội tuyển VN thất bại, nhưng tôi hi vọng người hâm mộ sẽ luôn tin yêu và cổ vũ cho đội tuyển VN, đặc biệt là các cầu thủ trẻ để họ có động lực bước tiếp.
Tôi cũng muốn nói thêm đừng đòi hỏi phải vô địch giải này vô địch giải kia, mà bóng đá VN cần chiến lược dài hơi hơn. Muốn bóng đá VN đi lên hơn nữa, chúng ta cần phải thay đổi nhiều thứ, nhất là cơ sở vật chất và đào tạo trẻ. Chúng ta không thể trông chờ đào tạo trẻ chỉ vài CLB hay trung tâm đào tạo trẻ như hiện nay ở Viettel, PVF, Hoàng Anh Gia Lai hay Sông Lam Nghệ An, mà cần một lộ trình để có chân đế vững chắc về nguồn cầu thủ giỏi.
Cơ sở vật chất cần cải thiện nhiều, bởi hiện tại nhiều khi không có sân để tập hoặc sân thì rất xấu. Đây là hai vấn đề cực kỳ quan trọng với bóng đá VN.
Clip Công Vinh, Thành Lương chia tay đội tuyển trong nước mắt:
“Tôi chỉ nếm trải vinh quang có một lần vào năm 2008. Đó cũng là sự may mắn trong đời cầu thủ của tôi khi bóng đá VN lần duy nhất được lên đỉnh. Tôi có quyền tự hào với những gì mình đã cống hiến, đã tận tụy, đã khát khao, đã làm hết tất cả những sức lực của mình. Kể cả sau này khi con cái tôi lớn lên, nó cũng tự hào với những gì bố nó đã làm