Chuyên gia hiến kế lĩnh vực đầu tư 'ra tiền' năm 2017

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 05:57, 11/12/2016

Năm 2016 sắp trôi qua và đến gần là 2017, hàng loạt câu hỏi được đặt ra trong nền kinh tế mới và đâu là cơ hội kinh doanh cho các nhà đầu tư: chứng khoán, bất động sản, hay tiền tệ...

Câu hỏi này đã được các chuyên gia có mặt tại Tọa đàm "Làm ăn gì năm 2017?" ngày 10.11 giải đáp một cách đầy đủ. Góp mặt tại tọa đàm và trả lời câu hỏi này, chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh cho rằng chứng khoán sẽ là lĩnh vực sôi nổi trong năm tới. Bởi lẽ, năm sau cần phải thúc đẩy cổ phần hóa vì cổ phần hóasẽ có thêm nhà đầu tư, công khai minh bạch, gây sức ép lớn phải niêm yết, nên đây sẽ là cơ hội lớn của thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, ông Doanh cũng dự đoán năm tới, cơ hội đầu tư vào ngành dịch vụ là rất lớn. Tỷ lệ người già ở cả Việt Nam và thế giới đang tăng lên, họ cần dịch vụ và chăm sóc đặc biệt.

"Tôi thấy mảng đó trên thị trường rất yếu. Tôi có một người bạn có một bà mẹ bị ốm trong thời điểm cuối năm, giá cho một người chăm sóc như vậy là 1 triệu/ngày. Đây là mức giá quá cao", ông Doanh nói.

Nhận định chung về năm 2017, vị chuyên gia này cho rằng năm tới sẽ là một năm thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên Việt Nam vẫn cần phải tỉnh táo trước những diễn biến thay đổi trong khu vực. Nếu có sự thay đổi lãi suất, USD sẽ quay lại nước Mỹ. Đồng Nhân dân tệ mất giá và hàng hóa Trung Quốc rẻ... tất cả điều này sẽ gây bất lợi.

Bên cạnh đó, việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, những chính sách với Trung Quốc và Đài Loan...hay việc Mỹ đang nợ Liên Hiệp Quốc 1,1 tỉ USD cũng sẽ là những nhân tố mà Việt Nam cần quan tâm thời gian tới.

Trong khi đó, dưới góc nhìn của TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội, năm 2017 sẽ là cơ hội "cực kỳ lớn" cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi lẽ, theo ông, với chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn thì các ngành này sẽ có nhiều “đất” hơn, được tham gia vào nhiều ngành, lĩnh vực vốn là đặc thù của nhà nước.

"Theo đó phải đấu tranh thoái vốn Nhà nước thì để Nhà nước tối đa còn nắm 30%. Phải đối chiếu lại Luật Doanh nghiệp 2014 vì 30% có quyền phủ quyết 1 số yêu cầu của doanh nghiệp, Nhà nước vừa không mất quyền, vừa trao lại quyền cho doanh nghiệp", ông Kiên cho biết

Nếu làm được những điều này thì theo ông Kiên sẽ có nhiều lĩnh vực được mở ra. Các hiệp định FTA mà Việt Nam ký kết sẽ là lĩnh vực cam kết nhiều bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước. Hay các nhà đầu tư có thể tìm đến lĩnh vực nông nghiệp, ngành mà vốn phụ thuộc vào trồng trọt, chế biến gần như chưa ai khai phá, và các ngành nghề như du lịch, khách sạn, lữ hành – nhiều tiềm năng và không sợ bị cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 tác động nhiều.

Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Đức Kiên, TS Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cũng cho rằng lĩnh vực nông nghiệp năm 2017 sẽ được cải thiện và đây sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, sự phát triển ngành dịch vụ cũng đang được đánh giá tốt.

"Chúng ta có thể có khác biệt nhưng kinh tế thế giới đang có chung 3 đặc điểm. Đó là phục hồi rất khó khăn trong khi thương mại hàng hóa giảm. Rủi ro và bất định trong địa chính trị gia tăng. Tư tưởng chống rủi ro thương mại tăng lên. Tuy nhiên, động lực cho tăng trưởng của Việt Nam gần đây và trong năm tới vẫn sẽ là công nghiệp chế tác, khối FDI, xây dựng và một số lĩnh vực dịch vụ", TS Thành nhận định

Tuyết Nhung

tuyetnhung