Loại 12 dự án thép ra khỏi quy hoạch, nhưng vẫn giữ dự án thép Cà Ná
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:47, 12/12/2016
Bộ Công Thương ngày 11.12 thông tin cho biết Bộ này vừa loại bỏ 12 dự án thép với tổng công suất lên đến 6,52 triệu tấn phôi vuông và 1,35 triệu tấn gang, sắt xốp ra khỏi quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhânđưa các dự án này ra khỏi quy hoạchlà do địa phương đề nghị bỏ, chưa có chủ đầu tư, năng lực chủ đầu tư kém, không thuộc phạm vi quy hoạch, nguồn nguyên liệu không đảm bảo, hoặc chủ đầu tư không thực hiện.
Trong số 12 dự án thép bị loại bỏ khỏi quy hoạch, quy mô lớn nhất thuộc về dự án mở rộng dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 3, do Công ty cổ phầngang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư, quy mô 1 triệu tấn gang, sắt xốp/năm và 1 triệu tấn phôi vuông/năm. Bộ Công thương đã xếp loại dự án này thuộc diện “năng lực chủ đầu tư kém”.
Ngoài ra, còn nhiều dự án khác như: Nhà máy phôi thép Lào Cai, Nhà máy sản xuất gang Thiên Thanh, Dự án đầu tư Khu liên hiệp Gang thép Khoáng sản Việt, Nhà máy luyện thép Hà Giang, Nhà máy luyện gang và phôi thép Sơn La, Nhà máy sắt xốp và gang thép Bắc Kạn giai đoạn 2…
Việc loại bỏ 12 dự án thép được Bộ Công Thương thực hiện trong khuôn khổ xây dựng "Dự thảo Quyết định Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035". Sau khi lấy ý kiến một số bộ ngành, đơn vị có liên quan, tiếp thu và chỉnh sửa, Bộ sẽ giới thiệu toàn văn Dự thảo lần 2 để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo người dân trong và ngoài nước để tiếp tục chỉnh sửa và hoàn chỉnh.
Trong dự thảo lần này, Bộ tiếp tục lưu ý đến giải pháp bảo vệ môi trường như lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát chặt chẽ khí thải, nước thải, bụi... tại các cơ sở sản xuất gang, thép; Tăng cường giám sát các cơ sở sản xuất thép về việc tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường; Nghiên cứu và áp dụng công nghệ tái chế các chất phế thải rắn, bụi chứa kim loại nặng, khí thải... được thải ra trong quá trình sản xuất gang, thép.
Bên cạnh đó, để đảm bảo sức cạnh tranh cho ngành thép, tại dự thảo, Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, ngăn chặn những sản phẩm không đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng hoặc không phù hợp với xuất xứ hàng hoá được quy định trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đồng thời, tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với quy định thương mại quốc tế.
Về danh mục các dự án trong quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, Bộ vẫn đểtên Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná – Ninh Thuận, Thép Dung Quất – Quảng Ngãi, Thép Nghi Sơn – Thanh Hóa.
Trong đó, giai đoạn 1 của các dự án này sẽ được thực hiện từ 2016 - 2020. Các giai đoạn tiếp theo sẽ thực hiện đến năm 2025-2031. Riêng dự án thép Cà Ná – Ninh Thuận sẽ thực hiện ba giai đoạn với tổng công suất thiết kế 32 triệu tấn/năm.
Đáng chú ý, trong dự thảo lần này, Bộ Công Thương đã không đưa tên chủ đầu tư gắn với các dự án vào danh mục như dự thảo lần 1, đáng lưu ý, dự án thép Hoa Sen - Cà Ná đã được đổi tên thành dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận trong bản dự thảo lần này.
Tuyết Nhung