Việt Nam đối phó thế nào khi tiền chảy về các 'thiên đường thuế'?
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 16:22, 12/12/2016
“Thiên đường thuế” giúp DN chiếm đoạt hàng tỉ USD
Báo cáo “Cuộc đua thuế” do tổ chức Oxfam công bố ngày 12.12 đã đưa ra danh sách các thiên đường thuế tồi tệ nhất trên thế giới, xếp theo mức độ nghiêm trọng như sau: Bermuda, Quần đảo Cayman, Hà Lan, Thụy Sỹ, Singapore, Ireland, Luxembourg, Curaçao, Hồng Kông, Cộng hòa Síp, Bahamas, Jersey, Barbados, Mauritius và quần đảo British Virgin.
Vương quốc Anh không xuất hiện trong danh sách, nhưng bốn vùng lãnh thổ thuộc quốc gia này lại có tên trong danh sách: quần đảo Cayman, Jersey, Bermuda và quần đảo British Virgin.
Báo cáo cũng nhấn mạnh hành vi trốn thuế của các công ty đa quốc gia khiến các nước nghèo mất đi ít nhất 100 tỉ USD hàng năm. Số tiền này đủ để tạo cơ hội cho 124 triệu trẻ em thất học được đến trường và cứu sống ít nhất 6 triệu trẻ em mỗi năm.
Giảm thuế thu nhập DN làm trầm trọng thêm khoảng cách giàu-nghèo
Báo cáo của Oxfam chỉ ra rằng thiên đường thuế chỉ là một phần của vấn đề. Các quốc gia trên khắp thế giới đang cắt giảm thuế cho doanh nghiệp để cạnh tranh thu hút đầu tư, điều này làm tăng thêm gánh nặng cho dân nghèo, làm trầm trọng thêm khoảng cách giàu – nghèo trong xã hội.
Oxfamcho biết, đánh thuế thu nhập doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty thành công và lớn, là một trong những phương thức đánh thuế tiến bộ nhất. Phương thức đánh thuế này giúp các quốc gia tăng thu ngân sách.
“Khi nguồn thu này được đầu tư vào các dịch vụ công, phương thức này cũng giúp giảm bất bình đẳng vì đã phân phối lại thu nhập bằng cách chuyển “thu nhập vô hình” tới người nghèo. Từ đó, người dân được trang bị các công cụ và kỹ năng cần thiết để thoát nghèo, như được chăm sóc sức khỏe và tiếp cận giáo dục tốt” – báo cáo nêu rõ.
Ngược lại, khi giảm gánh nặng thuế cho các công ty lớn, các quốc gia có hai xu hướng: hoặc cắt giảm chi tiêu cần thiết cho việc giảm bất bình đẳng và nghèo đói, hoặc bù khoản thâm hụt bằng cách đánh thuế cao hơn, như thuế giá trị gia tăng vào những nhóm khác, không giàu có của xã hội.
Các loại thuế gián thu như thuế GTGT, phần lớn do người nghèo chi trả. Lợi nhuận tăng thêm từ thuế thu nhập doanh nghiệp thấp đem lợi ích cho cổ đông và chủ các doanh nghiệp, mà đa số là những người giàu có. Điều này đã làm gia tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo.
“Không có người thắng cuộc trong cuộc đua xuống đáy về thuế thu nhập doanh nghiệp. Những người dân thường – đặc biệt là những người nghèo nhất – đang phải trả giá cho cuộc đua nguy hiểm này với việc thuế cá nhân bị tăng lên và các dịch vụthiết yếu, như chăm sóc sức khỏe và giáo dục bị cắt giảm” - Berkhout cho biết.
Do đó, thông qua báo cáo này, Oxfam kêu gọi các quốc gia hợp tác với nhau để chấm dứt hành vi trốn thuế và cuộc đua xuống đáy về thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể là dừng các ưu đãi thuế không hiệu quả và bất công, hợp tác để xác định mức thuế thu nhập doanh nghiệp công bằng, lũy tiến và đóng góp cho lợi ích chung.
Giải pháp nào cho Việt Nam?
Báo cáo nàycho rằng Việt Nam cũng chịu thiệt hại từ những hoạt động lợi dụng các thiên đường thuế. Cụ thể, FDI vào Việt Nam đến từ các thiên đường thuế tăng 47% chỉ trong vòng một năm và ngày càng thường xuyên hơn. Nếu không có cơ chế quản lý phù hợp thì lợi nhuận của các khoản đầu tư này sẽ không được giữ tại Việt Nam. Hơn nữa, ít bằng chứng cho thấy ưu đãi thuế giúp tăng đầu tư hoặc tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam.
Các ưu đãi thuế lớn nhất, cụ thể là miễn thuế có thời hạn, được dành cho khoản đầu tư lớn trong sản xuất và bất động sản. Trên thực tế các khoản đầu tư này vẫn được thực hiện cho dù không có các ưu đãi này, làm thất thoát một khoản doanh thu đáng kể mà không mang lại lợi ích kinh tế đi kèm.
“Tính phức tạp của quy định ưu đãi thuế của Việt Nam và thiếu thông tin, số liệu...đã gây khó khăn cho nhà nghiên cứu và nhà đầu tư phân tích chính xác chi phí và lợi ích của ưu đãi thuế” – báo cáo nêu.
Báo cáo khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần hợp tác với các quốc gia khác để đặt một mức thuế thu nhập doanh nghiệp công bằng, cấp tiến, chấm dứt cuộc đua thuế; Rà soát các chính sách ưu đãi thuế; Thiết lập cơ chế báo cáo để cơ quan thuế thu thập và công khai thông tin và dữ liệu liên quan đến chính sách ưu đãi thuế; Thực hiện thống kê chi tiêu thuế như nhiều quốc gia khác đã thực hiện gần đây như Thái Lan hay Malaysia.
Việt Nam đang xây dựng Nghị định chống chuyển giá và Nghị định này cần bổ sung quy định yêu cầu tất cả công ty đa quốc gia công bố báo cáo tài chính tại các quốc gia họ đang có hoạt động kinh doanh, từ đó làm rõ công ty đang nộp những loại thuế nào và tại đâu.
Hoàng Long