Giáo viên mầm non giữ trẻ ngoài giờ được trả 33.000 đồng/giờ
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:38, 12/12/2016
UBND TP.HCM vừa yêu cầu các đơn vị thực hiện chế độ hỗ trợ đối với những người được giao thực hiện công việc giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại khu chế xuất và khu công nghiệp.
Cụ thể, trường hợp làm thêm giờ, ngoài giờ làm việc bình thường, thực hiện trả lương giữ trẻ ngoài giờ theo Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8.3.2013 của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đối với cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc biên chế trả lương khi đã được xếp lương theo Nghị định sổ 204/2004/ NĐ-CP ngày 14.12.2004 của Chính phủ.
Đối với các vị trí kế toán, thủ quỹ, y tế, văn thư, nấu ăn - kỹ thuật viên, bảo vệ trong các cơ sở giáo dục mầm non được quy định định mức số người làm việc trong Thông tư liên tịch số06/2015/TTLT-BGDĐT- BNV thuộc biên chế trả lương, khi đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, thực hiện theo Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 5.1.2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính.
Trường hợp chỉ làm việc ngoài giờ, nếu làm việc 1 giờ/ngày (từ 16 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút từ thứ 2 đến thứ 6) và 10 giờ/ngày thứ 7 (từ 7 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút) thì tiền lương giờ được trả cho một giờ làm việc xác định trên cơ sở tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày theo Bộ luật Lao động.
Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động làm thêm giờ (giữ trẻ ngoài giờ) không quá 200 giờ/năm (bao gồm giờ giữ trẻ ngoài giờ). Tiền làm thêm 1 giờ từ thứ 2 đến thứ 6 là 33.000 đồng/giờ và thứ 7 là 44.000 đồng/giờ.
Để thực hiện chỉ đạo trên, ngày 12.12, Sở Giáo dục – Đào tạo TP.HCM đã ban hành kế hoạch “hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM”.
Trong năm học 2016-2017, TP.HCM sẽ thực hiện thí điểm ở hai quận là Bình Tân và Thủ Đức với 8 lớp (240 trẻ). Quận Bình Tân là trường Mầm non 30-4. Quận Thủ Đức gồm trường Mầm non khu chế xuất Linh Trung 1 (phường Linh Xuân) và trường Mầm non khu chế xuất Linh Trung 2 (phường Linh Trung).
Năm học 2017-2018, TP sẽ mở rộng thực hiện tại quận 7 và huyện Củ Chi là khu chế xuất Tân Thuận và khu chế xuất Tây Bắc. Năm học 2018-2019, TP sẽ thực hiện đại trà tại các trường mầm non khu chế xuất, khu công nghiệp ở các quận, huyện và sẽ mở rộng số trường nhận giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa 9 diễn ra từ ngày 6.12 – 9.12, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Thi Thị Tuyết Nhung cho biết chính quyền TP.HCM đang rất quan tâm tới việc ban hành Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐND về hỗ trợ giáo dục mầm non trên địa bàn TP. Nghị quyết này đã tạo điều kiện thuận lợi và tác động mạnh mẽ đến các ngành, các cấp trong phối hợp chăm lo giáo dục phát triển toàn diện cho trẻ em mầm non…
Trong giai đoạn 2016 – 2020, UBND 24 quận huyện đã có kế hoạch đầu tư khoảng 14.633 tỉ đồng cho 275 dự án xây dựng trường mầm non với 3.406 phòng học.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM, hiện nay TP còn thiếu gần 800 giáo viên mầm non. Nguyên nhân thiếu giáo viên mầm non không phải là do công tác tuyên truyền, chế độ chính sách hỗ trợ mà chủ yếu là do số lượng trẻ tăng hàng năm khiến số giáo viên chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Trong khi đó, nhu cầu gửi trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi còn thấp do trẻ còn quá nhỏ, phụ huynh chưa an tâm khi gửi ở trường mà chọn hình thức là gửi người thân. Riêng đối với con công nhân thì do cha mẹ làm việc theo ca kíp trong khi không thể gửi con ở trường ngoài giờ.
Đặc biệt, chính sách quan tâm giáo viên mầm non hiện vẫn chưa tốt. Giáo viên tốt nghiệp đại học ra trường đi dạy vẫn nhận lương hệ số của giáo viên mầm non chứ không phải là hệ số lương của bậc đại học (trung bình thu nhập giảm khoảng 1 triệu đồng)… nên không thu hút.
Do đó, việc hỗ trợ cho giáo viên dạy ngoài giờ cũng là một trong những tiêu chí để TP.HCM nâng cao chất lượng giáo dục và thu hút giáo viên cho hệ mầm non.
Phan Diệu