Cố NS Nguyễn Ánh 9 và cây piano xứ hoa đào

Văn hóa - Ngày đăng : 10:50, 13/12/2016

Sau vài phút lặng im, trên khóe mắt ông rơm rớm những giọt nước mắt và nói chắc nịch: “Đây là cây đàn mà tôi đã được học nhạc với thầy Hoàng Nguyên tại Trường Grand Lýcee Yersin Đà Lạt, cách đây đúng 60 năm”.
Khi lên Đà Lạt tham gia biểu diễn trong chương trình khai mạc Festival Hoa cuối năm 2015, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã rất xúc động khi bất ngờ gặp lại cây đàn piano mà 60 năm trước ông đã học nhạc dưới sự hướng dẫn của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, tác giảAi lên xứ hoa đào.
Ông Nguyễn Vũ Hoàng, Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Lâm Đồng, cho biết dịp Festival Hoa 2015, Trung tâm văn hóa tỉnh Lâm Đồng khai trương “Không gian kỷ vật văn hóa Đà Lạt”, trong đó có trưng bày 2 cây đàn piano có tuổi đời trên 100 năm, nguyên là đàn của các trường học “Tây” ở TP.Đà Lạt từ trước 1975.
Chỉ sau vài ngày khai trương, không gian này đã được đón tiếp một vị khách đặc biệt: nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Ông Hoàng kể khi dàn dựng chương trình khai mạc Festival Hoa 2015, ông đã đưa tiết mục biểu diễn ca khúcAi lên xứ hoa đào,một trong những nhạc phẩm hay nhất về Đà Lạt của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, vào chương trình. Để thêm phần mới lạ và hấp dẫn, ông đã mời nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đệm piano cho ca sĩ hát. Sau khi kết thúc chương trình, trung tâm mời Nguyễn Ánh 9 tham quan Không gian kỷ vật văn hóa Đà Lạt. Nhạc sĩ đã dừng lại rất lâu trước các kỷ vật liên quan đến âm nhạc. Khi lên căn phòng có trưng bày cây đàn piano, người nhạc sĩ từng là tay đàn piano lừng danh ngồi vào ghế và lướt nhẹ tay trên bàn phím. Những đoạn nhạc du dương ngân vang... Rồi ông bỗng khựng lại, ngắm nhìn cây đàn kỹ hơn, soi mắt vào dãy phím, cúi xuống nhìn pê đan như tìm một dấu tích nào đó trên cây đàn. Sau vài phút lặng im, trên khóe mắt ông rơm rớm những giọt nước mắt và nói chắc nịch: “Đây là cây đàn mà tôi đã được học nhạc với thầy Hoàng Nguyên tại Trường Grand Lýcee Yersin Đà Lạt, cách đây đúng 60 năm”.
Lúc này, những người đi cùng nhạc sĩ và các cán bộ, nhân viên Trung tâm văn hóa tỉnh Lâm Đồng bị cuốn hút bởi câu chuyện về cuộc “hội ngộ” của Nguyễn Ánh 9 và cây đàn piano. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh năm 1940 ở Phan Rang (Ninh Thuận). Năm 1954, ông được gia đình đưa lên Đà Lạt ở nội trú và học bậc trung học tại Trường Grand Lýcee Yersin cho đến năm 1958. Năm 1956, dưới mái trường này, ông được nhạc sĩ Hoàng Nguyên dạy cho những nốt nhạc đầu tiên bằng chính cây đàn này. Nhạc sĩ cho biết cây đàn đã gợi lại cho ông bao ký ức về một thời tuổi trẻ, về người thầy đáng kính. Được biết, sau khi tốt nghiệp Tú tài 2 (18 tuổi), Nguyễn Ánh 9 phải đứng trước sự lựa chọn giữa âm nhạc và gia đình. Cha mẹ ông khá giả, muốn ông làm kỹ sư hoặc làm giáo viên chứ không phải làm một nhạc sĩ, nhưng ông đã chọn niềm đam mê âm nhạc. Qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, Nguyễn Ánh 9 được vào tham gia chương trình Tuổi Xanh của Đài phát thanh Sài Gòn và Đài phát thanh Đà Lạt. Ông đã đi khắp nơi biểu diễn dương cầm ở các bar, các nhà hàng nổi tiếng, mỗi ngày làm nhạc công piano ở phòng trà từ 3 giờ chiều đến 4 giờ sáng hôm sau để mưu sinh...
Bốn tháng sau cuộc "hội ngộ" bất ngờ này, người nhạc sĩ tài danh mãi mãi ra đi, để lại những bản nhạc bất hủ: Không, Ai đưa em về, Chia phôi, Lời cuối cho em, Tình khúc chiều mưa, Buồn ơi chào mi...
Cây đàn lưu lạc
Ông Hoàng cho biết việc nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 khẳng định cây đàn này của Trường Grand Lýcee Yersin Đà Lạt (Trường CĐSP Đà Lạt ngày nay), nơi nhạc sĩ từng học từ năm 1954 - 1958, khiến ông rất phân vân. Nguyễn Ánh 9 có sự nhầm lẫn chăng? Theo ông Hoàng, năm 1984 khi về công tác tại Nhà văn hóa trung tâm Lâm Đồng (trước là Trường Petit Lýcee, còn nay là Trường cao đẳng Nghề Đà Lạt), ông tiếp cận và bảo quản 2 cây đàn tại Trường Petit Lýcee, trong đó có cây đàn mà Nguyễn Ánh 9 cho biết ông đã được học nhạc.
Trong khi đó, sau khi nhiều người Đà Lạt biết câu chuyện nhạc sĩ Nguyễn Ánh “hội ngộ” với cây đàn sau 60 năm xa cách, có người đã cung cấp nhiều chi tiết liên quan đến câu chuyện trên đây. Một thầy giáo về hưu ở Đà Lạt cho biết cây đàn mà Nguyễn Ánh 9 khẳng định trước đây ở Trường Grand Lýcee Yersin là có cơ sở. Theo thầy giáo này, từ năm 1958, chính quyền Ngô Đình Diệm muốn thay đổi bộ mặt giáo dục, muốn xóa dần những ảnh hưởng của văn hóa Pháp, xây dựng một nền văn hóa thuần Việt hơn nên đã bỏ bớt một số trường “Tây” để thành lập các trung tâm giáo dục. Tại TP.Đà Lạt, Trường Grand Lýcee Yersin bị xóa tên, thay vào đó là “Trung tâm giáo dục Hùng Vương”. Khi thành lập trung tâm này thì các thiết bị, học cụ, máy móc được mua sắm mới. Hầu hết các thiết bị, học cụ của trường “Tây” được chuyển qua Trường Petit Lýcee hoặc Trường Adran (Collège d’Adran). Do đó, nhiều khả năng cây dương cầm mà nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng học cũng chung số phận được chuyển qua Trường Petit Lýcee.

Theo ông Vũ Hoàng, những năm 80 thế kỷ trước, khi đến làm việc tại Nhà văn hóa trung tâm, ông tiếp nhận 2 cây dương cầm. Ngoài cây đàn gắn bó với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, còn có cây đại phong cầm được sản xuất tại Paris năm 1900, hiện để tại Trung tâm văn hóa tỉnh Lâm Đồng, hằng ngày các nghệ sĩ Đoàn nghệ thuật Lâm Đồng vẫn tập luyện. Lúc đó nhiều người trong cơ quan đề xuất thanh lý 2 cây đàn cũ nhưng ông không đồng ý và giữ lại. Cũng nhờ đó mà nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã có cơ hội tìm lại được “người bạn” thuở ban đầu bước vào con đường âm nhạc.

Theo Thanh Niên

bai cao