NSND Như Quỳnh: 'Níu lấy tình yêu trong tay'
Văn hóa - Ngày đăng : 12:02, 13/12/2016
Thuở mới vào đời đã là gương mặt yêu kiều của điện ảnh, cho đến giờ ở tuổi ngoài 60, chị vẫn còn mải miết trên phim trường và vẫn dịu dàng sắc vóc, khí chất thanh lịch, khuôn mặt thuần Việt, hạnh phúc sánh đôi bên chồng là nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo.
Họ đã đi một chặng đường dài, rất dài còn giữ được lửa đượm, hương nồng. Bất giác tôi nhớ đến câu ai đó đã nói: “Gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận,” đúng chăng?!
Nếu nhìn cuộc sống đầy yên ả của chị sẽ chẳng ai nghĩ rằng Như Quỳnh là người đàn bà nổi loạn. Thậm chí người phụ nữ bình thản và tĩnh lặng quá! Nhiều người cũng nhận định: “Nghệ sĩ mà không có một chút điên thì khó có thể làm nghệ thuật hay”, nhưng may thay, Như Quỳnh chỉ “điên” trong nghề.
Có nghĩa là có những phút giây thăng hoa như lên đồng ở trong vai diễn, còn ngoài đời, chị tỉnh. Vả lại, không phải đời chị cũng chỉ trải toàn hoa hồng mà không có va vấp. Có đau đớn, vấp ngã đấy nhưng rồi hạnh phúc sau. Chính vì trải qua biến động, nên khi có tình yêu trong tay, chị biết níu giữ lấy, để không bị sóng cuốn trôi, bay mất.
Sinh ra trong đại gia đình có truyền thống ba đời gắn với sân khấu Cải lương, từ cụ, ông ngoại rồi mẹ và cả cha. Lớn lên Quỳnh được cha mẹ cho đi học để nối nghiệp gia đình. Tốt nghiệp ngành diễn viên sân khấu năm 1971. Ra trường, Như Quỳnh về Nhà hát Cải lương Chuông Vàng, nơi bác ruột làm giám đốc còn bố mẹ là cặp tài tử Tiêu Lang – Kim Xuân mỗi đêm diễn vẫn súng sính xiêm y, ngân nga lời ca tiếng hát.
Nhà hát ngay gần nhà, chỉ đi bộ vài bước chân là đến, cả đại gia đình từ bố mẹ, chú bác đều dân cải lương, nhưng Như Quỳnh như có một mối duyên khác. Hai năm sau khi tốt nghiệp lớp sân khấu, nhan sắc thanh lịch, khí chất yêu kiều nền nã của cô gái đất Tràng An đã vô tình lọt vào mắt xanh của các đạo diễn điện ảnh.
Năm 19 tuổi chị đóng bộ phim đầu tiênBài ca ra trậncủa đạo diễn Trần Đắc vai y tá Mai. Nhờ ngoại hình bắt mắt, lối diễn xuất giản dị và gương mặt đặc biệt nữ tính đậm chất Á Đông, 20 tuổi, Như Quỳnh lại nhẹ nhàng đi vào vai cô Nết trong phimĐến hẹn lại lênđạo diễn Trần Vũ. Năm 22 tuổi, Như Quỳnh được đạo diễn Bạch Diệp chọn đóng trong phimNgày Lễ Thánh…
Năm 1975, mới 21 tuổi chị đoạt giải Diễn viên xuất sắc nhất Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ ba. Tuy là diễn viên sân khấu nhưng điện ảnh mới chính là mối lương duyên, Quỳnh yêu điện ảnh và muốn ngả hẳn sang điện ảnh. Sau này Quỳnh bảo: “Mình chỉ có sắc, còn thanh thì vẫn còn yếu, mà với một nghệ sĩ hát cải lương thì thanh vô cùng quan trọng”.
Một cô gái Hà Thành nết na với trái tim mơ mộng, lãng mạn đâu dễ gì quên được mối tình đầu. Đó chính là những tháng ngày đen tối, mất niềm tin, vô vọng, nhưng đi cuối đường hầm sẽ là ánh sáng, tình yêu dịu dàng, êm ái lại đến một cách rất tình cờ, không báo trước. Trong tháng ngày tuổi trẻ Như Quỳnh yêu một người con trai làm việc tại Liên đoàn Xiếc, tình yêu đó kéo dài 5 năm và Như Quỳnh ngỡ mình sẽ lên xe hoa với người đó. Nhưng ước mơ lại rất khác với đời thực, người đàn ông đó gạt bỏ tình riêng ra nước ngoài tìm kiếm danh vọng, Như Quỳnh vật vã đau khổ.
Chị kể: “Hồi đó, Quỳnh chỉ coi anh Bảo như người anh trai, hai gia đình cũng đã biết nhau. Chị gái của Quỳnh lấy anh trai của anh Bảo. Quỳnh muốn giới thiệu anh Bảo cho người bạn gái thân của mình cùng công tác tại Nhà hát Cải lương Chuông Vàng. Mỗi lần đoàn đi diễn ở xa như Nam Định, Thái Bình hay Hải Phòng thì bạn trai của mình lấy xe máy đưa anh Bảo xuống chỗ mình diễn để người bạn trai thăm mình còn anh Bảo thì làm quen với cô bạn mà mình giới thiệu. Hoàn cảnh xô đẩy, người bạn trai ra nước ngoài mưu sinh, mình bị hẫng hụt, anh Bảo lúc đấy đến với mình tình cảm thật tự nhiên…”.
Rồi cái gì đến tất sẽ đến. Năm 1980, lễ cưới được diễn ra, lúc đấy Như Quỳnh 26 tuổi. Cuộc hôn nhân này đem đến cho vợ chồng chị hai người con gái. Cũng trong năm này, song hỷ lâm môn, Như Quỳnh vào hai vai diễn trong hai bộ phim đình đám lúc bấy giờ làHy vọng cuối cùngvàHà Nội mùa chim làm tổ. Gia đình chồng của chị có 4 anh em trai, và 6 chị em gái. Trong 4 anh em trai đã có 3 người làm trong lĩnh vực điện ảnh, chỉ duy có chồng chị làm nghề nhiếp ảnh.
Cưới nhau xong, cả ba anh trai của chồng thúc đẩy em dâu, bảo bỏ sân khấu để chuyển hẳn sang điện ảnh. Chị cũng thẳng thắn thừa nhận: “Tuy là diễn viên cải lương nhưng mình được quần chúng biết đến là ở những vai diễn của nghệ thuật điện ảnh”.
Rồi không nề hà, luyến tiếc chị sang lĩnh vực điện ảnh. Những bộ phim cứ lần lượt ra đời, Quỳnh có một vị thế không nhỏ trong môn nghệ thuật thứ bảy và là gương mặt được khán giả đặc biệt yêu thích trên làn sóng phim truyền hình.
Vào những năm cuối của thập niên 80, đời sống kinh tế bấp bênh, nhiều nghệ sĩ ở Hà Thành làm thêm nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập. Chị mở một quán cafe nhỏ ở đầu phố Bát Đàn cắt với phố Hàng Thiếc. Quán chỉ độ 10m2, đủ kê vừa cái tủ kính be bé, hai cái bàn mây thêm vài chiếc ghế tre nho nhỏ.
Hà Nội của cách đây 30 năm khác xa với Hà Nội ngày hôm nay. Chỉ tọa lạc trên 36 phố phường, đấy là những dãy phố bán hàng nhưng không quá ồn ào và tấp nập. Những con phố mà danh họa Bùi Xuân Phái đã phác họa nên một Hà Nội phố cổ vừa thân quen, mà có gì đó níu giữ lòng người. Một Hà Nội với “phố nhỏ, ngõ nhỏ, nhà tôi ở đó” như trong lời bài hát của nhạc sĩ Lê Vinh.
Hà Nội khi ấy không nhiều xe máy và càng ít ôtô, có nhiều lúc thưa thớt người qua lại, người ta ngồi thưởng thức một tách cafe ngắm phố phường êm đềm trôi qua trong không gian chậm rãi và thư nhàn.
Và, chính trong một buổi chiều Hà Nội như thế, đạo diễn Trần Anh Hùng đã ngồi lặng lẽ ở quán cafe của chị nơi góc phố Bát Đàn. Cảm hứng đến thật bất chợt để anh viết nên tác phẩm điện ảnhMùa hè chiều thẳng đứngkể chuyện về những người đàn bà Hà Nội.
Thời gian trôi đi và Hà Nội đã đổi thay, NSND Như Quỳnh vẫn cùng chồng sống trong ngôi nhà đã gắn bó lâu năm trên con phố Hàng Đào. Trái với những gì ta hình dung về một gia đình nghệ sĩ, chồng là nhà nhiếp ảnh hẳn trong nhà phải treo nhiều ảnh lắm, nhưng căn phòng bày biện giản dị mà trang nhã.
Đồ trong nhà chủ yếu bằng mây tre đã ngả màu thời gian, thêm vài tủ sách bằng gỗ lâu năm và những vật dụng trang trí bằng gốm sứ. Đâu đó ở trên tường là tờ poste phim của con gái chị trước đây cũng tham gia phim. Tủ tre, bộ bàn ghế cũng bằng mây tre, đến cái giường ngủ của các thành viên trong gia đình cũng bằng tre nốt. Tre trúc tạo cho ta cảm giác thư nhàn, yên ả.
Cuộc sống giản dị, êm đềm cứ từng ngày trôi qua. Nhan sắc và danh tiếng đến từ quá sớm, những giàu sang phú quý, những bạc tiền đeo bám không làm Như Quỳnh rung động.
Chị bảo: “Theo mình, bản thân mỗi người tự quyết định cuộc đời của mình. Không biết người khác như thế nào, còn tôi, tôi rất ngại sự thay đổi. Tôi yên tâm với điều mình đang có. Mặc dù có thể nhìn ra bên ngoài có nhiều thứ hấp dẫn, có nhiều người khác chiều chuộng hơn, hoặc họ giàu có hơn chồng mình, nhưng mình nghĩ mình đã sa sảy trong mối tình đầu thì khi mình quyết định đi đến hôn nhân với ông xã bây giờ thì dù gì vẫn là sự ổn định, chắc chắn của người bạn đời mang đến cho mình”.
Và, quả thật, Như Quỳnh đã không nhầm, cuộc hôn nhân qua nhiều thập kỷ vẫn bình ổn, cho đến nay mỗi khi rảnh rỗi nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo vẫn tháp tùng vợ đến những nơi vợ đóng phim. Hoặc chị lại sánh đôi cùng chồng đến một cuộc triển lãm ảnh. Hai vợ chồng thường dành thời gian xuống biển lên rừng, đến một miền đất mà ở đó bạt ngàn đồi núi, nắng gió, ao hồ thỏa thuê ngắm buổi hoàng hôn chiều tà, hay sáng sớm đón ánh bình minh lấp ló gọi ngày mới.
Tình yêu thuở nào vẫn trong trẻo và ngọt ngào, êm ái. Năm nào cũng vậy, gần dịp Tết họ lại rủ nhau tới những vùng đất xa để mang về những cành đào rừng thắm hồng khoe sắc, hay chỉ đơn giản là tạm xa Hà Nội ồn ào để làm cho nhau cảm thấy tươi mới trong không gian bao la đất trời mây gió.
Theo ANTGCT