Năm 2017, nhà giá rẻ sẽ chiếm lĩnh thị trường

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 05:45, 15/12/2016

Theo các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực nhà đất, trong năm tới, với nhu cầu thực của đại đa số người dân thì phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ sẽ chiếm lĩnh và dẫn đầu thị trường.

Khái quát chung về thị trường nhà đất năm 2016, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Cấn Văn Lực nhận định môi trường kinh doanh bất động sản (BĐS) đã đạt dấu hiệu cải thiện đáng kể khi 9 tháng đầu năm 2016 đã có tới hơn 2.000 doanh nghiệp BĐS được thành lập mới. Tuy nhiên, các phân khúc liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp còn tồn tại nhiều bất cập. Trong khi đó, phân khúc cao cấp đã có dấu hiệu cung cao hơn cầu.

Về nguồn vốn nước ngoài, có khoảng 1,3 tỉ USD đăng ký FDI vào BĐS, chiếm khoảng 10% tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam trong 11 tháng vừa qua. Còn tín dụng ngân hàng, tính đến ngày 30.9.2016, tổng dư nợ BĐS đã là 420.000 tỉ đồng và chiếm khoảng 8,5% tổng dư nợ.

TS Lực cho rằng thị trường BĐS hiện nay vẫn chưa hút được vốn của dân cũng như các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong và ngoài nước khiến đồ thị đường gia tốc phát triển chưa cao, chỉ ở mức độ tuyến tính, trong khi phát triển nguồn vốn trung và dài hạn hiện nay là chiến lược quan trọng đối với thị trường BĐS.

Theo vị chuyên gia này, kênh ngân hàng hiện đang góp đến 75% vốn liếng cho các doanh nghiệp BĐS, còn chứng khoán là 14%, trái phiếu 7%, bảo hiểm 2%. 3 "chân trụ" chứng khoán, ngân hàng và trái phiếu của nước ta “khập khiễng” nên thị trường phát triển chưa bền vững. BĐS là lĩnh vực quy mô không lớn nhưng sức lan tỏa lại rất lớn.

Tại những nước phát triển, BĐS chiếm đến 40% GDP vì mức độ ảnh hưởng của nó sang các ngành nghề khác. Ở Việt Nam chưa có thống kê cụ thể nhưng BĐS cũng phải chiếm đến 30 - 40% của cải của nền kinh tế. Theo tính toán sơ bộ, sau khi Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực, trong vòng 1 năm qua đã có khoảng 11.000 người nước ngoài Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản mua BĐS của Việt Nam. Đây là những dấu hiệu khả quan cho việc “đón đầu” dòng vốn ngoại vào thị trường BĐS Việt Nam.

Dự báo thị trường năm 2017, TS Cấn Văn Lực đánh giá phân khúc nhà ở xã hội sẽ đột phá khi Chính phủ ban hành Nghị quyết cho nhà ở xã hội với lãi suất vay là 4,8% cho thời hạn vay từ 10-15 năm.

Trong khi đó, dưới góc nhìn của GSĐặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, trong năm tới, phân khúc nhà giá rẻ sẽ dẫn đầu thị trường với nguồn cung và nhu cầu tăng cao.

"Tuy nhiên, dù đạt sự tăng trưởng về số lượng nhưng phân khúc nhà ở giá rẻ vẫn sẽ khó có thể vượt mức tỷ trọng 20% để đáp ứng được 80% nhu cầu hiện tại", GS Võ cho biết.

Theo GS Võ, hiện nay tại Hà Nội, lượng cung nhà giá cao vẫn sẽ lớn hơn lượng cung nhà giá trung bình. Cụ thể, lượng cung nhà giá cao hiện chiếm gần 50%, nhà trung bình chiếm 30% và nhà giá rẻ chiếm khoảng 20%. Trong khi đó, tại TP.HCM thì ngược lại, nhà giá rẻ tuy ở mức 20% nhưng nhà ở trung bình sẽ chiếm lĩnh thị trường với 50% và nhà cao cấp chỉ khoảng 30%.

Tuyết Nhung

tuyetnhung