Chính phủ chỉ đạo Thanh tra, Kiểm toán và 3 Bộ phối hợp với TP.HCM kiểm tra bãi rác Đa Phước

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 19:27, 14/12/2016

Hôm nay, ngày 14.12, Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc giải quyết phản ánh, tố cáo của ông Đoàn Văn Đức đối với Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS).

Công văn nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình như sau: "Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kiểm toán Nhà nước và UBND TP.HCM kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh, tố cáo của ông Đoàn Văn Đức liên quan đến việc đầu tư, xây dựng và xử lý rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước; đề xuất các biện pháp giải quyết theo quy định pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1.4.2017".

Tại buổi tiếp xúc cử tri vào tháng 5 năm ngoái, ông Đoàn Văn Đức, giám đốc Công ty cổ phần XDGT Đức Hạnh (huyện Bình Chánh, TP.HCM) trình bày với Chủ tịch nước khi ấy là ông Trương Tấn Sang về bãi rác Đa Phước.

Ông Đức nêu: "Bãi rác Đa Phước được xây dựng và đi vào hoạt động gần 8 năm qua, làm thất thoát ngân sách nhà nước với số tiền khổng lồ. Năm 2007, giá XLR tại Phước Hiệp – Củ Chi chỉ 5 USD/tấn, TP.HCM ký hợp đồng với dự án Đa Phước 16,4 USD/tấn chênh lệch 11 USD/tấn, ngân sách phải chi số tiền chênh lệch trong 8 năm qua: 365 ngày x 8 năm x 3.000 tấn x 11 USD/tấn = 96.360.000 USD, đó là chưa kể mỗi năm thành phố phải tăng giá cho chủ đầu tư dự án là 3%". Cộng thêm hơn 15 tháng qua với công suất 5.000 tấn/ngày thì ngân sách TP hay tiền thuế của người dân lại thiệt hại thêm bao nhiêu triệu USD nữa?

Khi đó, ông Đức đặt câu hỏi: "Điều này tiếp tục tạo thêm sự bất công quá lớn trong doanh nghiệp mà còn làm mất thêm tiền ngân sách hàng ngàn tỉ đồng, vậy ai là người chịu trách nhiệm? Công luận nghi ngờ có bàn tay lợi ích nhóm bao che và tạo điều kiện cho dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước thao túng độc quyền!". Ông Trương Tấn Sangkhi ấy đãghi nhận những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của TP, quận huyện thì đề nghị quận, huyện giải quyết, những vấn đề khác thìchuyển các kiến nghị của cử tri đến các cơ quan chức năng.

Hồi tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo UBND TP HCM xác định, làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại một số khu vực của TP.HCM và có phương án giải quyết tình trạng này.

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra đối với TP HCM sau khi báo chí phản ảnh việc người dân sinh sống tại quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng của TP HCM liên tục bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối phát tán nhiều tháng nay.

​Chủ dự án quảng cáo bãi rác Đa Phước có các hạng mục đầu tư như nhà máy phân loại tái chế rác, nhà máy chế biến phân compost và mới đây thêm dự án xây dựng nhà máy sản xuất điện từ khí gas thu được từ bãi "chôn lấp rác hợp vệ sinh" với công suất 12MW… Nhưng trên thực tế, công nghệ của bãi rác Đa Phước chủ yếu là chôn lấp rác. Công nghệ "chôn lấp rác hợp vệ sinh" này chính là sử dụng chất phụ gia keo trộn chung với xi-măng và vôi bột phun lên bề mặt rác.

Kết quả của công nghệ phun xịt này đã tạo nên một núi rác khổng lồ kỳ dị tại bãi rác Đa Phước hiện nay và mùi hôi thối làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu dân cư gần đó. Những năm trước, người dân xung quanh khu vực và cả quận 7, quận 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè đã than phiền về tình trạng hôi thối nhưng chưa được các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt.
Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 31.8, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết UBND TP.HCM và đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường đã trực tiếp tiến hành khảo sát và kiểm tra. Bước đầu, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định hoạt động của toàn bộ Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước có thể là nguyên nhân chính.
Trước đó, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết đã lập đoàn kiểm tra gồm 16 người thuộc Phòng quản lý chất thải rắn và Ban quản lý các khu liên hiệp xử lý thải, phối hợp với các quận huyện liên quan, kiểm tra tất cả các nguồn có khả năng phát sinh mùi hôi, tìm giải pháp khắc phục.
Theo ông Thắng, Sở nhận được phản ánh của người dân huyện Nhà Bè, Bình Chánh và quận 7 về việc xuất hiện mùi hôi thối trong không khí. Mùi không có liên tục trong ngày mà theo đợt, sau đó ngừng. Đơn vị đã khoanh vùng, xác định nguồn có khả năng phát sinh mùi lớn nhất là Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước.

Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quý (một Việt kiều hiện cư ngụ tại Phú Mỹ Hưng) cho biết đối với đô thị lớn như ở TP.HCM, việc chôn lấp rác phải cách xa khu dân cư 15 km. Khoảng cách ở bãi rác Đa Phước tới khu dân cư là chưa hợp lý (từ bãi rác đến khu Nam Sài Gòn khoảng 7 km). Tại nhiều bãi rác là các ổ mầm bệnh, ruồi, muỗi cho nên vấn đề sức khỏe đáng được quan tâm. Ngoài ra, không khí và nguồn nước bị ô nhiễm nên gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe người dân.

"Nồng độ cho phép tại chỗ làm hiện nay 5 ppm. Ở đây tôi lấy mùi đặc trưng mà khứu giác của con người có thể nhận ra được, đó là mùi H2S (mùi trứng thối). Nếu một nồng độ có thể ngửi được có nghĩa bầu không khí đó có khoảng 20-30 ppm trong không khí (như ở khu Nam Sài Gòn). So với nồng độ cho phép chứng tỏ có sự chênh lệch rất lớn. Nếu nồng độ tăng hơn nữa, lên tới 30 – 50 ppm bắt đầu gây ra hiện tượng cay mắt, khó chịu.

Khi lên tới 100 ppm gây ra ho, hen suyễn. Do không có con số tại trung tâm phát tán, mà chỉ lấy chỉ số tại nơi bị ảnh hưởng, nên nếu đưa ra một bài toán mô phỏng từ những con số áp suất không khí bình thường, nhiệt độ 25 độ C, mùi trứng thối 20 ppm, cách địa điểm phát tán mùi 7 km thì nếu tính ngược trở lại sẽ tương đương 2.000 ppm ngay tại tâm điểm (tức bãi rác Đa Phước - PV)", ông Qúy phân tích.

theo Người đô thị

P.V

2