Nhân dân tệ mất giá có thể khiến hàng hóa Trung Quốc tuồn sang Việt Nam dễ dàng
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:21, 15/12/2016
Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương dẫn lời Hệ thống giao dịch ngoại hối Trung Quốc (CFETS) cho biết, tỷ giá trung tâm của đồng NDT ngày 24.10 đã giảm 132 điểm cơ bản xuống còn 6,769 NDT/USD. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 9.2010. Việc phá giá đồng NDT có mục tiêu chính nhằm tăng cường quốc tế hóa đồng NDT và nhiều mục tiêu khác (trong đó có cả mục tiêu phục hồi tỷ giá do trong một thời gian dài đồng tiền này lên giá so với đồng USD), tuy nhiên chắc chắn ở đó cũng do xuất phát từ chỉ số xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm mạnh.
Theo Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, việc Trung Quốc hạ lãi suất về ngắn hạn có thể có tác động tiêu cực đáng lo ngại cho doanh nghiệp Việt Nam. Khi lãi suất giảm, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tăng sản xuất, hàng hóa Trung Quốc sẽ nhiều và cạnh tranh về giá. Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ càng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hàng hóa Trung Quốc xuất sang thị trường Việt Nam dễ dàng hơn.
Ngoài ra, việc cắt giảm lãi suất và phá giá của đồng NDT cũng có thể dẫn đến hệ lụy làm cho dòng đầu tư vào Việt Nam bị giảm sút do giá nguyên liệu tăng cao và phần lớn nguyên liệu sử dụng của các doanh nghiệp FDI là nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu việc hạ lãi suất giúp chặn được đà suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc, về dài hạn Việt Nam vẫn có thể hưởng lợi từ mức độ tăng trưởng chung của thị trường này.
Bên cạnh việc đồng NDT mất giá, Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương cũng đưa ra cảnh báo về việc giá than Trung Quốc tiếp tục tăng caođể doanh nghiệp trong nước có thể thận trọng trong việc tìm thị trường nhập khẩu than hợp lý.
Cụ thể, giá than của Trung Quốc trong những tháng cuối năm 2016 liên tục đạt đỉnh mới trong thời gian qua. Theo đó, giá than cốc thời điểm thấp nhất tại Trung Quốc vào đầu năm nay là 558 NDT/tấn, đến ngày 26.10.2016, giá này đã lên đến 1.765 NDT/tấn (khoảng 261 USD), tăng hơn 200%.
Được biết, giá than tại thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng cao là do nhu cầu sử dụng than cung ứng cho phát điện vào mùa đông cũng như khởi động các lò sưởi nhiệt tăng cao. Thêm vào đó, chỉ số công nghiệp của Trung Quốc cũng đang ấm trở lại kéo theo nhu cầu sử dụng than cho ngành này cũng tăng lên.
"Với tâm lý mua khi giá lên, không mua khi giá rớt và sợ không mua đủ than cung ứng cho mùa đông của nhiều nhà máy nhiệt điệnđã làm cho giá than tại Trung Quốc tăng cao", Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương cho biết.
Giá than của Trung Quốc tăng cao từ đầu năm đến nay do Trung Quốc áp dụng chính sách 276 ngày làm việc/năm (trước đây là 330 ngày/năm) kéo theo sản lượng than khai thác của Trung Quốc giảm trực tiếp 16%.
Trong khi đó, hơn 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 10 triệu tấn với kim ngạch 629,5 triệu USD. So với mức dự báo do Bộ Công Thương đưa ra đầu năm nay là 3,1 triệu tấn thì số lượng nhập đã tăng gấp hơn ba lần. Trong đó, Trung Quốc được xem là một trong những thị trường nhập khẩu than chính của Việt Nam.
Chỉ ra nguyên nhân khiến nhập khẩu than của Việt nam tăng mạnh thời gian qua, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), cho biết là do lượng than khai thác trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, trong nửa đầu năm giá than nhập khẩu ở nhiều thị trường giảm và rẻ hơn giá than khai thác trong nước.
Trong khi đó,các loại thuế, phí trong giá thành than khai thác trong nước các năm gần đây liên tục tăng. Chỉ tính riêng thuế tài nguyên của Việt Nam đã cao hơn 7 - 10% so với các nước trong khu vực, trong khi thuế xuất khẩu than của nhiều nước là 0%, thuế nhập khẩu than vào Việt Nam hiện nay là 0%.
Vì vậy, than các nước bán vào Việt Nam tăng nhanh đã gây sức ép lên thị trường tiêu thụ than trong nước, buộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã phải giảm sản xuất, ảnh hưởng tới việc làm cho người lao động. Trước tình hình này, TKV đã có những thay đổi trong điều hành sản xuất, kinh doanh để vừa đảm bảo phát triển ngành than, vừa sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, đảm bảo việc làm cho cán bộ và công nhân mỏ.
Ông Nguyễn Khắc Thọ cho hay, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng, cùng với việc yêu cầu TKV giảm chi phí để cạnh tranh trên thị trường, vẫn cần tiếp tục nhập khẩu than cho điện. Việc nhập khẩu than cho các dự án nhiệt điện là nhiệm vụ hết sức quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than với khối lượng lớn từ sau năm 2017 và tăng mạnh từ năm 2020, chủ yếu là than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, bao gồm cả than Antraxit và than nhiệt năng. Việc nhập khẩu than cho điện đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và giao cho Bộ Công Thương thành lập Ban chỉ đạo nhập khẩu than để thu xếp nhập khẩu than sau này, đáp ứng nhu cầu trong nước.
Tuyết Nhung