'Vẽ' lại giao thông TP. HCM
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:58, 18/12/2016
Trong phát triển kinh tế - xã hội, giao thông luôn được ưu tiên đi trước một bước. Đây là kinh nghiệm của nhiều quốc gia phát triển và TP. HCM cũng không ngoại lệ. Nhiều năm nay, TP. HCM luôn dành khoản ngân sách lớn cho việc phát triển hạ tầng giao thông.
“Giải phóng” một số khu vực
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP. HCM, thời gian qua, các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái (quận 2) như Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Vành đai 2, vòng xoay Mỹ Thủy... thường xuyên ùn tắc làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt và lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp, người dân.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hệ thống hạ tầng giao thông - Sở GTVT, thừa nhận, hiện tất cả loại xe vào cảng Cát Lái đều phải đi qua đường Nguyễn Thị Định. Nó như một thung lũng “hút” mọi phương tiện từ quận 7, Vành đai 2, xa lộ Hà Nội, cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Hiện cảng Cát Lái là nơi trung chuyển hàng hóa của các cảng khác như Hiệp Phước, Cái Mép... Trung bình mỗi ngày đêm có 17.000 xe ra vào cảng này, có thời điểm lên tới 21.000 xe nhưng khả năng thông hành của tuyến đường Nguyễn Thị Định chỉ đáp ứng được tối đa khoảng 16.000 xe/ngày đêm.
Dự án tuyến đường sắt trên cao sẽ góp phần giải quyết vấn nạn kẹt xe tại TP. HCM - Ảnh: THÀNH ĐỒNG
Giải quyết bài toán kẹt xe tại đây, theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT, phải mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy đến phà Cát Lái), tăng từ 2 thành 3 làn đường cho mỗi chiều lưu thông vào cảng; mở làn đường ra cầu Kỳ Hà 1, đường Đồng Văn Cống, xây nút giao thông Mỹ Thủy…
Song song đó, sẽ yêu cầu mở tối đa các làn thu phí tại trạm thu phí Phú Mỹ để tránh tình trạng ùn tắc giao thông ở vành đai phía Đông. Đường Đồng Văn Cống được mở rộng mỗi bên 3,5m; nâng cấp, hoàn thiện đường vành đai phía Đông với quy mô 4 làn đường; mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, đẩy nhanh xây dựng cầu Cát Lái để kết nối với tỉnh Đồng Nai.
Không chỉ ở khu vực cảng Cát Lái đang bị “đóng băng” mà tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cũng ngày càng trầm trọng. Để giải quyết vấn đề này, Sở GTVT vừa đề xuất có cơ chế đặc thù tìm vốn đầu tư xây dựng các dự án tăng cường giao thông tại đây.
Thông suốt cửa ngõ Tây Nam
Từ quận 7, huyện Nhà Bè đi vào trung tâm TP hiện chỉ có 2 đường chính là Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Hữu Thọ. Hiện nay, khu Nam Sài Gòn được kết nối với trung tâm TP bằng các cầu Khánh Hội, Kênh Đôi - Kênh Tẻ (quận 4); Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Tri Phương, Chà Và (quận 5). Những cầu này hẹp, chỉ có 2 làn xe nên thường xuyên ùn tắc.
Giải quyết vấn đề trên, từ tháng 10.2016, UBND TP đã phê duyệt dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên nối từ quận 6 vượt kênh Tàu Hủ, đường Võ Văn Kiệt - Kênh Đôi - Kênh Tẻ sang quận 8 để ra đường Nguyễn Văn Linh. Dự án xây cầu Nguyễn Khoái bắc qua kênh Tẻ cũng đã được chấp thuận với tổng vốn đầu tư 1.250 tỉ đồng, hoàn thành sau 18 tháng thi công.
Ở hướng phía Tây Nam, hiện TP đã kiến nghị đưa tuyến đường song song Quốc lộ 50 vào quy hoạch kết nối giao thông liên vùng. Tuyến này có điểm đầu từ đường Phạm Hùng (huyện Nhà Bè) đến huyện Cần Giuộc (Long An) với chiều dài 8,6 km. Các dự án cầu Thủ Thiêm 3 (nối quận 4 - quận 2), Thủ Thiêm 4 (nối quận 7 - quận 2) cũng đã được chấp thuận đầu tư. Khi đó, trung tâm TP. HCM sẽ được kết nối thông suốt với tất cả các quận, huyện, tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh.
Mới đây, Ban Quản lý đường sắt đô thị cũng đề xuất xây dựng tuyến metro ngầm từ Công viên Hoàng Văn Thụ đến sân bay Tân Sơn Nhất. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 276 triệu USD, trong đó vốn vay chính phủ Hàn Quốc khoảng 90%, phần còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách.
Khi hoàn thành, tuyến metro này được kết nối với các tuyến metro số 5, số 2 (Bến Thành, quận 1) - Tham Lương (quận 12) và tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (quận 9). GS-TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý môi trường Trường ĐH Công nghiệp TP. HCM, cho rằng với chiều dài chỉ 2 km thì tuyến metro này rất khó phát huy tác dụng, trong khi đó sự kết nối giao thông ở khu vực này chưa thật sự hoàn chỉnh.
Theo điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT TP. HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, TP. HCM sẽ xây dựng, hoàn thiện 5 trục cao tốc có năng lực thông xe lớn gồm: cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, dài khoảng 55 km, quy mô 6-8 làn xe; cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, dài khoảng 69 km, quy mô 6-8 làn xe; cao tốc TP. HCM - Mộc Bài, dài 55 km, quy mô 4-6 làn xe; cao tốc Bến Lức - Long Thành, dài 58 km, quy mô 6-8 làn xe và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, 76 km, 6-8 làn xe.
Bên cạnh đó, TP. HCM cũng cho xây dựng khép kín đường Vành đai 2 với chiều dài khoảng 64 km; đường Vành đai 3 dài 89 km; đường Vành đai 4 dài 198 km; hệ thống đường trên cao gồm 5 tuyến với tổng chiều dài 70,7 km. Xây dựng mới 34 cầu, 1 hầm vượt sông, trong đó có 9 cầu qua sông Đồng Nai, 14 cầu và 1 hầm qua sông Sài Gòn.
Giải bài toán kẹt xe khu vực sân bay
TP. HCM đã đề xuất có cơ chế đặc thù đầu tư nhiều công trình hạ tầng giải quyết bài toán kẹt xe ở khu vực sân bay Tân Sơn nhất. Theo đó, sẽ thực hiện hàng loạt dự án như: Xây cầu vượt thép tại nút giao thông đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài; xây hầm chui qua đường Trường Sơn (tổng mức đầu tư 2 dự án trên 771 tỉ đồng).
Cải tạo mở rộng đường Hoàng Minh Giám (trên 166 tỉ đồng). Mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng Doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa (255 tỉ đồng). Cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long (gần 143 tỉ đồng). Xây cầu thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (504 tỉ đồng).
Ý KIẾN
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP. HCM:
Cần những giải pháp mạnh tay
Việc Sở GTVT đề xuất chuyển đổi một số tuyến đường lớn như Cộng Hòa - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ - Phan Văn Trị - Lê Quang Định - Hai Bà Trưng - Phạm Ngọc Thạch từ hai chiều thành một chiều là giải pháp “bất đắc dĩ” nhưng buộc phải tính đến. Nhiều tuyến đường 2 chiều đang gây xung đột các hướng lưu thông. Trong khi đó, ý thức tham gia giao thông của nhiều người chưa tốt, dẫn đến tình trạng lộn xộn và ùn ứ tăng cao.
Ngược lại, đường một chiều lại có ưu điểm tránh xung đột, di chuyển nhanh hơn nên việc ùn tắc giao thông sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lại giao thông như trên sẽ tác động đến nhiều người do phải tăng thêm quãng đường di chuyển, đồng nghĩa với việc tăng lưu lượng xe.
Hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu không thể theo kịp sự phát triển phương tiện giao thông cá nhân đang tăng chóng mặt nên TP. HCM cần nghiên cứu những giải pháp mạnh tay để giảm ùn tắc giao thông. Đối với việc tổ chức lại giao thông một chiều trên một số tuyến đường vốn đang hai chiều, Sở GTVT cần nghiên cứu cụ thể đặc thù từng khu vực, tình hình giao thông trên từng tuyến đường để điều chỉnh phù hợp.
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông: Tránh đầu tư đại trà
Việc TP. HCM dành nguồn vốn ưu tiên hạ tầng giao thông là cần thiết. Tuy vậy, TP cũng nên xem xét lại quy hoạch, tránh đầu tư đại trà và lún sâu vào các dự án “khủng”. Trên thực tế, việc kẹt xe xuất phát từ những tuyến đường nội đô nhỏ, hẹp. Trong khi đó, hầu như các cơ quan chức năng quan trọng, rất nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại... tập trung ở khu vực này nên càng làm tình hình thêm trầm trọng. TP cần dành vốn ưu tiên để nâng cấp các tuyến đường này, tạo thành một “dòng chảy” thông suốt.