Hữu Nghĩa và câu chuyện đời, chuyện nghệ cùng hạnh phúc muộn màng có hậu
Văn hóa - Ngày đăng : 10:42, 18/12/2016
1.Nếu bạn bắt gặp một người đàn ông chải chuốt, quần ủi thẳng băng, sơ mi đóng thùng, đó chắc chắn không phải là Hữu Nghĩa. Chất lính của những năm tháng ngang dọc ăn rừng ngủ bụi phục vụ đoàn thanh niên xung phong ngấm sâu vào Hữu Nghĩa.
Cho nên, ngay cả khi được khán giả nhớ mặt biết tên, ngay cả khi về lại Sài Gòn, Hữu Nghĩa vẫn xuề xòa và đại khái. Vẫn thích áo phông cũ, quần kaki sậm màu, ba lô lỉnh kỉnh đủ thứ. Vẫn ngồi quán vỉa hè, quán cóc, vẫn nhiệt tình với mọi người xung quanh, nhưng khi bị khán giả nhận ra và xin chữ ký thì phát hoảng. Lần duy nhất, tóc Hữu Nghĩa chải láng mướt, mặc vest đóng thùng đĩnh đạc xuất hiện trước đông đảo mọi người mà không phải trong một bộ phim cũng là ngày vui lớn nhất đời anh.
Ở độ tuổi mà nhiều người đã có con vào đại học, thậm chí con cái lập gia đình thì với Hữu Nghĩa, cuộc sống hôn nhân mới chỉ bắt đầu. Khán giả thắc mắc, một người vừa hài hước, vừa thân thiện lại "bảnh trai" như anh mà chịu được chừng ấy năm cô đơn, tính ra cũng lạ. Hay là vì anh kén chọn và khó tính quá? Bạn bè đốc thúc sao anh cứ ở vậy mà không chịu dắt cô nào về cho có đôi có cặp? Anh đều cười cười cho qua chuyện.
Nghề của anh cho anh nhiều trải nghiệm hóa thân thành một người chồng, người cha không trọn lòng với vợ con, một kẻ khiến người phụ nữ yêu thương mình phải rơi nước mắt. Vai diễn cứ vậy ám vào đời, khiến anh trăn trở. Liệu, cái tính xuề xòa của anh có đủ quan tâm để không làm người ta tủi thân?
Cũng không cần những lời hoa mỹ, bóng bẩy, những món quà trang hoàng đắt đỏ. Họ cần sự sẻ chia và đồng hành của người bạn đời ở những khoảnh khắc, những giai đoạn của cuộc sống. Mà chẳng phải, chúng ta trong đời sống này cũng đều dành phần lớn thời gian, công sức đi tìm một người có thể ở bên mình hay sao?Liệu theo cái nghiệp này, gắn với sân khấu, với đoàn phim đi mải miết thì anh có làm hết trách nhiệm được với người ta không? Phụ nữ trong mọi cuộc hôn nhân, nói cho cùng không cần người đàn ông của họ mang về nhà thật nhiều tiền.
Mà cũng đâu phải anh khó tính hay kén chọn gì cho cam. Cũng đã đôi lần, anh thử yêu. Người trong nghề có, ngoài nghề có nhưng đều nhận về những trái ngang, ngăn cấm. Bởi trong mắt người anh yêu, trong mắt gia đình người yêu, anh chỉ là một gã, hoa mỹ thì là "nghệ sĩ lang thang", định kiến thì là "xướng ca vô loài".
Danh vọng ảo ảo thực thực, phù phiếm có gì bền vững, tiền tài chỉ là vài đồng bạc lẽ bán làn hơi, mồ hôi đắp đổi qua ngày. Người yêu anh, một rời xa anh để chọn cuộc sống yên ấm, an bình và đỡ vất vả hơn. Một vì không qua được rào cản gia đình đành ngậm ngùi chia tay.
Và, cũng rất nhiều lần, anh cảm thấy người ta đến với anh là vì say mê thứ hào quang anh đang sở hữu chứ không vì con người thật của anh. Giấc mộng màu hồng nào rồi sẽ không vỡ? Hữu Nghĩa, theo phản xạ tự nhiên, quay về tự hỏi và trách vấn mình. Rồi ngại yêu thương. Rồi tự vấn nhiều hơn.
Lần lữa mãi đến khi giật mình thì tóc xanh trên đầu đã ít nhiều phai đi. Má anh lắc đầu, lo lắng: "Má thấy thằng Nghĩa dẫn bạn gái về nhà coi cũng nhiều cô ưng mà sao không thấy cưới hả bây?".
2.Anh Hữu Nghĩa và chị Ngọc Vân, bà xã anh hiện tại, quen nhau từ cái thuở xa lắc xa lơ. Chỉ là, trong mắt anh, chị như một cô em họ thân thiết. Chuyện anh yêu cô nào, thất tình ra sao, đưa cô bạn gái nào về nhà chị đều biết tỏng vì "ba mẹ vợ là bạn của ba má tôi. Hai bên gia đình biết nhau nên cứ mỗi dịp nhà có giỗ hoặc đám tiệc bà ấy đều qua phụ giúp nấu nướng.
Lúc đó, tôi thực sự không để ý lắm. Một lần tôi ghé quán hủ tiếu nhà bà ấy ăn sáng. Bà là người gốc Hoa, nhà đông anh em lắm, ba mẹ cũng đã lớn tuổi nhưng bà vừa bán hàng vừa chăm sóc ba mẹ già. Thấy bả tận tình, là người có hiếu nghĩa, tôi bị thu hút và bắt đầu tìm hiểu".
Hỏi một vài kỷ niệm đẹp giữa anh và chị, anh cười xòa: "Tôi qua cái thời đó rồi, tính tôi cũng không lãng mạn. Tôi thuộc tuýp người thực tế, yêu nhau thấy hiểu và hợp nhau là đưa nhau về ra mắt ba mẹ." Lo mình là nghệ sĩ, bà xã là người bình thường thì không hợp nên mỗi lần đi diễn, quay phim anh đều sắp xếp đưa chị theo để xem anh làm việc, đồng thời làm quen với bạn bè, đồng nghiệp anh.
"Cực có, sướng có. Có lần về quê quay giữa trời nắng chang chang, lội ruộng, nằm ngủ trên cái võng cót két chật ních nhưng bả đều chịu đựng được. Mấy người bạn của tôi giỡn: 'Trời, em xinh mà lấy chi thằng Nghĩa vậy, nó là hàng tồn kho, ế chẳng ai thèm đụng đến".
Cứ tưởng bà ấy ngượng, ai dè bả cũng bắt nhịp được: "Thôi kệ! Không ai cứu vớt đời anh Nghĩa thì em phải cứu vớt đời ảnh chứ sao hả mấy anh". Bạn nghe xong tròn mắt, thấy bả đối đáp ghê quá, không dám chọc nữa" - anh hào hứng kể.
"Vợ tôi là người ý tứ và hiểu chuyện nên không làm mất lòng mẹ chồng. Trước đây, tôi dắt nhiều cô gái về nhà, các cô hoảng vì thấy tôi có hai bà mẹ, lo sợ phải hầu hai mẹ chồng. Còn việc ấy, vợ tôi thấy bình thường. Với bả, đó là bổn phận làm con nên bả đều lo chu đáo mọi việc".
Ngày cưới Hữu Nghĩa, bạn bè, đồng nghiệp từ thời học chung trường Sân khấu Điện ảnh đều đến dự. Đó là lễ cưới vui nhất, những lời mừng thật nhất tôi từng chứng kiến. Không ồn ào, sáo rỗng, không khoe mẽ hay cần chứng tỏ. Nó là tiếng cười của ân tình, của thứ hạnh phúc muộn mằn mà đằm thắm. Niềm vui không chỉ đọng lại trong mắt chú rể, cô dâu mà còn ánh lên trong mắt bè bạn, đồng nghiệp của chú rể.
Nghệ sĩ Quyền Linh chia sẻ: "Bạn bè ai cũng bất ngờ khi nhận thiệp cưới của Hữu Nghĩa vì nhiều năm qua anh vẫn lẻ bóng. Vì vậy, tiệc cưới hôm nay có rất đông bạn bè, đồng nghiệp vốn gắn bó với Hữu Nghĩa và quý mến anh như một người thân đến dự".
Còn Trấn Thành thốt lên: "Hôm nay thầy tôi lên xe hoa, tôi và tất cả học trò đều vui mừng". Giữa năm nay, một lần nữa bạn bè anh lại quây quần mừng thôi nôi cậu con trai kháu khỉnh và giống bố như tạc.
3.Trở thành người đàn ông có gia đình, Hữu Nghĩa thay đổi không ít thói quen của bản thân. Hơn hai năm qua, Hữu Nghĩa hạn chế việc tụ tập cùng bạn bè, đồng nghiệp để về nhà với vợ và chăm sóc cho cậu con trai một tuổi rưỡi.
"Hồi mang bầu, vợ tôi hay giận dỗi, trách móc và lúc nào cũng sẵn sàng khóc lóc hoặc la toáng lên. Lần đầu làm cha nên tôi vụng về, rối trí không biết mình đã làm gì khiến vợ thay đổi đến chóng mặt như vậy. Hỏi bạn bè, tôi mới biết phụ nữ có thai thường thay đổi tâm sinh lý.
Trước kia, tôi không bao giờ la cà shopping, càng không để ý đến quần áo. Nhưng từ khi có con, mỗi lúc quay bối cảnh trong chợ, siêu thị, hoặc sang Mỹ biểu diễn, tôi đều ghé mua quần áo cho con.
Trước lúc cháu được một tuổi, tôi khá vung tay cho việc mua sắm. Nhiều khi đang ở bên Mỹ, tôi gọi điện về cho bà xã hỏi số đo của con để mua quần áo mà quên mất ở Việt Nam đang ban đêm.
Ngày thường, tôi ôm đồm nhiều công việc từ tấu hài, làm đạo diễn sân khấu, đạo diễn chương trình truyền hình nên hiếm khi có thời gian chia sẻ chuyện chăm sóc con với cô ấy. Tôi thường chơi với con vào những ngày nghỉ hiếm hoi hoặc lúc đi làm về.
Mỗi khi về khuya, tôi bước vào phòng dù giữ im lặng đến mấy, cháu đang ngủ vẫn nhận ra và bật dậy. Sau khi ôm cổ, hôn hít chán chê, chàng ta đòi ngồi ăn khuya, đòi bố bày trò chơi. Cháu nhất định không chịu ngủ lại nếu bố chưa ngủ.
Nhiều khi tôi có việc cần thức nhưng vẫn phải nằm xuống giường để dỗ con. Con chưa kịp ngủ, bố mệt quá ngủ trước. Thằng bé lại bày đủ trò như cào mặt, cắn tai, nằm lên bụng để gọi bố dậy" - anh cười hạnh phúc.
Tôi tin, nụ cười đẹp nhất là nụ cười của người đã tìm thấy bến đỗ bình yên giữa bộn bề cuộc sống này. Và người đã từng đi qua nhiều cuộc tình không thành, đã từng không thôi tự vấn mình liệu có mang lại hạnh phúc cho người khác xứng đáng được hưởng dư vị ấm êm của một gia đình.
"Tôi không quá lo lắng chuyện tích lũy của cải để lo cho con. Điều tôi trăn trở nhất là làm sao rèn luyện cho con kỹ năng, bản lĩnh và nhân cách sống. Đó mới chính là tài sản quý giá nhất cha mẹ chuẩn bị cho con mình".
Hoàng Linh Lan/ ANTGCT