Quết bánh phồng chuẩn bị Tết

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 09:55, 19/12/2016

Ngày xưa bánh mứt Tết không phong phú như bây giờ. Nhưng ngoài trái cây chưng Tết: mãng cầu - xoài - sung - đu đủ - cau (Cầu xài sung đủ cao - PV), dưa hấu, cam, quít trên bàn gia tiên thì không thể thiếu bánh phồng, bánh tráng nướng…

Năm nào cũng vậy, cứ vào lệ mùng mười tháng Chạp, chị Hai tôi cho ra lò ổ bánh phồng đầu tiên. Muốn thực hiện ổ bánh phồng hoàn chỉnh, ngon sắc sảo, nhai giònrôm rốp thì phải có vật liệu sau đây: chủ yếu là nếp, lựa nếp phải rặt, lựa không còn hột gạo. 10 kg nếp là được một ổ bánh phồng.

Nếp đem xả sơ với nước lạnh, đổ vô khạp có sẵn dung dịch nhớt cây bông trong rừng, 2 thứ này làm bánh phồng khi nướng nở, chín và giòn, đổnước vào đầy khạp (*)trộn nếp với vật liệu trên. Nếp ngâm 2 ngày - gần 2 đêm, thì trước khoảng 3-4 giờ sáng, vớt nếp ra đem xả nước sạch rồi bỏ vô chõ (**) để sôi.

Khi xôi chín thì đổ vô cối quết. Thợ quết bánh phải lực lưỡng, còn người vô nước phải có đôi tay khéo léo. Lúc đầu thợ quết bánh, quết từ từ đừng để nếp văng ra ngoài. Chị tôi vừa trộn đường chảy (không dùng đường cát), nước cốt dừa (không thắng)trộn vào ổ bánh.

Xong hết, cũng là lúc thợ quết tăng tốc, người quết người trộn phải ăn ý với nhau nhất là người trộn phải lẹ tay tránh đòn kẻo bị thợ quết quết vào tay sưng vù hết ăn Tết. Lúc mấy thợ quết cố ra sức quết, tiếng quết bánh phồng nghe ình ình vang xa hơn 100m.

Ổ bánh phồng của chị tôi vừa quết xong cũng là lúc diêm bột đầu tiên mà lò bánh tráng của thím Hai vừa xong, trong khi tôi vừa nhai miếng cơm cháy giòn rụm - sản phẩm đặc trưng còn sót lại ở đáy nồi cơm nếp. Ổ bánh phồng được đựng bằng cái diệm đem vào để lên bộ ván gỗ (ngựa) trên đó có 3-4 người chờ sẵn (những ngườinắn bột, cán bột vàphơi bánh).

Dụng cụ cán bánh gồm có ống cán làm bằng tre bông dài 3-4 tấc, cỡ bắp tay đàn ông. Ống tre cán bánh dùng lâu ngày lâu năm nên bóng láng. Khoảng10 miếng lá chuối tươi 4x4 tấc, 1 lòng đỏ trứng gà trộn đều và nát với dầu dừa... Vậy là cán bánh.

Khoảng 12 giờ trưa bánh phồng phơi trên chiếu khô, gỡ ra từng cái, chồng lên nhau. 1 chảo đường chảy đang sôi sùng sục, bỏ từng cái bánh vào, vớt từng cái ra đem lên chiếu phơi lại cho khô rồi xếp lại từng chồng bỏ vô cái thúng đem lên bộ ván chiếu làm tiếp.

Sau khi cơm nước tắm rửa xong, 2-3 người xúm lại, trên tay mỗi người 1 cây kéo vanh tròn cái bánh, chất thành chục bánh (tùy địa phương) lấy lạt lá (hoặc chuối) cột lại bỏ vào thúng chờ ngày 14 hoặc rằm đem ra chợ bán hoặc bỏ mối quen. Còn lại, để dành cho Tết…

Khoảng 11 giờ 30 đêm 30 (hoặc 25 Tết), mẹ tôi đã thức lo bánh nước cúng ông bà và rước nêu. Bánh phồng, bánh tráng nướng và dưa hấu đỏ au không bao giờ thiếu trên bàn gia tiên trong lễ dựng nêu rước ông bà.

Nướng bánh phồng không phải ai cũng nướng được, nhất là giới trẻbây giờ. Nướng bánh là một nghệ thuật khéoléo độc đáo của đôi bàn tay nõn nà. Dụng cụ nướng bánh là cặp gấp nướng bánh như bàn tay có 4 ngón xòe ra. Lửa than, vỏ dừa, rơm, lá dứa là tốt nhất.

Để cái bánh phồng được xé 4 gốc sâu 1cm rồi trở qua trở lại trên lửa hồng một cách mau lẹ, nếu chậm là bánh rớt vào lửa, vừa trở vừa ép vừa lật cho bánh nở chuối. Chiếc bánh nướng thơm lừng vàng óng, dâng lên cúng tổ tiên đúng lúc. “Cu (chim cu gáy) kêu 3 tiếng, cu kêu mau cho đến Tết dựng nêu ăn chè”...

Trần Bạch Hổ

(*)Đồ gốm hình trụ tròn to, miệng rộng, có nắp đậy, dùng để đựng gạo, muối...

(**)Nồi hai tầng, tầng trên có lỗ ở đáy, dùng để đồ xôi

Trần Bạch Hổ