EVFTA sẽ mở cửa dịch vụ 'tiền di động' Việt Nam

Kinh tế số - Ngày đăng : 12:19, 12/10/2020

Hiệp định EVFTA đi vào hoạt động dự báo sẽ tạo nên một "bức tranh" tài chính Việt Nam đầy màu sắc tích cực.

EVFTA mở cửa thị trường tài chính

Trong bối cảnh Việt Nam đang thực thi Hiệp định Thương mại tự do với châu Âu (EVFTA), "bức tranh" ngành tài chính và thị trường tài chính Việt Nam được dự báo sẽ có những thay đổi cơ bản.

Với EVFTA, trong vòng 5 năm đầu, Việt Nam cam kết sẽ xem xét cho phép các tổ chức tín dụng EU mua đến 49% cổ phần của 2 ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam, ngoại trừ 4 ngân hàng có sở hữu Nhà nước là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank. Hiện nay mức tối đa là 30%.

evfta-se-mo-cua-dich-vu-tien-di-dong-viet-nam(1).jpg
Dịch vụ Mobile Money sẽ đón nhiều cơ hội mới từ EVFTA

Ngoài ra, Hiệp định cũng cam kết mở cửa thị trường với các dịch vụ tài chính mới và cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tài chính EU chuyển thông tin ra/vào Việt Nam. Điều khoản này dự kiến sẽ có tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến lĩnh vực Fintech và tiền di động (Mobile money) - dịch vụ tài chính mới đang được quản lý bằng các văn bản pháp luật hiện có của Việt Nam.

Trước tình hình trên, giới chuyên gia cho rằng Chính phủ cần có tiến trình mở cửa, tự do hóa một cách hợp lý các dịch vụ tài chính. Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng châu Âu là một thị trường tài chính lớn của thế giới. Vì vậy, việc hợp tác với các đối tác châu Âu sẽ giúp doanh nghiệp, ngân hàng Việt Nam cải thiện được hai yếu tố quan trọng nhất hiện nay là công nghệ và quản trị năng lực cạnh tranh.

Theo đó, bà Trang cho rằng các doanh nghiệp trong nước cần chủ động tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA để cải tiến chính bản thân, nếu không bắt kịp xu hướng thì sẽ đánh mất thị phần vào tay các doanh nghiệp EU.

Cơ hội cho "tiền di động"

Mobile Money (tiền di động) là dịch vụ thanh toán điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng. Người dùng chỉ cần điện thoại di động là có thể sử dụng trả tiền ngay cho mọi dịch vụ giá trị nhỏ một cách nhanh chóng, thuận tiện mà không cần qua trung gian thanh toán này.

Theo thống kê năm 2019, Việt Nam có lượng lớn thuê bao điện thoại, khoảng 129,5 triệu thuê bao. Trong đó, số điện thoại di động băng rộng 3G và 4G là hơn 61,3 triệu thuê bao, mạng điện thoại di động đã được phủ kín hầu hết các địa phương trên toàn quốc. Với 43,7 triệu người dùng smartphones (chiếm 45% dân số năm 2019). Con số trên cho thấy còn rất nhiều dư địa để phát triển thị trường "tiền di động" ở Việt Nam.

Trao đổi với Một Thế Giới, chuyên gia tài chính ngân hàng - TS Cấn Văn Lực cho rằng Hiệp định EVFTA sẽ mở cửa thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam, đó là cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tài chính EU thành lập tại Việt Nam để tiếp cận dịch vụ thanh toán, bù trừ, các phương thức tài trợ và tái cấp vốn có sẵn, đó là các phương thức huy động vốn thông thường trên thị trường như phát hành trái phiếu, vay vốn từ các ngân hàng thương mại, vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước,...

Chẳng hạn như với mảng "tiền di động", TS Lực cho biết Hiệp định EVFTA sẽ mở cửa thị trường "tiền di động" của Việt Nam trong việc hợp tác và liên kết với các doanh nghiệp EU về công nghệ và tài chính, cho phép các doanh nghiệp dịch vụ tài chính của EU vào thị trường Việt Nam. Những thông tin trên các ứng dụng dịch vụ tài chính này sẽ được chuyển ra/vào Việt Nam thông qua hiệp định EVFTA.

Trên thế giới, chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết ứng dụng "Mobile Money" được vận hành và quản lý theo 4 mô hình. Thứ nhất là mô hình điều hành bởi các nhà mạng di động linh hoạt, tạo điều kiện phát triển "Mobile Money" nhất nhưng lại rủi ro nhất; Thứ hai là mô hình ngân hàng là nhà cung cấp dịch vụ, đặt dưới luật ngân hàng, theo đó, các nhà mạng chủ yếu cung cấp dịch vụ liên lạc, cơ sở hạ tầng; Thứ ba là một loại hình tổ chức mới được tạo ra dưới luật ngân hàng, song các dịch vụ được cung cấp hạn chế (thường không được cấp tín dụng); và cuối cùng là mô hình mà ngân hàng trung ương phát hành tiền điện tử và quản lý một nền tảng xử lý trung tâm, trở thành thành phần chính của thị trường.

Tuy nhiên, TS Lực cho rằng việc mở cửa thị trường với các dịch vụ tài chính mới sẽ gây thách thức không nhỏ cho thị trường tài chính Việt Nam cũng như triển vọng các sản phẩm tài chính số trong tương lai, đặc biệt là mảng thanh toán và ngân hàng bán lẻ. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường tài chính Việt Nam sẽ phải đón nhận thêm các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh...

"Điều này buộc các ngân hàng, doanh nghiệp tài chính trong nước phải chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ cung cấp, thiết kế và cung cấp dịch vụ phù hợp yêu cầu khách hàng. Cùng với đó là đẩy mạnh việc tăng cường ứng dụng công nghệ, ngân hàng điện tử và nâng cao các kỹ thuật bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Tuyết Nhung