Dựng 'lô cốt' trên đường làng không cho xe né trạm thu phí
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:59, 27/12/2016
Dựng biển cấm, chặn đường đi
Ngày 26.12, báo Một Thế Giới nhận được tin tại trạm thu phí Km 943+975 QL1A (TTP km 943+975) có việc dựng biển cấm xe ô tô và dựng ‘lô cốt’ giữa đường vào thôn Viêm Tây 1 (xã Điện Thắng Bắc, TX.Điện Bàn, Quảng Nam).
Quan sát tại hiện trường, con đường bê tông rộng 5,5m đi vào thôn Viêm Tây 1 nằm bên phải QL1A hướng từ nam ra bắc, ngay cạnh đường vào TTP km 943+975. Đây là đường bê tông do nhà nước và nhân dân cùng làm với kinh phí khoảng 2,2 tỉ đồng. Rất ngẫu nhiên, hai cổng ra vào thôn này lại nằm ở hai phía nam và bắc của trạm thu phí.
Ở đường vào phía nam của TTP km 943+975, nhiều tháng nay, một biển báo cấm xe ô tô con rẽ vào đường bê tông được dựng ngay vỉa hè QL1A, gần nhà điều hành của trạm; cạnh đó là một biển báo cấm xe ô tô có tải trên 3,5 tấn đi vào thôn.
Có nghĩa rằng, kể cả các loại ô tô con đều không được đi vào thôn Viêm Tây 1 theo như biển cấm đầu tiên. Anh Lê Phi Hải, một người dân sống ở Đà Nẵng cho hay: “Nhà tôi ở trong làng ấy, muốn về giỗ chạp thì vào làng bằng cách nào. Ai lại đi cấm ô tô con vào làng thế này?”.
Anh Hải còn cho biếttừ Đà Nẵng về làng rất gần mà đã mất 70.000 đồng chohai lượt đi vào/ra trạm thu phí. Không những vậy, ngay trên con đường bê tông, người ta đã cho dựng một "lô cốt" chắn ngay giữa đường, xe cộ qua lại không được.
Thôn chống lệnh?
Trao đổi về vấn đề dựng lô cốt cấm đường ở thôn Viêm Tây 1, ông Trần Phước Hoan, Chủ tịch UBND xã Điện Thắng Bắc cho biết: “Trước đây người dân không đồng ý làm trạm thu phí ở vị trí hiện tại. Sau khi trạm dựng lên, nhiều xe ô tô tránh trạm đã đi vào con đường bê tông nói trên. Người dân sợ xe cộ gây tai nạn nên trước đây đã dựng 2 gác chắn ở hai cổng vào. Sau đó, những gác chắn này bị gãy nên người dân thôn Viêm Tây 1 đã lấy cát dựng lô cốt chặn giữa đường”.
Việc chặn đường trái luật này đã từ tháng 8.2016. Nhận được thông tin, UBND TX.Điện Bàn có công văn yêu cầu xã Điện Thắng Bắc buộc thôn phải tháo dỡ tường chắn bao tải nói trên.
Công văn cho hay: “Tuyến đường bê tông Viêm Tây 1 nối từ QL1A vào thôn Viêm Tây 1 được đầu tư xây dựng hoàn thành phục vụ tốt cho việc đi lại, sản xuất và vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Hiện nay, trên tuyến đường này ô tô không thể lưu thông được do tường chắn bao tải cát chặn ngang tại đầu tuyến đường phía QL1A. Tường chắn này ảnh hưởng rất nghiêm trọng về ATGT, có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông gây chết người khi xe máy đâmvào; mất mỹ quan đô thị, gây bức xúc trong nhân dân”.
“Để việc đi lại của nhân dân được thuận lợi và an toàn, UBND TX.Điện Bàn yêu cầu UBND xã Điện Thắng Bắc khẩn trương tháo dỡ tường chắn bao tải cát trên tuyến đường nói trên”, công văn của UBND TX.Điện Bàn yêu cầu.
Tuy nhiên, lệnh của UBND TX.Điện Bàn đến nay vẫn không được thực hiện. Thay vì dựng lô cốt lộ liễu ở gần QL1A, nay người ta đã dời vào khuất trong thôn, vị trí cạnh nhà văn hóa thôn.
Trả lời phóng viên về việc này, ông Trần Phước Hoan cho biết: “Sau khi có công văn của thị xã, chúng tôi đã mời Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban mặt trận thôn họp bàn tháo dỡ; đã xuống thôn chỉ đạo nhưng họ không chấp nhận”.
Người dân hay trạm thu phí dựng biển cấm?
Chiều 26.12, phóng viên Một Thế Giới đã liên hệ với ông Nguyễn Nho Toàn, Trạm trưởng TTP km 943+975để làm rõ về biển báo cấm xe ô tô rẽ vào thôn Viêm Tây 1. Ông Toàn báo bận họp không xuống trạm được và hẹn sẽ trao đổi vào 9 giờ sáng 27.12. Đúng hẹn, chúng tôi có mặt tại trạm thu phí thì phát hiện biển báo trên đã biến mất, vết cưa ống sắt vẫn còn mới.
Khi được hỏi ai đã cắm biển báo đó, ông Toàn nói: “Biển báo là mình không cắm, người dân trong thôn họ tham mưu, họ không có ô tô thì họ chả muốn ô tô đi vào đường dân sinh của họ. Vì thứ nhất là đường hỏng, thứ hai là ở thôn đó có trường mẫu giáo bên đường nên người dân mới cắm biển đấy cho nó hạn chế xe cộ”.
“Người dân liên quan gì biển báo?”, phóng viên hỏi. “Người dân đề nghị nhưng bên tôi không cắm”, ông Toàn nói. “Vậy ai cắm biển đó?”. “Tôi cũng không rõ. Chắc phản ánh biển báo đó là những người đi ô tô, chứ vấn đề cũng không nặng nề gì”.
Khi chúng tôi cho rằng từ khi nhận được cuộc điện thoại hẹn làm việc vào chiều trước, đến sáng nay biển cấm đã được nhổ đi là có vấn đề, ông Toàn phân trần: “Thực tế như thế này, khi bọn tôi dựng trạm thu phí ở đây thì rất áp lực từ địa phương. Khi xe né trạm đi vào đường dân sinh thì các đồng chí thanh niên say xỉn lên trạm như bắt đền chúng tôi, nói sao các anh dựng trạm ở đây để xe đi vào đường thôn. Câu chuyện nó thế thôi”.
“Vậy ai là người cắm biển cấm?”, phóng viên hỏi. “Trạm tôi không cắm. (Biển cấm) không có trong hồ sơ thiết kế, không có trong quy định đâu ưng cắm là cắm, làm tầm bậy thì thanh tra họ phạt tôi thì sao. Người dân đề nghị trạm chúng tôi cắm nhưng chúng tôi không đồng ý. Thực tế thì chúng tôi tài trợ cái bảng đó chứ người dân làm sao có bảng đó”, ông Toàn nói.
Một ngày trạm thu phí thu 500 triệu đồng Trao đổi với Một Thế Giới, ông Nguyễn Nho Toàn, Trạm trưởng TTP km 943+975 cho biết: “Quốc lộ (1A) của tôi (đoạn) từ Hòa Cầm (Đà Nẵng) đến gần TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) nên xe cộ đi qua đoạn này là tôi được thu phí. Tôi được thu từ ngày 1.1.2016”. Theo ông, trung bình một ngày trạm thu vào 500 triệu đồng từ phí xe cộ qua lại. Phí xe giá thấp nhất là 35 ngàn, giá cao nhất là 180 ngàn. “Thực tế là như thế. Vừa rồi có Tổng cục Đường bộ và Cục 3 (Kiểm toán Nhà nước) làm việc nhiều ngày. Con số này mình biết chắc chắn”, ông Toàn nói và đưa ra lý do phí thu vào thấp như vậy là do xe đi tuyến bắc nam né tránh trạm thu phí. |
Lê Đình Dũng